Thực Phẩm Độc hại 2

Phóng sự

Có hay không, thực phẩm độc hại trên bàn ăn của chúng ta?

Bài 2:

Lang thang ở chợ: Hàng "Made in China" đầy dẫy

 

- Phụng Linh/Viễn Đông

 

(Lời tòa soạn: Những năm gần đây, người Việt hải ngoại liên tục gửi email cho nhau rất nhiều thông tin nói về sự độc hại của thực phẩm nhập cảng từ Trung Cộng và Việt Nam. Lời cảnh cáo này chỉ dừng lại ở tình trạng "nhắc nhở, nhắn nhủ" nhau, xem như ai "cảm thấy sợ thì tự nguyện không dùng; ai không sợ thì ăn xài thoải mái". Trong khi đó, các chợ – đặc biệt là chợ Việt ở vùng Orange County, Nam California, bày bán tràn lan thực phẩm "Made in China" và "Product of Việt Nam".

Loạt bài sau đây của chúng tôi đặt ra vấn đề nóng hổi của mọi gia đình: liệu thực phẩm độc hại đã có mặt ở trên bàn ăn của chúng ta hay chưa; ai chịu trách nhiệm về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ và ý kiến của các nhà khoa học môi sinh về vấn đề này.

Sau loạt bài này, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được ý kiến phản hồi của quý bạn đọc để rộng đường dư luận).

 

Nỗi lo "biến tướng" của hàng Trung Quốc

Đi một vòng các chợ ở khu vực Little Saigon, trong phạm vi thành phố Garden Grove, Westminster và xa hơn một chút là Costa Mesa, gồm khoảng 5 chợ Việt Nam, một chợ Nhật, một chợ Mexico, một chợ Đại Hàn và khá nhiều chợ Mỹ, điều chúng ta nhận ra được ngay là chợ Việt bán thực phẩm nhập cảng từ Trung Quốc và Việt Nam nhiều hơn các chợ Đại Hàn, chợ Mễ trong khi rất hiếm hoi ở các chợ Mỹ.

Thực phẩm Trung Quốc và Việt Nam được bày bán phần lớn là đồ khô như bánh tráng, bún tàu, nấm mèo, đậu; thức uống giải khát; đồ hộp; bánh kẹo v.v.. Có chợ bày thực phẩm Trung Quốc ở cạnh lối ra vào hoặc ở quầy tính tiền.

Bánh kẹo Trung Quốc trưng bày rất bắt mắt vì nhiều màu sắc, đủ loại, giá lại rẻ như loại thức uống Jelly Brown lố 4 lọ chỉ có $1.29, loại 400ml; kẹo ổi … Có nơi bán La Hán Quả – sản phẩm "độc quyền" của Trung Quốc loại 189g với giá $1.19. Còn thực phẩm Việt Nam được bày bán phần lớn là hột điều (khoảng 540g/lọ, giá $7.99), bánh đậu xanh nướng (hộp 150g, giá $1.79). Có thể nói, tỉ trọng thực phẩm có ghi rõ "Made in China" hoặc "Product of Vietnam" để người tiêu thụ nhìn thấy hiện chỉ còn khoảng 20 – 30% ở một số chợ.

Bên cạnh đó, có khá nhiều sản phẩm ghi xuất xứ từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Malaysia với nước trái cây Yame Mix Fruit Pudding bán với giá $1.59/6 hủ đủ loại xoài, dâu, đủ màu hồng, vàng, trắng; bánh bơ ngọt Danisa, Biskut Beraneka Orchestra nhập của Indonesia, Malaysia; bánh Kitty Pie Chocolate l2 miếng, loại 336g giá $2.99 của Nam Hàn; Guava Flavor loại 28g giá $1.79/bịch của Thái Lan…

Ở nhiều quầy bánh kẹo, người ta thấy lẫn lộn có những thương hiệu nổi tiếng  như Bahlsen, Leibniz của Đức, loại 200g/hộp giá $2.59, loại 150g/hộp giá $2.09…

Riêng súp gà, bột gia vị, một trong những loại thực phẩm đóng hộp cần dùng cho hầu hết mọi gia đình,  có nhiều loại nhâp cảng từ Thái Lan với giá 99 xu, cạnh tranh với Trung Quốc và Việt Nam.

Đây đó người ta vẫn còn thấy thực phẩm Hồng Kông – nay đã thuộc lãnh địa Trung Quốc, cũng đầy màu sắc rực rỡ, nhiều loại như bánh kem Wafers chocolate, dâu, dừa, sầu riêng, chanh, giá $1.19/hộp.

 

Không biết dựa vào ai

Một trong những loại thực phẩm mới xuất hiện giành chỗ đứng của hàng Trung Quốc và Việt Nam trong thời gian gần đây là các loại "đóng gói tại Hoa Kỳ", gồm các loại đậu, thức uống, nước gia vị, súp gà v.v.. Chúng tôi thấy có loại trà xanh Jeh 25 túi/50g/hộp bán với giá $1.99 không ghi xuất xứ nhưmg ghi công ty nhập cảng là Empire Inter, Ontario, CA 19761 hoặc loại trà sâm 20 gói/hộp/60g của FEC Coinseng & Marin Product, LA, CA 90012 "Made in USA"…

Cũng có một số loại thực phẩm được đóng hộp cẩn thận tại Hoa Kỳ của Sunny Code Inc. N.Y; hoặc loại tiêu đen Spring field loại 113g/hộp bán với giá $2.29 được ghi là "Distributed by Unified Western Grocers, INC, Commerce, CA 90040"; loại súp gà loại 396g "Distributed by Tay Ho Food Co., Santa Ana, CA 92703"; bột tỏi, tiêu đen, bột cá của Chef Merito Inc, Van Nuys, CA 91405 v.v..

Số sản phẩm đóng gói tại một công ty Hoa Kỳ hiện nay khá nhiều, thay dần chỗ đứng của hàng Trung Quốc khiến người tiêu thụ "bán tín bán nghi" về độ tin cậy của các loại sản phẩm mới này.

Trong khi đó, loại thực phẩm tươi như thịt, cá sống… không ghi rõ xuất xứ vẫn còn khá nhiều. Ở chợ Mỹ như Food 4 Less, hoặc chợ Fiesta Mexicana, thực phẩm tươi được đóng gói và ghi cẩn thận xuất xứ từ các quốc gia xuất cảng đặt trên cao để người mua hàng dễ nhìn thấy, như Guatemala, Peru, hoặc Thailand, Philippines, USA, Ecuado, Honduras, Chile, Costa Rica v.v.. Họ ghi rõ xuất xứ các loại thịt bò, thịt heo, thịt gà, nhập cảng từ Canada hay từ trang trại của Hoa Kỳ…

Có thể nói, các công ty "packed tại Hoa Kỳ" còn quá ít thông tin giới thiệu về mình, hay ít ra là không chịu để địa chỉ cơ xưởng rõ ràng để người tiêu thụ góp phần kiểm soát. Các nhà nhập cảng cũng còn quá dễ dãi khi đưa vào thị trường Hoa Kỳ một vài loại sản phẩm không ghi địa chỉ của nhà sản xuất làm tăng thêm mối hoài nghi ở giới tiêu thụ. Có người e sợ mua nhầm sản phẩm "biến tướng" của hàng Trung Quốc. Đa số người Việt đến chợ chọn thái độ "nhắm mắt đưa chân", cho rằng "thỉnh thoảng mới ăn một lần chắc không đến nổi nào, cứ mua đại mà không cần suy nghĩ".

Tại một chợ Việt ở thành phố Westminster đầu tuần qua, chúng tôi hỏi một "ông nội trợ" vì sao lại chọn mua bún tàu "Made in China" thay vì bún tàu "Made in Taiwan". Ông cho rằng thực phẩm các nước châu Á "không có gì khác nhau". Ông không tin các nhà nhập cảng không kiểm soát nổi phẩm chất hàng hóa, kể cả xuất xứ vì hàng đóng trong container vào cảng Hoa Kỳ nườm nượp. Ông nói: "Bún tàu China hay Taiwan không khác nhau bao nhiêu. Hơn nữa mình ăn ít thì không sao". Tuy nhiên, ông khẳng định rằng "tốt nhất là ăn thực phẩm nhập cảng từ các nước Nam Mỹ, nhất là các loại thịt cá".

Nhận định của "ông nội trợ" cư dân thành phố Westminster, Nam California xin được giấu tên cho chúng tôi thay lời kết luận: "Run sợ trước thực phẩm Made in China hay Product of Vietnam thì không dám mua, đã đành. Nhưng đứng giữa một rừng sản phẩm đủ loại của một thị trường tự do cạnh tranh, người tiêu thụ Việt Nam đành nhắm mắt đưa chân khi chọn lấy món ăn chứ không biết dựa vào ai".

 

 

 

//////////////////////////////////////////////////