Sen Người - Sen Ta


 

Tôi chọn hoa sen cho những suy nghĩ trong ngày Lễ Xá Tội Vong Nhân vì hoa sen không bị ô nhiễm bởi môi trường xấu, do đó, cho dù có can qua bao nhiêu phong ba bão táp hiện tại, hoa sen Việt Nam sẽ có ngày vượt thoát và nở rộ trên quê hương.

Hôm nay đúng ngày Rằm Tháng Bảy, tôi quyết định ngừng tất cả mọi sinh hoạt trong 7 tháng qua năm Quý Tỵ để tự chiêm nghiệm lại chính mình. Trước hết, xin cám ơn Trời Đất, Tổ Tiên đã cho tôi còn sáng suốt, năng động, còn trí tuệ để chuyển tải những thông tin cần thiết qua bài viết, paltalk, internet, phỏng vấn trên truyền thanh, truyền hình khắp nơi đến bà con bên nhà…

Xin Cám Ơn tất cả.

Ngay từ giờ phút đầu tiên của Ngày Lễ Xóa Tội, tôi đã nghĩ gì?

Xin thưa, tôi đã nghĩ đến bông sen.

Tại sao tôi dùng chữ "bông" mà không dùng chữ "hoa". Vì một lẽ rất dễ hiểu, tiếng "bông" là tiếng nói má tôi dạy lúc đầu đời, và tôi cũng biết tiếng "hoa" dùng trong văn chương có vẻ "văn hoa" hơn(?).

Bây giờ tôi nói về Hoa Sen.

1-    Lịch sử hoa sen

Năm 1952, tại một địa điểm gần thủ đô Tokyo (Nhựt Bổn), TS Ooga, nhà sinh vật học, đã thành công làm nẩy mầm và nở hoa một trong 3 hột sen 2000 năm tuổi đã được khám phá ra một năm trước đó. Và cái tên Ooga Hasu tức Ooga Lotus được dùng từ đó đến nay ở Nhựt.

Tại Trung Hoa, hột sen cũng đã được khám phá dưới đáy một hồ khô cạn ở vùng đông bắc nước nầy và có 1300 năm tuổi.

Theo dòng lịch sử, sen đã được nói đến qua huyền thoại thời Ai Cập và dự phần không nhỏ trong Ai cập giáo.

Chúng ta hãy nhìn hoa sen lúc đang rực nở với 15 cánh hoa trắng hay hường lợt và một túi hột ở trung tâm. Đây là biểu tượng của mặt trời, sự sáng tạo (creation) và sự tái sinh (rebirth). Biểu tượng trên rất giản dị vì vào ban đêm các cánh hoa khép lại và chìm xuống dưới mặt nước để rồi ngày hôm sau lại vương lên và mờ ra như mặt trời mọc. Theo huyền thoại sáng tạo Ai Cập, từ thuở tạo thiên lập địa, có một hoa sen thật lớn vươn ra ngoài một vùng nước mênh mông. Và từ đó, mặt trời ló dạng….Đó là ngày đầu tiên của trái đất theo huyền thoại Ai Cập. Câu chuyện quá dài từ Heliopolis tới Nun rồi tới Atum (con người đầu tiên sinh ra từ một cánh hoa sen…)

2-    Họ nhà sen

Hoa sen có 5 chủng loại trong đó 3 thuộc họ Nymphacea, và 2 thuộc Nelumbonacea.  Nymphacea trắng được xem như là thủy tổ của loài sen đối với truyền thuyết Ai Cập. Tất cả đều nằm trong họ thủy sen (water-lily). Trong truyền thuyết còn có sen Nymphacea xanh (caerulea) ở Ai Cập tìm thấy trong các bức tranh cổ của xứ nầy.

Hiện tại, sen chúng ta thường thấy chính là họ Nelumbonacea nucifeta (thường gọi là sen Nhựt Bổn) có lá nổi trên mặt nước và hoa chỉ cao hơn mặt nước vài phân. Từ rễ sen đến hoa có thể dài từ 150 đến 200 phân và lá sen có thể tỏa rộng đến 3 thước đường kính. Sen Việt Nam thuộc họ Nymphacea, lá mọc cao hơn mặt nước và hoa cũng cao trên 20 phân.

Một điểm kỳ thú của hoa sen là khả năng điều tiết nhiệt độ. TS S. Seymour thuộc Đại học Adelaide, Úc chứng minh rằng hoa sen luôn giữ nhiệt độ từ 30-350C mặc dù nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 100C vì sen có đặc tính tạo nhiệt (heat-producing) có trong một vài loại cây đặc biệt mà thôi.

3-    Khía cạnh văn hóa của sen

Từ ngàn xưa, văn hóa Á đông xem hoa sen là một tượng trưng của sự trong sạch (purity), tinh khiết (virtues) và buông xả (non-attachment).

Phật Bà Ấn Độ Lakshmi đứng trên hoa sen và Phật "Ông" Vishnu tọa trên đài sen hồng một tay cầm búp sen và một tay cầm cánh hoa. Cánh hoa tượng trưng cho sự lan tỏa của tâm hồn (expansion of the soul), còn búp sen tượng trưng cho một tuyên hứa trí tuệ (spiritual promise).

Kinh Bhagavad Gita 5.10 của Ấn Độ có nói rằng: "Người nào trong khi thi hành nhiệm vụ mà không vương vấn (non-attachment), thì kết quả dù tốt hay xấu cũng được Đấng tối cao ghi nhận, không xem là một tội lỗi giống như hoa sen đã được miễn nhiễm trong nước dơ vậy".

Đối với Phật giáo, hoa sen tượng trưng cho sự trong sạch (purity) của cơ thể, lời nói và tâm hồn trong khi "bơi lội" trong bùn đen của sự vướng bận (attachment) và ham muốn (desire). Theo truyền thuyết, sau mỗi bước chân của Phật Buddha là một đóa sen rở rộ!

Chữ sen (lotus) trong ngôn ngữ Sanskrit là padma, tượng trưng cho sự đẹp đẻ (beauty), hài hòa (elegance), tuyệt kỷ (perfection), tinh khiết (purity), và quý phái (grace).

4-    Công dụng của sen

Trong tất cả bộ phận của sen đều được con người sử dụng từ rễ (rhizomes-củ) đến thân, lá và hoa sen cùng hột sen.

Lá sen được dung để gói các loại bánh cúng đặc biệt theo truyền thống của một số các dân tộc Á châu như Trung Hoa, Nhựt bổn, Đại Hàn và Việt Nam. Người Đại Hàn dùng cánh hoa sấy khô (Yeonkkotcha) và lá sen khô (Yeonipcha) thay thế trà để đãi khách. Trong lúc đó, người Việt mình dùng cánh hoa tươi hoặc để trang trí, hoặc để làm salad. Củ sen khô cắt mỏng dùng để nấu chè và được xem là một loại dược thảo trong các bài thuốc.

Cánh hoa, lá sen non, cộng sen, củ sen có thể được ăn sống như rau ghém nhưng cần phải thận trọng và rửa cho thật kỹ vì ký sinh trùng Fasciolopsis buski thường hay ẩn náo trong đó.

Khi phân tích, củ sen cấu tạo và cho ra nhiều sợi (fiber), sinh tố C, nguyên tố potassium, thiamin, riboflavin, B6, phosphor, đồng (copper), và mangan, cũng như rất ít chất béo (fat).

Nhụy sen đặc biệt được phơi khô và là một loại trà được thảo ở Việt Nam và Trung hoa (lianhua cha).

5-    Đôi lời chia sẻ

Đồng Tháp Mười!

Đồng Tháp Mười!

Bảy trăm ngàn mẫu đất

Sớt chia bốn tỉnh miền Nam

Khắng khít biên thùy chùa Tháp

Nằm bên cánh trái Cửu Long Giang

;Hình ảnh mô tả của một bài thơ thời thơ ấu vào những năm 40 của thế kỷ trước nói lên tính bao la của Đất Mẹ, của Đồng Tháp Mười, nơi dung chứa hàng ngàn, hàng vạn hoa sen một thời. Không biết bây giờ, sau cuộc biển dâu, sau nổi can qua của đất nước, Đồng Tháp Mười có còn những đầm sen bạt ngàn như ngày xưa, hay chỉ là những ao nuôi cá basa, nuôi tôm sú với biết bao hóa chất độc hại như chloramphenicol, nitrofurans, malachite green v.v… đã làm cho hoa hoa sen của tôi biến mất?

Nhưng tôi vẫn có một niềm tin bất diệt cho hoa sen là, hoa không bị tiêu diệt mà hoa chỉ ẩn tàng đâu đó để rồi một ngày đẹp nắng trong tương lai, sẽ nở rộ tràn Đồng Tháp Mười, tỏa ngát hương thơm khắp miền Nam yêu thương của tôi.

Tôi chọn hoa sen cho những suy nghĩ trong ngày Lễ Xá Tội Vong Nhân vì hoa sen không bị ô nhiễm bởi môi trường xấu, do đó, cho dù có can qua bao nhiêu oan nghiệt của chế độ hiện tại, hoa sen Việt Nam sẽ có ngày vượt thoát và nở rộ trên quê hương.

HOA SEN, một đóa hoa mọc hoang dại trên một vùng đất sình lầy, đầy rẩy những cây cỏ, súc vật thúi rữa, mục nát sau mỗi lần lụt lội của quê hương tôi, Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nhưng hoa sen vẫn tươi sắc trắng, vẫn tỏa hương thơm, vẫn vương mình ngất ngưỡng dưới bầu trời nắng chói chan rực rỡ.

Hoa Sen hôm nay được xưng tụng trong tôi, được có một chỗ đứng trọn vẹn nơi tôi và cũng là một biểu tượng tôi muốn hướng đến trong bước đường dong ruổi đó đây.

6-    Suy nghĩ lạc loài



Hình trên là hình Cullinan Park, nằm trên đường Highway 6 ở Sugarland, một thành phố bên cạnh Houston. Công viên nầy là tài sản của Ông Bà Joseph và Lucie Cullinan hiến tặng cho thành phố trên từ năm 1990. Đây là một vùng đất rộng chứa một hồ sen trắng mênh mông, có những lối đi bằng gỗ chạy dài ra tận một phần hồ và có tầng cao thấp để khách thưởng ngoạn ngắm nhìn.

Mùa nầy, sen bắt đầu nở từ đầu tháng 5, và bức ảnh chúng ta thấy dưới tựa bài là hình bông sen chụp vào ngày 25/7 vừa qua. Đây là mùa sen đợt hai vì đợt đầu đã cho ra nhiều búp sen.

 

Thưa các bạn,

Chắc chắn người Mỹ biết hoa sen sau người Việt mình và cũng chắc chắn người Mỹ cũng không hình dung được hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Lòng trong trắng, tinh khiết, thanh bạch v.v…, biểu tượng của hoa sen trong văn chương VIệt Nam chắc ít người Hoa Kỳ hiểu và biết được.

Hình bông sen với:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng,

Nhụy vàng bông trắng lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn…

 

Các câu thơ trên làm người viết nghĩ đến thân phận của những người lưu vong biệt xứ. Người Mỹ chắc không hiểu ý nghĩa của hoa sen như người Việt Nam, nhưng người Mỹ biết hiến tặng hồ sen cho mọi người dân thưởng ngoạn trong những giây phút nhàn du.

 

Đó là ý nghĩa người viết muốn chuyển tải trong bài viết nầy.


Đi đến nơi nầy nhiều lần từ tháng 5 năm 2013, nhưng chưa bao giờ tôi có nhiều xúc động khiến tôi phải viết lên như trưa nay. Đến đây từ sáng sớm, mặt trời chưa mọc, chụp nhiều hình ảnh sen trắng pha lẫn vài cánh bèo trên mặt nước làm chạnh lòng người viết, nhớ quê hương chi lạ!

Một quê hương xa xôi, nghèo mà thanh bạch, không bợn nhơ trong một xã hội xô bồ nầy, nơi mà tình người hầu như xa vắng.

Tôi ước ao trên bước đường chu du khắp nơi trên đất Mỹ, sẽ có ngày đi viếng một công viên có tên Việt Nam như công viên Nguyễn Văn Việt Nam thay vì tên công viên Cullinan…để cho người bản xứ không nghĩ, chúng ta, những người Việt lưu vong chỉ là những …khách trọ vô tình! 

Chúng ta thường nói người Mỹ ích kỷ, sống theo cá nhân chủ nghĩa, nhưng thật ra, theo thống kê, trung bình mỗi người Mỹ hang năm dành 5% mức thu nhập của mình cho từ thiện. Biết bao người Hoa Kỳ tình nguyện đi xây cất, sửa chữa nhà cửa cho người nghèo, hay phân phối thực phẩm của chính mình mỗi khi có thiên tai. Khi về già, tài sản của họ, thay vì dành dụm cho con cháu, họ hiến dâng lại cho xã hội, một xã hội đã nuôi dưỡng họ trong suốt cuộc đời.

Đẹp biết bao những hình ảnh như ông bà Cullinan.

Còn chúng ta thì sao?

Xin để mỗi người trong chúng ta tự đi tìm câu trả lời thành thật nhứt đối với lương tâm của mình.

Riêng tôi, tôi thành tâm ước vọng mình được làm bông sen dù trong giây phút để giũ sạch tất cả những vướng bận của cuộc sống hàng ngày.

Làm bông sen để buông xả tất cả tục lụy trần gian.

Và cũng làm bông sen để có được một tâm hồn thanh thoát hướng về cái Thiện, cái Đạo đúng nghĩa.

Cám ơn Ngày Lễ Xá Tội Vong Nhân để tôi có một vài giây phút nhìn lại chính mình.

Mai Thanh Truyết

Memorial Day 2017

 

 

 

 

________________________________________

Mai Thanh Truyết

http://maithanhtruyet.blogspot.com/

"Energy can neither created or destroyed, 

 it only transforms from one form to another" - Anonymous


                                                         

 

//////////////////////////////////////////////////