Một Góc Bolsa
Nhắc đến tên gọi Bolsa, hầu hết người Việt hải ngoại đều đã nghe qua, thăm viếng, thậm chí sống theo từng "hơi thở" của Bolsa. Bolsa muôn màu, muôn vẽ. Bolsa, thủ đô tỵ nạn. Bolsa, gió tanh mưa máu. Bolsa làm biết bao nhiêu người trăn trở. Khách phương xa, nhất là người VIệt ở những tiểu bang xa xôi hay ở ngoại quốc (đối với Hoa Kỳ) đều có cái háo hức muốn một lần thăm viếng Bolsa.
Bolsa có đủ những sinh hoạt của người Việt; nơi đây là một trung tâm truyền thông, báo chí, truyền hình đông đảo nhất nước Mỹ. Mọi sinh hoạt từ thông tin, văn hóa, văn nghệ, chính trị, ra mắt sách, hội luận chính trị v.v…đều đổ dồn về đây. Bolsa quy tụ tất cả hỉ, nộ, ái, ố…của con người.
Tóm lại, có thể nói Bolsa là một xã hội Việt Nam thu hẹp ở ngoài đất nước. Tác giả Chu Tất Tiến đã từng viết "Bolsa có gì lạ không em", nói lên nhiều khía cạnh của cuộc sống, những dằn co, cọ sát giữa con người với nhau từ vợ chồng, con cái, đến bè bạn, thậm chí đến các bậc trường thượng, chức sắc tôn giáo cũng không tránh được những tiếng bấc tiếng chì…
Nhưng có một khía cạnh của Bolsa dường như không được người dân Bolsa lưu ý đến. Đó là người già, những người bất hạnh, hoặc tàn tật, hay vì một lý do nào khác… sống âm thầm trong hàng chục nursing home rãi rác chung quanh Bolsa. Đây là một thế giới đơn độc chen lẫn với cái hỗn độn của Bolsa.
Họ là ai?
Họ là những người già, không còn khả năng tự chăm sóc lấy mình, nhưng vì sống cô đơn, không thân nhân hoặc con cháu vì một lý do gì đó(?) không thể chăm sóc tại gia.
Họ là những người mất hết khả năng để làm một người bình thường do cuộc chiến Việt Nam, dù tuổi họ chưa già.
Họ là những người bị tàn phế vì bịnh bịnh nan y hay tai nạn xe cộ.
Nói cho cùng, dù dưới hoàn cảnh nào, họ đã và đang sống trong một xã hội khép kín, hầu như không còn biết đến thế giới bên ngoài, một Bolsa năng động.
Họ đã sống với cái "routine" ngày ba bữa ăn, mỗi sáng có y tá đến hỏi thăm, lấy nhiệt độ, cho uống thuốc. Thỉnh thoảng được ra phòng khách, phòng ăn, hay được đẩy ra sân cỏ…cho thoáng khí…
Những người còn có con cháu thì thỉnh thoảng được con cháu vào thăm trong giây lát, đút cho ăn một vài miếng cơm hay trái cây…Người viết đã từng chứng kiến một hoạt cảnh là một bà cụ khoảng 80 tuổi, ngồi xe lăn đang ngồi ở phòng khách lớn của một nhà dưỡng lão. Một thiếu phụ trạc độ 50 mang trái cây đã cắt sẳn vào cho mẹ (người viết biết được điều nầy là vì nghe tiếng gọi của thiếu phụ gọi bà cụ là mẹ). Thiếu phụ dường như có điều gì cần phải làm sau đó cho nên có vẻ hối hả trong việc cho bà cụ ăn, hối thúc bà cụ nhai cho mau…Người viết chứng kiến một cách đau lòng là nhiều lần bà cụ vì cố nuốt cho mau nên bị sặt và ói ra ngoài. Thế là một màn cằn nhằn xảy ra, thiếu phụ vội lau miệng bà cụ, và dọn dẹp đồ đạc. Sau đó cho bà cụ uống nước và vội vã chia tay mẹ..
Đây là một hoạt cảnh ở Bolsa, chúng ta cùng suy gẩm. Tình mẫu tử của một người con sống ở một xứ văn minh nhất thế giới như thế nầy sao?
Nhưng mục đích của bài viết nhân ngày Tết Con Cọp không nằm trong những hình ảnh tiêu cực của một số người Việt trong cộng đồng, người viết muốn nói đến một khía cạnh tích cực hơn, để chúng ta còn nhìn thấy, cảm được những hình ảnh đẹp còn vương vấn trong lòng người Việt xa xứ.
Đó là những nhóm, toán, cá nhân, hay tập thể bền bĩ và âm thầm đi thăm viếng các viện dưỡng lão vào dịp cuối tuần hay trong ngày làm việc.
Họ là ai?
Nói chung, họ là những người còn có tấm lòng nghĩ đến tha nhân. Họ có thể là một em học sinh, sinh viên, một người nội trợ, một anh thợ may, một người đang còn hoạt động, hay một người đã hưu trí. Tất cả họ gặp nhau ở cùng một điểm chung là xoa dịu nỗi đau của người bất hạnh. Họ không có tên của nhóm, của đoàn. Họ không đăng báo quảng cáo. Và họ cũng không cần lời giới thiệu tên tuổi mỗi khi đi viếng nơi nào. Họ âm thầm làm việc, hẹn hò nhau để tụ họp lại, cũng như chia phiên ra để đi thăm nhiều nhà dưỡng lão hơn.
Họ làm gì?
Việc làm của họ thật là giản dị, đem tấm lòng thành trang trãi qua lời ca tiếng hát, mặc dù họ không là ca sĩ hay nhạc sĩ. Nếu chúng ta có dịp đến thăm một nhà dưỡng lão vào ngày nầy, chúng ta sẽ thấy những cặp mắt tuy không còn rạng rỡ, đôi khi còn "nhìn mông lung", nhưng hầu như mọi người đều vui mừng cùng tham gia lời ca tiếng hát chung. Có đến đây thăm, rồi mới thấy được niềm vui của những người sống ở nhà dưỡng lão, mới thấy được giây phút "đợi chờ" của họ đối với những thiện nguyện viên vô danh. Có đến đây thăm mới thấy được không khí sống động, xóa tan sự im lặng và buồn tẽ của nhà dưỡng lão hàng ngày.
Một lời ca cũ, một khúc nhạc xưa làm cho họ gợi nhớ lại nhiều kỷ niệm cách xa từ thuở nào. Người viết đã từng chứng kiến một cụ ông 70 tuổi, chỉ lớn hơn một thiện nguyện viên 2 tuổi. Ông cụ nầy bị stroke, ngồi xe lăn, chỉ nói được một vài tiếng và từng là Sỉ quan quân đội VNCH. Khi anh thiện nguyện viên cầm bài hát Quyết tiến đứng bên cạnh cụ, thấy vẽ mặt cụ hân hoan và cùng hát theo tiếng nhạc với tiếng còn tiếng mất. Trong hoàn cảnh nấy, ai cũng thấy được nét hân hoan của cụ, một thoáng chốc sống lại với dỉ vãng oai hùng của mình khi xưa. Chính những giây phút ngắn ngũi ấy, mới cảm nhận được nhu cầu của những người bất hạnh phải sống trong viện dưỡng lão.
Những bài hát xa xưa, mặc dù được hát do những ca sĩ bất đắc dĩ nhưng cũng đem lại sự an ủi cho họ, cộng thêm những lời hỏi thăm sức khỏe, những lời trấn an mà họ đã thiếu vắng vì đơn chiếc hay vì con cháu "chậm" đến thăm..
Tất cả nói lên một tấm lòng giữa người và người mà họ đã không có được tùy theo hoàn cảnh.
Còn những người nằm bất động không còn khả năng ra ngoài hội trường để tham gia những buổi "ca nhạc" thì sao?
Thưa Quý bạn. Họ không bị lãng quên đâu. Còn có những Bà tiên, Ông hiền đến tận giường an ủi.
Một câu chuyện thương tâm xin được kể ra nơi đây có thể xem như là một phép lạ. Một anh lính VNCH, tuổi khoảng 50 ngoài, nằm bất động ở một nhà dưỡng lão do một tai nạn xe hơi.
Anh không có thân nhân, và đang ở trạng thái gần như coma từ nhiều tháng qua. Một thiện nguyện viên cũng tình cờ đến thăm, nói chuyện, trấn an anh, nhưng vẫn không được anh có cử chỉ nào báo hiệu cho biết là đã nghe. Vào một ngày khác, người thiện nguyện viên nầy đến thăm nữa. cũng nói bao nhiêu lời; nhưng lần nầy thấy mắt anh lính VNCH chớp chớp. Điều nầy làm chính cô y tá của viện cũng ngạc nhiên vì cô ta, người chăm sóc anh, chưa thấy bao giờ. Sau đó, anh lính, qua cách làm dấu thánh giá một cách vụng về và cặp mắt bắt đầu hé mở, chứng tỏ anh hiểu những gì người thiện nguyện viên nói. Mọi người vui mừng ra về.
Nhiều ngày sau đó, cô thiện nguyện viên lại đến thăm và được cô y tá cho biết là anh lính VNCH có vẻ mong chờ. Hôm nay, cô mang chiếc thánh giá, do một người bạn công giáo cho, đến biếu anh lính. Và phép lạ đã xảy ra khi tay anh cầm chiếc thánh giá: anh đã mở mắt lớn hơn và nói được hai tiếng cám ơn, tiếng nói, theo lời cô y tá, đã im bặt từ ngày anh được mang vào viện dưỡng lão. Anh còn cố gắng ra dấu để cho cô thiên nguyện viên biết là anh cần một quyển thánh kinh. Dĩ nhiên là ước nguyện của anh đã được chiếu cố. Và từ khi có quyển thanh kinh đặt trên ngực, khí sắc anh lính VNCH tươi hơn, và gương mặt không còn "đứng im" như trước nữa, mặc dù anh vẫn còn nằm bất động. Ở một lần khác, một thiện viên gốc Hải quân vào thăm anh. Khi anh lính Hải quân chào anh theo kiểu nhà binh, không biết anh có thấy được hay không, nhưng khi nghe tiếng hai chiếc đế giầy chạm vào nhau, anh lính VNCH khẽ nhết môi và viềng mắt anh chớp chớp. Thật cảm động!
Qua câu chuyện vừa kề trên, chúng ta thấy rằng tình tha nhân có thể biến đổi một phần nào tình trạng sống của con người. Chúng tôi không thể nói chắc chắn đây là một phép lạ, nhưng với một niềm tin vào sức mạnh tâm linh nào đó, có thể khơi dậy được tâm thức người bịnh và làm cho họ nhận thức được sự hiện hữu của họ.
Việc làm âm thầm của những thiện nguyện viên đáng được ghi công vào một góc Bolsa để từ đó mỗi người trong chúng ta tự chiêm nghiệm rằng mình đã "đóng góp" gì cho "đời" chưa, chứ chưa nói gì đến tổ quốc.
Bolsa có nhiều tệ trạng. Bolsa có nhiều hình ảnh đẹp. Bolsa cần nhiều bàn tay âm thầm có thể xoa dịu hay khỏa lấp được phần nào nỗi đau của đồng hương bất hạnh nơi đây. Bolsa cần sự tiếp tay của nhiều, nhiều hơn nữa thiện nguyện viên.
Xin hãy ghé thăm một lần bất cứ viện dưỡng lão nào, chúng ta cũng sẽ thấy biết bao khuôn mặt Việt Nam đau khổ, nằm bất động hay ngồi trên xe lăn, biết đâu trong số đó có bạn bè hay thân nhân của chính mình!. Một cử chỉ thân ái bằng vạn lời nói đầu môi chót lưỡi. Một nắm tay xiết nhẹ có thể làm cho họ quên đi nỗi buồn vì con cái không đến thăm viếng. Một lời ca cũng có thể làm sống lại một thời xa xưa.
Họ, những người bất hạnh trong các viện dưỡng lão đang cần chúng ta.
Mọi sự bất hạnh nào cũng cần được giúp đở. Quê nhà bị bão lụt, một đứa trẻ di tật, một ngôi làng thiếu mái trường…tất cả điều cần được giúp đở của chúng ta. Và thữ nghĩ, những chuyện thương tâm trên cần sự giúp đở của chúng ta trước hay là do trách nhiệm của những người quản lý đất nước. Tình thương cần phải đặt đúng vi trí , như vậy mới có đầy đủ ý nghĩa. Nhưng thiết nghĩ, bên cạnh chúng ta đây cũng còn có nhiều người bất hạnh chỉ cần một ít thì giờ cũng có thể xoa dịu được phần nào niềm u uẩn nơi họ.
Ưu tiên nào chúng ta phải làm?
Xin dành câu trả lời cho mỗi chúng ta và người viết hy vọng mỗi người trong chúng ta sẽ tự viết lên "New Year Resolution" cho năm Con Cọp nầy.
Phổ Lập
Kỷ niệm Năm Canh Dần-2010