Hoá Chất Trong Trong Thực Phẩm II
Vấn đề trộn thêm các hormone tăng trưởng vào thức ăn gia súc như bò, heo, gà là một việc làm đương nhiên của những nhà chăn nuôi ở các quốc gia Tây phương trong vòng 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu khoa học gần đây, ảnh hưởng của các hormone tăng trưởng trên có thể gây phương hại lên sức khoẻ của con người, do đó, những nhà hoá học "xanh" thường cổ suý cho việc tiêu dùng thực phẩm "xanh" hay organic, trong đó hạn chế tối đa việc áp dụng phân bón, thuốc trừ sâu rầy, nấm móc, diệt cỏ dại, và hormone tăng trưởng trong việc chăn nuôi và trồng trọt.
Việc thực phẩm gia súc có pha trộn hoá chất hiện đang được tranh cãi qua công cuộc xuất nhập cảng thực phẩm giữa các quốc gia. Hoa Kỳ đang đối mặt với những vụ kiện tụng về sự hiện diện của hormone trong thịt bò xuất cảng qua Liên hiệp Âu Châu, Nhật Bản và Đại Hàn.
Tuy nhiên, việc cho thêm hormone hay hoá chất vào thức ăn là điều cấm kỵ do Liên Hiệp Quốc qua Cơ quan Y tế Thế giới (WHO). Nhưng điều nầy đã xảy ra ở Việt Nam và Trung Quốc.
Trung Cộng (TC) từ năm 2007, đã bị khám phá là có hoá chất độc hại melamine trong thức ăn chó, mèo xuất cảng qua Hoa Kỳ và làm chết một số súc vật được yêu chuộng của người Mỹ. Và tiếp theo đó, hàng loạt tai nạn bùng nổ ra trên khắp thế giới qua đủ mọi hình thức pha trộn melamine trong thực phẩm, sữa, bánh kẹo…từ TC, sang Hoa Kỳ, Canada, Đài Loan, Tân Tây Lan, Úc Châu, Âu Châu. Dĩ nhiên là Việt Nam không nằm trong ngoại lệ mà còn là một "trung tâm" trung chuyển hầu hết nguyên liệu cùng thành phẩm do các công ty TC hoạt động ở Việt Nam đi khắp nơi.
Còn Việt Nam, sự pha trộn hoá chất nầy thể hiện khắp nơi, trên hầu hết các mặt hàng sản xuất từ thực phẩm tiêu dùng tươi, cho đến thực phẩm khô, cũng như các thành phẩm chế biến trong ngành thực phẩm. Và, mức độ trầm trọng đã được khám phá qua sự kiện đã xảy ra ngày 2/2/2006 tại Phan Thiết. Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã xử phạt hành chánh một cơ sở Mầm Non của tỉnh nầy vì nơi đây đã làm một sai phạm nghiêm trọng là trộn hormone thuộc nhóm corticoid vào thức ăn cho học sinh mẫu giaó và nhà trẻ.
Bài viết nầy tập trung vào hai hiểm hoạ melamine của TC và sự pha trộn hormone vào thức ăn cho trẻ em ở Việt Nam.
Hiễm hoạ melamine Trung Cộng
Có thể nói, TC đã pha trộn melamine vào thức ăn và xuất cảng đi khắp thế giới từ lâu trước khi bị khám phá vào năm 2007 tại Hoa Kỳ. Nhìn vào số lượng sản xuất hàng triệu tấn cùng số lượng nhà máy dùng cho dịch vụ nầy, từ đó chúng ta có thể hình dung được mức độ trầm trọng của vấn đề. Sự gia tăng số lượng trẻ em TCbị sạn thận ở tuổi nhỏ và số lượng bị nhập viện và tử vong khiến cho thế giới phải đặt vấn đề với quốc gia có não trạng con buôn dựa trên quan điểm "sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi" nầy.
Melamine là gì?
Đây là một hoá chất dùng trong kỹ nghệ trang trí nhà cửa, trộn trong một số sơn, dầu bóng, verni v.v…. Chính vì vậy, melamine không phải là một thực phẩm cơ thể có thể hấp thụ được.
Melamine có công thức hoá học là C3H6N6 và có tên hoá học là 2,4,6-Triamono-triazine (CH2N2)3, hay cũng còn có tên là cyanuramide. Đây là một chất rắn có tinh thể không màu hình tháp. Hoà tan ít trong nước. Hoá chất nầy được xếp vào loại có nguy cơ gây ra ung thư (carcinogen).
Sở dĩ melamine được pha trộn vào sữa là vì hoá chất nầy có 3 nguyên tố Nitrogen, một nhân tố có trong protein. Phẩm chất của sữa hay các thành phẩm có nguyên liệu từ sữa được đánh giá tốt khi sản phẩm có chứa một hàm lượng protein cao. Chính vì yếu tố nầy mà nhà sản xuất TC cho thêm melamine để khi được kiểm nghiệm, kết quả đo đạc của lượng protein sẽ làm tăng giá trị của thành phẩm, vì trong phân tích protein chỉ căn cứ vào nồng độ của Nitrogen, vì phương pháp phân tích không phân biệt được nitrogen trong melaminehay trong protein. Các hảng nỗi tiếng trên thế giới đều bị mắc lừa TC vì điểm nầy, khi nhập cảng sữa từ TC, trong đó có công ty Nestlé của Thuỵ Sĩ, và đa số các công ty sản xuất bánh kẹo, cà phê… trên khắp thế giới.
Melamine, vì không được cơ thể hấp thụ cho nên bị giữ lại trong thận gây nên bịnh sạn thận. Lý do là melamine cùng một chuyển hoá chất hiện diện trong khi sản xuất melamine là acid cyanuric. Hai hóa chất nầy liên kết với nhau qua cầu nối Hydrogen, do đó, không hoà tan trong nước tạo thành một hợp chất kịch độc hại nhất là đối với thận khi xâm nhập vào thực quản. Và thận bị sạn. Việc tách rời sạn thận qua mỗ xẻ rất phức tạp, do đó phẩu thuật trên có thể làm liệt thận và có thể đưa đến tử vong.
Cho đến nay, đa số trường hợp tử vong và bị sạn thận xảy ra cho các trẻ em vì các em dùng sữa là nguồn thực phẩm chính, và cơ thể của các em có quả thận còn nhỏ cho nên mức độ trầm trọng tăng cao hơn ở người lớn. (Xin tìm đọc bài Hoá chất và Dược phẩm của cùng một tác giả trên diễn đàn khoahoc.net).
Do tính chất quan trọng của vấn đề, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), vào ngày 28 tháng 11, 2008 đã xác định định mức an toàn của melamine trong cơ thể là dưới 1 mg/kg (1 phần triệu). Sở dĩ FDA lấy định mức an toàn trên , vì sau vấn nạn khám phá sự hiện diện của hoá chất nầy trong sữa trẻ em, FDA đã phân tích 74 mẫu sữa và đã tìm thấy nồng độ của melamine trong sữa Nestle' Nutrition là 0.14 ppm, và 0.25 ppm cho nhãn hiệu sữa Mead Johnson. Và các nồng độ nầy thấp hơn 10.000 lần sữa trẻ em sản xuất ở TC gây ra thương vong hco hàng tram nạn nhân.
Dù sao đi nữa, định mức trên đây cũng chỉ là những biện pháp an toàn tạm thời. Việc nhiễm độc melamine và định mức an toàn cần phải thêm nhiều thời gian theo dõi và thử nghiệm mới có thể có những quyết định chính xác hơn.
TC, sau sự kiện trên và để xoa dịu dư luận thế giới, đã kết án tử hình một giám đốc công ty sản xuất melamine và cho đóng cữa hàng trăm công ty khác. Nhưng sự việc chỉ đi vào quên lãng cho đến cuối năm 2009. Và những ngày cận Tết Canh Dần, Melamine đã tái xuất tràn lan ở Việt Nam qua các sản phẩm liên quan đến sữa, thậm chí đến cả cà phê pha chế sẳn cũng có sự hiện diện của melamine. (Cà phê pha sẳn còn được các nhà sản xuất thiếu lương tâm ở Việt Nam pha trộn quinine để tại vị đắn, và cả bột xà giặt để tạo bọt!!!)
Hormone trong thực phẩm ở Việt Nam
Trở qua Việt Nam, như đã nói ở phần trên, sự kiện xảy ra ở Phan Thiết là một cảnh báo chung cho người tiêu thụ cần quan tâm đến cung cách "làm ăn" của những con buôn thiếu lương tâm hiện diện đầy rẫy trong hấu hết mọi lãnh vực ở Viết Nam dưới nhiều hình thức khác nhau.
Váo năm 2006, sự việc xảy ra trên đây nhờ vào sự quan tâm của phụ huynh có con em gữi học tại trường Mần Non Thanh Nguyên II từ hai tháng qua. Các cháu học ở đây đều có dấu hiệu tăng cân nhanh một cách bất thường. Do đó phụ huynh đã báo cáo lên Sở Y tế Phan Thiết. Sau đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh mới đến kiểm tra trường và lấy mẫu thức ăn trưa của các cháu để xét nghiệm. Kết quả cho thấy trong 5 mẫu thức ăn, có đến 4 mẫu chứa hàm lượng đáng kể hoá chất Dexamethasone. Đây là một dạng kích thích thuộc loại corticoid. Số lượng được tìm thấy là 0,12 mg/Kg trong canh, 0,19 trong thịt sốt cà, 0,15 trong tôm sốt me, và 0,27 trong canh hầm xương.
Dexamethasone là một loại hormone (diếu tố) kích thích có chứa nguyên tố Fluor. Chúng có thể được dùng trong dược phẩm vì có tính chống viêm. Tuy nhiên chất nầy rất hiếm được bác sĩ kê toa vì những tác dụng phụ rất đa dạng có thể làm xáo trộn nhiệm vụ của một số bộ phận trong cơ thể. Về phương diện hoá học, chỉ cần 1 mg/kg của hóa chất nầy cũng có thể gây tử vong cho chuột. Khi bị tiếp nhiễm dài hạn, con người có thể bị loét dạ dày, xuất huyết đường ruột, mục xương, tăng áp huyết v.v…
Tuy nhiên có một tác dụng khác của Dexamethasone là làm tăng cân nhanh giả tạo vì chúng có tính giữ nước trong các tế bào của cơ thể. Chính vì lý do nầy mà Ban quản lý của trường Mầm Non trộn lẫn Dexamethasone vào thức ăn với mục đích làm tăng uy tín của trường để thu hút và thuyết phục phụ huynh học sinh gữi con đến học. Học phí nơi đây tương đối cao khoảng 500 ngàn đồng/tháng/em. Và chủ cơ sở nầy đang dự định mở thêm một trường khác nữa lớn hơn trường hiện tại nhiều lần.
Như vậy việc trộn lẫn hoá chất kích thích vào thức ăn chỉ là một phương cách tranh thương của "con buôn" mà không nghĩ đến tác động về lâu và về dài. Và việc xử phạt hành chánh của các nhà quản lý ở Phan Thiết chỉ là một hình thức phạt vạ. Và chính hình thức nầy khiến cho phụ huynh học sinh bất bình vì đây là một cơ sở giaó dục có mục đích đào tạo mần non cho đất nước, và người chủ trường cũng là một cán bộ đáng kính làm trong ngành giáo dục lâu năm. Đây là một việc không những gây tác hại cho trẻ em mà còn gây ra những tác động dây chuyền tiêu cực đến xã hội trong hầu hết các lãnh vực phát triển khác của quốc gia nầy. Nơi đây cũng cho chúng ta thấy thêm một não trạng mới của những người cầm quyền ở Việt Nam là bõ qua thậm chi còn bao che những việc làm sai trái của gian thương nhất là các gian thương đó là thành phần cốt cán hay là đảng viên phục vụ đắc lực cho chế độ như trường hợp điển hình trên. Nhà cầm quyền Phan Thiết đã cho qua cầu vụ án nầy vì Bà Đào Thị Dung, Giám đốc trường mà cũng là tỉnh uỷ viên của tỉnh Phan Thiết với lý do….việc lấy mẫu thức ăn không đúng quy cách?
Được biết, trước đây, một bác sĩ ở Sài gòn đã cho trẻ em xử dụng hóa chất nầy với mục đích làm tăng cân nhanh để lôi kéo bịnh nhân đến khám. Sau khi bị khám phá, vị bác sĩ nầy đã bị rút giấy phép hành nghề mở phòng mạch.
Thay lời kết
Qua hai sự kiện vừa kể trên xảy ra ở Trung Cộng và Việt Nam, một bài học lớn cho chúng ta thấy là, não trạng của những người cầm quyền trong một nhà nước độc tài, độc đoán thường có một điểm chung duy nhất. Đó là chạy theo lợi nhuận trước hết và không cần biết đến những hệ luỵ kéo theo từ những việc làm sai trái trên.
Hệ quả tiêu cực có thể xảy ra tức thời hay hàng chục năm sau, hay hơn nữa qua những kế hoạnh phát triển không đồng bộ với công cuộc bảo vệ môi trường của Việt Nam và TC.
Thực ra trong vấn đề môi trường Việt Nam, đặc biệt là việc tiếp nhiễm hóa chất độc hại trong môi trường và thức ăn đã được Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VAST) nêu lên suốt hơn 10 năm qua. Nhưng nay, tình trạng ngày càng trầm trọng hơn điển hình qua sự việc xảy ra ở trường Mầm Non và đây chỉ là một trường hợp được khám phá ra mà thôi. Trên tòan quốc có thể còn nhiều trường hợp vi phạm như trên mà chưa được khám phá?
Mức tác hại của vấn đề quá lớn và cần phải được theo dõi trong một thời gian daì. Hậu quả trước mắt của việc dùng kích thích tố nầy là làm giảm thiểu mức tăng trưởng chiều cao của trẻ em. Tuỳ theo liều lượng và thời gian xử dụng, Dexamethasone sẽ làm mất chất vôi trong xương, làm loãng xương, ngoài ra còn có nhiều phản ứng phụ như trẻ em bị tăng áp huyết, rối loạn tinh thần, bị giảm sức đề kháng, do đó khả năng bị nhiễm trùng rất cao. Đây là một trường hợp pha trộn trực tiếp hóa chất vào thức ăn. Ngoài xã hội còn có vô số trường hợp ảnh hưởng gián tiếp qua thực phẩm chứa hóa chất độc hại trong chăn nuôi và trồng tỉa.
Chúng tôi muốn nói đến sự nhiễm độc qua đường thực phẩm, nghĩa là các loại hoá chất kích thích tăng trưởng hay tăng trọng trong rau quả và gia súc đã được các nhà trồng tỉa, chăn nuôi trộn lẫn vào thức ăn cho gia súc hay nước tưới tiêu cho cây trồng. Do đó con người bị tiếp nhiễm gián tiếp qua thực phẩm chứa các hoá chất độc hại trên. Đối với rau quả, hóa chất độc hại thường được xử dụng là 2,4-D và 2,4,5-T là hai thuốc diệt cỏ trong chất Da cam, và các hóa chất dioxin-tương đương khác như DDT, và các loại thuốc diệt trùng, trừ sâu rầy, trừ nấm mốc v.v.. .Đối với gia súc như heo, gà, vịt, hóa chất kích thích tăng trưởng ngoài Dexamethasone, người chăn nuôi thường xử dụng là Clenbuterol. Chất sau nầy ảnh hưởng lên sức khỏe người tiêu dùng rất nặng vì đây là thêm mầm móng của bịnh ung thư cho con người rất cao. Trong một đợt kiểm tra vào tháng 6/2006 do Chi cục thú y Sài Gòn cho biết, trong 500 mẫu thịt heo ở các lò mổ và thịt bày bán ở các chợ, có gần 30% mẫu dương tính với Clenbuterol.
Hiện tại, chất sau nầy được ưa dùng hơn Dexamethasone vì heo trước khi xuất chuồng ba tuần lễ, được ăn thức ăn có chứa Clenbuterol theo tỷ lệ 1 kg/tấn thức ăn. Sau đó heo sẽ tăng trọng lượng rất nhanh, heo 3 tháng tuổi có thể cân nặng 1 tạ thay vì cần phải 5 tháng nếu nuôi theo phương pháp thông thường. Đặc biệt hơn nữa, khi dùng hóa chất nầy, thịt heo sẽ ít mở rất bắt mắt khách hàng. Tại Việt Nam, từ năm 2002 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra quyết định cấm xử dụng Clenbuterol trong gia súc, nhưng phương pháp nầy vẫn còn được một số nhà chăn nuôi vẫn áp dụng nhứt là trong thời điểm giáp Tết 2010. Nên nhớ, trước kia heo còn được cho ăn phân urea hai tuần trước khi xuất chuồng, vì làm như thế heo sẽ tăng thêm khoảng 15 – 20% trọng lượng.
Trước những tin tức dồn dập về nhiễm độc thực phẩm, đặc biệt ở những quán ăn tập thể cho công nhân viên chức qua sự chăn nuôi và trồng tỉa không "tử tế" của gian thương, và hơn nữa trước những sự hành xử thiếu đạo đức của những nhà làm giaó dục như trường hợp đã xảy ra ở trường Mầm Non Thanh Nguyên II, vấn đề được đặt ra là cần phải giải quyết tận gốc. Việc kiểm dịch ở các lò mổ hay ở các chợ chỉ có thể phát hiện và xử lý kịp thời đối với các sản phẩm động vật bị dịch. Còn đối với các loại kích thích tăng trọng cần phải lấy mẫu xét nghiệm. Và khi có kết quả dương tính thì số lượng thực phẩm đó đã được tiêu thụ hết rồi, và dĩ nhiên số người đã bị nhiễm cũng không nhỏ.
Vì vậy việc giải quyết tận gốc là cốt lõi của vấn đề. Vì Việt Nam không có khả năng chế tạo ra các hoá chất kích thích trên, cho nên phải nhập cảng. Kiểm soát hay chấm dứt việc nhập cảng đa phần từ Trung Cộng là một hình thức ngăn chận được một phần nào mức lạm dụng của gian thương.
Dĩ nhiên là công việc không dễ dàng. Nhưng nếu có quyết tâm, Việt Nam có thể làm được việc trên qua con đường giao thương chính thức với nước ngoài.
Nhưng một tệ trạng khác nữa là nạn buôn lậu qua đường biên giới, đặc biệt là biên giới phiá Bắc. Cho đến hôm nay, người Việt ở trong nước đều biết rành rọt là ai cũng có thể mua được đủ loại kích thích tố tăng trưởng cho động vật và thực vật với giá rẻ dưới các nhản hiệu có tên rất dễ thương như: Bạch Nhật Đại, Khai vị, Tăng gia Phúc đại, v. v.. Các hoá chất trên theo quảng cáo có công dụng thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng cường và nâng cao phẩm chất của thịt, tăng cường khả năng sinh sản của động vật. Tuy nhiên, không có loại nào có ghi thành phần hóa chất trong sản phẩm trên bao bì, một quy định bắt buộc áp dụng cho tất cả hóa chất bày bán trên thị trường. Và với những tên đẹp đẽ trên, chúng ta cũng thừa rõ là những hoá chất kích thích tăng trưởng đó đã được sản xuất tại TC.
Theo một chuyên gia Việt Nam trong lãnh vực thức ăn gia súc ở Việt Nam: "Có đến 90% các cơ sở chế biến thức ăn vừa và nhỏ đều nhập cảng tiểu ngạch các thuốc tăng trọng "lậu", hoặc nhập qua đường chính ngạch dưới dạng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi với thuế xuất rất thấp. Đồng thời họ cũng đặt hàng bao bì tại Trung Cộng, sau đó "xào xáo" lại thành sản phẩm nội địa". Thêm nữa, thậm chí có rất nhiều văn phòng đại diện Trung Cộng cũng kinh doanh các mặt hàng trên ở Việt Nam. Và đây cũng là con đường chính thức để hợp thức hóa các sản phẩm tăng trưởng lậu từ TC.
Thẩm định laị tất cả những nguyên nhân đưa đến sự hiện diện của hóa chất kích thích trong thực phẩm cho người và gia súc ở Việt Nam, câu hỏi rốt ráo của mỗi người trong chúng ta là làm thế nào kiểm soát và chấm dứt tình trạng trên sẽ được và chỉ được lãnh đạo Việt Nam hiện tại trả lời mà thôi.
Mai Thanh Truyết
2-2010