Bài Học Từ Thảm Nạn Bhopal
Vào khoảng giữa đêm rạng ngày 3/12/1984, trên thành phố Bhopal (Ấn Độ) với 800.000 cư dân, có một đám mây xám che phủ kín bầu trời. Đám mây trên chính là kết quả của một vụ nổ nhà máy sản xuất hoá chất diệt côn trùng của một chi nhánh công ty Union Carbide, Hoa Kỳ. Chỉ trong vòng vài ngày sau đó, hơn 5.000 người bị thiệt mạng và ước tính từ 200 đến 600.000 người khác bị thương tật. Nhà máy tức thời bị đóng cửa hoàn toàn.
Đây là một nhà máy sản xuất hoá diệt côn trùng có tên là Carbaryl, và được tung ra thị trường dưới tên thương mãi là Sevin. Tên hoá học của Carbaryl là 1-Naphthyl-N-Methyl Carbamate, có công thức C10H7OOCHNCH3 . Đây là một loại thuốc diệt côn trùng ở dạng bột. Con người có thể bị nhiễm độc qua đường tiêu hoá và khí quản, hoặc do hấp thụ qua da. Giới hạn nguy hiểm trong không khí là 5mg/m3.
Nguyên do vụ phát nổ
Vụ nổ xảy ra tại một bồn chứa số 610 trong đó có chứa 40 tấn nguyên liệu chính để sản xuất hóa chất trên. Đó là Methylisocyanate (MIC). Nguyên do vụ nổ như sau:
Không biết bằng cách nào mà 500 lít nước đã xâm nhập vào bồn chứa trên, và tạo thành một phản ứng phát nhiệt mạnh. Do đó, áp suất trong bồn tăng nhanh đẩy khí MIC thoát ra ngoài và làm nổ tung các khóa áp suất an toàn. Hệ thống cấp cứu và báo động trong trường hợp khẩn cấp không hoạt động. Và sau cùng khoảng 4 tấn MIC dưới dạng khí thoát ra ngoài không khí che phủ nửa thành phố Bhopal. Thảm nạn nầy đã làm chấn động thế giới về sự an toàn lao động và nguy cơ tai nạn xảy ra trong việc sản xuất các hóa chất độc hại.
Có thể nói tai nạn ở Bhopal là kết quả của nhiều nguyên nhân gọp lại. Đó là tổng hợp của nhiều lỗi lầm do con người, do tổ chức quản trị nhà máy, do công nghệ, và do cả quy chế pháp lý. Nhà máy hoàn toàn không có quy định cũng như huấn luyện nhân viên trong trường hợp khẩn cấp. Chính vì lý do nầy mà con số nạn nhân quá cao so với mức độ tai nạn đã xảy ra. Thêm nữa, mức an toàn lao động cũng như việc bảo quản các máy móc định kỳ hoàn toàn bị quên lảng trong nhiều tháng qua.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, một ủy ban điều tra phối hợp từ nhà máy mẹ ở Hoa Kỳ và địa phương được thành lập và ngay sau đó đã khám phá ra những nguyên do kỹ thuật như sau:
- Hệ thống đo nhiệt độ và áp suất trong khu vực chứa MIC không hoạt động;
- Hệ thống làm trung hòa bồn chứa MIC để phòng ngừa khí nầy thất thoát vào không khí cũng ở vị trí đóng vì còn đang sửa chữa. Ngay cả nếu hệ thống nầy hoạt động cũng không ngăn được lượng khí MIC thoát ra ngoài vì khối lượng khí quá lớn không thể làm lạnh ngay được;
- Tháp đốt có mục đích thiêu hủy MIC trong trường hợp khí nầy thoát qua khỏi hệ thống trung hòa cũng ở vị trí ngưng hoạt động vì cần phải thay thế vài bộ phận;
- Hệ thống nước phun xịt có mục đích trung hòa các khí thoát ra ngoài không khí không đủ mạnh để có thể phun xịt đến đỉnh tháp đốt;
- Sau cùng, hệ thống báo động không hoạt động do đó không có dấu hiệu khẩn cấp khi áp suất trong bồn tăng cao.
Trên thực tế bồn chứa số 610 nầy dùng để chứa lượng MIC dư thừa, chứ không phải là một bồn chứa nguyên liệu chính. Đây là một điểm sai sót lớn nhất trong quy trình sản xuất.
Sau gần 20 năm kiện tụng, Tối cao Pháp viện Ấn Độ mới vừa ban hành bản án ngày 19/7/04 trong đó số nạn nhân đã qua đời kiểm kê được là 3.000 người và con số thương tật lên đến 578.000 người; và số tiền bồi thường là 330 triệu Mỹ kim mà công ty Union Carbide phải gánh chịu. Còn nhớ vào năm 1989, Union Carbide đã phải chi 470 triệu Mỹ kim cho gia đình của 3.000 nạn nhân đã qua đời và 105.000 người bị thương tật. Mặc dù chấp thuận bồi thường nhưng công ty Union Carbide vẫn giữ vững lập trường là tai nạn Bhopal chỉ là một vụ phá hoại mà thôi.
Vấn đề được đặt ra nơi đây là mức an toàn lao động và tiêu chuẩn môi trường (environmental standards) có được tuân thủ và áp dụng cho những nhà máy sản xuất hóa chất độc hại ở các quốc gia đang phát triển hay không? Cũng như trách nhiệm xã hội và dân sự của công ty mẹ có trụ sở ở các quốc gia kỹ nghệ một khi tai nạn xảy ra?
Những diễn biến sau tai nạn Bhopal
Trường hợp Bhopal là một thí dụ điển hình đã tạo ra nhiều nguồn dư luận đối nghịch về việc chuyển dời công nghệ hóa chất đến một quốc gia đang phát triển. Và việc chuyển tải công nghệ nầy đã chứng minh sự thất bại của việc toàn cầu hoá trong lãnh vực công nghệ.
Lập luận nầy khó đứng vững, vì ngay chính trong nội địa của các quốc gia hậu kỹ nghe, tai nạn vẫn có thể xảy ra như trường hợp một chi nhánh của công ty Union Carbide tại West Virginia vào năm 1988. Do sự rò rỉ và thất thoát tại một cơ xưởng sản xuất thuốc sát trùng thuộc nhóm carbaryl giống như ở Bhopal làm cho 135 công nhân phải vào bịnh viện tuy không có nạn nhân nào bị thiệt mạng cả.
Do đó câu kết luận chính xác ở đây, là cho dù vị trí của nhà máy sản xuất ở bất cứ nơi nào trên thế giới, tại một quốc gia đang phát triển hay tại một nước hậu kỹ nghệ, tai nạn vẫn có thể xảy ra. Đó là do lỗi lầm của con người. Vấn đề ở đây là làm thế nào để giảm thiểu những sơ suất, lỗi lầm của con người tối đa. Và tai nạn xảy ra tại Bhopal là một bài học lớn, đã khơi động sự chú ý của toàn thế giới vì tính cách trầm trọng của nó. Robert Roland, Chủ tịch Hội đồng Hoá học Hoa Kỳ (American Chemistry Council-ACC) đã nhấn mạnh là tai nạn có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, do đó, các công ty mẹ cần phải cảnh giác tối đa như tăng cường các biện pháp an toàn lao động trong vận hành.
Trường hợp Bhopal đã làm thức tỉnh các đại công ty trên thế giới và họ phải vận dụng tối đa công nghệ an toàn lao động và công tác nầy được xếp vào hàng thiết yếu trên cả việc quản lý nhà máy. Việc lấp đặt nhiều hệ thống song hành để tăng cường mức an toàn lao động là một điều cần thiết. Và sau cùng, biện pháp phòng ngừa để có thể ngăn chặn tai nạn của các nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu rầy tương tự như ở Bhopal là thay đổi phương cách vận hành và nguyên liệu có thể gây ra tai nạn như MIC không còn được lưu trử gần nhà máy nữa, và chỉ được chuyển đến nhà máy khi có nhu cầu sản xuất trong ngày mà thôi.
Do đó, 20 năm sau tai nạn ở Bhopal, công nhân các nhà máy làm việc tương đối an toàn hơn; tuy nhiên, cũng vẫn không thể ngăn chặn được hoàn toàn tai nạn có thể xảy ra.
Chuyển hướng sản xuất
Để giải quyết tận gốc những tai nạn trong các nhà máy sản xuất hóa chất độc hại, nhiều khoa học gia liên tưởng đến việc áp dụng hóa học xanh vào công nghệ nầy, nghĩa là thay thế các dung môi hữu cơ (organic solvent) và nguyên liệu hóa chất là những chất dễ cháy, dễ nổ khi có một sự thay đổi nhiệt độ hay áp suất bằng những công nghệ sạch. Hay tối ưu hơn nữa, là áp dụng những công nghệ trong đó quy trình sản xuất không cần đến các hóa chất có nguy cơ gây ra tai nạn. Và sau cùng, các công nghệ áp dụng phương pháp vi sinh, hay vi-hóa sinh ngày càng được chú ý nhiều hơn nữa. Vì hai phương pháp sau nầy hạn chế tôí đa tai nạn có thể xảy ra trong sản xuất.
Dù muốn dù không, con người dù có vận dụng trí não cao siêu đến đâu đi nữa, tai nạn vẫn có thể xảy ra vì nguy cơ vẫn có thể đến do sự sơ suất của nhân công trong nhà máy. Vì vậy, để có thể hạn chế được tai nạn trong các nhà máy sản xuất hóa chất độc hại, ngoài những biện pháp an toàn tối đa, yếu tố con người vẫn là yếu tố quyết định trong vận hành. Ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác vẫn là hai biện pháp phòng ngừa tai nạn hữu hiệu nhất trong các nhà máy.
Trong tình hình thế giới sôi động sau cuộc khủng bố 911 tại Hoa Kỳ, yếu tố nhân sự là điều mà lãnh đạo của các đại công ty cũng như chính quyền liên quan cần phải lưu ý để có thể làm giảm thiểu tối đa nguy cơ phá hoại vì những lý do chính trị không chính đáng.
Điểm dương tính của bài học Bhopal hôm nay là giúp cho thế giới chú trọng nhiều hơn nữa về sự an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe công nhân hơn là chú tâm vào vào việc tăng năng suất và lợi nhuận.
Mai Thanh Truyết
VAST 12/2008