Hội Luận San Jose 19/12/2009

Dân Tộc Sinh Tồn Trong 60 Năm Bị Giặc Tàu Ðô Hộ

 

Ngày 23 tháng 12 năm 2009

 

H,

 

Bài viết được phóng viên Trân Văn đưa lên đài RFA ngày 21-12-2009 có nhắc lại "Tại Diễn đàn Châu Á, diễn ra ở Bác Ngao, Trung Quốc, hồi tháng 4 năm nay, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam và ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc, tuyên bố, cả hai đã "nhất trí chọn năm 2010 làm Năm hữu nghị Việt - Trung". Hai ông giải thích, sở dĩ năm 2010 được chọn làm "Năm hữu nghị Việt - Trung" vì nó là mốc, đánh dấu quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc tròn 60 năm. Hai ông cùng cho rằng, đây là sự kiện quan trọng đối với cả hai quốc gia".

 

Lời nhắc nhở đó khiến dư luận xót xa nghĩ tới hai chữ "hữu nghị" chỉ là cái vỏ bọc ngoài của sự thật "chủ tớ" của kẻ "đô hộ" và người "nô lệ". Ðiều này khiến Ba nghĩ tới sự thật đau lòng của hơn nửa thế kỷ Việt Nam bị Tàu đô hộ, khiến thời đại Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là "thời đại đồ đểu", và nền văn hóa của dân tộc Việt Nam coi như bị hủy hoại trầm trọng, như nhận xét của Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc: "...Bước vào không gian công cộng ở Việt Nam, nhất là không gian công cộng thuộc quyền nhà nước, từ uỷ ban nhân dân đến công an phường, quận, thành phố; từ bưu điện đến bệnh viện; từ bàn hải quan đến văn phòng xuất nhập cảnh, v.v... ở đâu người Việt Nam cũng dễ ghét. Cái dễ ghét ấy có thể được nhìn thấy ngay trên các chuyến bay về Việt Nam: Theo nhận định của nhiều người vốn đi nhiều, ít có tiếp viên hàng không nào dễ ghét như tiếp viên hãng Hàng Không Việt Nam; ít có công an cửa khẩu và nhân viên hải quan nào dễ ghét như những người làm việc tại các sân bay quốc tế tại Việt Nam. Một sinh viên của tôi, người Úc, rất mê Việt Nam, và vì mê Việt Nam, cuối cùng, lấy vợ Việt Nam. Chính trong thời gian làm đám cưới, phải chạy vạy làm đủ các loại giấy tờ, từ hôn thú đến bảo lãnh vợ sang Úc, anh phờ phạc cả người. Quay về Úc, anh than: Chưa bao giờ anh thấy nhân viên hành chính ở đâu dễ ghét bằng các nhân viên hành chính ở Việt Nam. Một người bạn khác của tôi, về Việt Nam thăm thân nhân bị bệnh, phải nằm bệnh viện, than: Chưa bao giờ thấy bác sĩ và y tá ở đâu lại dễ ghét như ở Việt Nam. Mặt mày ai cũng hầm hầm hay lạnh tanh. Người ta hỏi gì cũng quát, nạt. Họ chỉ dịu giọng được một lát khi nhận tiền lót tay. Một người bạn khác rất có thiện chí giúp đỡ Việt Nam, nhiều lần tổ chức quyên góp từ quần áo, sách vở đến máy vi tính ở Úc để chuyển về tặng cho người Việt; nhưng sau đó, đâm nản, cuối cùng, bỏ cuộc. Anh nói: 'Mình mang quà về giúp, nhưng ở đâu cũng bị làm khó dễ... '."

 

Nhưng, sự hủy hoại trầm trọng đó chỉ khiến các cấp lãnh đạo Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trở thành những kẻ nói dối không biết ngượng, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng mình là kẻ ghét nói dối lại luôn miệng nói dối và làm toàn những chuyện dối trá; Chủ tịch Nhà nước Nguyễn Minh Triết thì bịa lời của Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam nói về trường hợp Linh mục Nguyễn Văn Lý; và mới đây là Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói về vấn đề nhân quyền với Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ James Webb bị văn phòng của ông này nói là không có. Ðiều đáng nói là nó đã dừng lại ở cửa công quyền, cửa của Ðảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, chớ trong chỗ giao tình giữa người với người bên ngoài công quyền, bên ngoài Ðảng và Nhà nước thì cái "đáng ghét" trở thành cái "dễ thương", cũng theo nhận xét của Nguyễn Hưng Quốc: "...Những nhân viên các loại và các cấp bị xem là dễ ghét trong công sở ấy có thể trở thành cực kỳ dễ thương với bạn bè, người thân hoặc người quen. Một viên công an mặt mày lúc nào cũng lạnh như tiền và lăm lăm đòi móc túi những người dân đến xin chứng nhận một thứ giấy tờ gì đó có thể là một người cởi mở, hào hiệp và hào phóng khi ngồi vào bàn nhậu với bạn bè... Có thể nói gọn lại thế này: Trong quan hệ cá nhân, người Việt thường đáng yêu; nhưng trong quan hệ công cộng, nhất là ở công sở, người Việt thường rất dễ ghét. Cũng có thể nói một cách khái quát hơn: ở Việt Nam, cứ hễ có chút quyền lực, bất kể là quyền lực gì, người ta liền biến ngay thành người dễ ghét. Bản tính dễ thương đến mấy cũng thành dễ ghét. Nếu không dễ ghét vì sự hách dịch, quan liêu hay tham lam thì cũng dễ ghét vì sự chậm chạp, cẩu thả, lười biếng và vô trách nhiệm. Bởi vậy, nhiều người nhận xét: Chơi với người Việt thì vui, nhưng làm việc với người Việt thì đúng là một cực hình. Trên bàn nhậu, ai cũng thông minh, biết điều, cởi mở; nhưng quay lại bàn giấy thì người ta lại lề mề, khó khăn, tắc trách, rất ít đáng tin cậy. Do đó, vấn đề không phải là bản tính mà là văn hoá. Mà văn hoá, nhất là văn hoá hành chính, lại gắn liền với chế độ".

 

Ðiều đó khiến Ba nghĩ tới Bản Năng Sinh Tồn Của Dân Tộc Việt. Nó cũng khiến Ba nghĩ tới buổi ra mắt sách và hội luận về "Ðại Họa Giặc Tàu Và Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn" vừa diễn ra tại Trung tâm ViVo chiều Thứ Bảy 19-12-2009 vừa qua. Xin ghi lại đây lời tường thuật về buổi ra mắt sách và hội luận đó:

 

Buổi ra mắt sách và hội luận được dư luận cho là mang nặng màu sắc chánh trị đã diễn ra tại Trung tâm ViVo của thành phố San Jose vào lúc 2gio30 ngày Thứ Bảy 19-12-2009 trùng hợp với nhiều sinh hoạt cộng đồng khác nên số người tham dự chưa ngồi kín hội trường 150 ghế như các lần trước. Sau khi chào cờ Việt-Mỹ và đồng hát Quốc ca Việt Nam, ca nhạc sĩ Vũ Lập đọc lời tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình cho lý tưởng tự do và cho Tổ quốc Việt Nam đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự tưởng niệm cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, người đã trọn đời tận tụy đấu tranh cho nền dân chủ pháp trị ở Việt Nam, đấu tranh cho sự sinh tồn của dân tộc Việt Nam.

 

Ngay khi tuyên bố khai mạc buổi ra mắt sách và hội luận, nhân danh Ban tổ chức Giáo sư Trần Minh Xuân đã ân cần giới thiệu 2 người dẫn chương trình [MC] là ca nhạc sĩ Vũ Lập và cựu sinh viên chiến tranh chánh trị Ðào Trung Chính. Sau đó, Giáo sư Ngô Ðức Diễm, nhân danh chủ nhà [TT ViVo] ngỏ lời chào mừng các diễn giả và quan khách từ xa đến San Jose, đặc biệt là nhà văn quân đội Hải Triều đến từ Vancouver, Canada, Thiếu tá Hoàng Ðình Khuê và phái đoàn đến từ miền Nam California, ông rất tiếc là đã không có Tiến sĩ Mai Thanh Truyết và Tiến sĩ Lê Minh Nguyên ở Oarnge Couty và Tiến sĩ Phan Văn Song ở Pháp. Trong phần giới thiệu quan khách, hội trường đặc biệt nghe sự có mặt của phái đoàn của các đảng phái chánh trị gồm đảng Tân Ðại Việt, Ðại Việt Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt Cách Mạng Ðảng, Liên Minh Dân Chủ Việt Nam và đông đảo thành viên trong Ðại Gia Ðình Nguyễn Ngọc Huy, thành viên của Liên Ðoàn Cử Tri người Việt Bắc California...; trước khi giới thiệu thành phần Chủ tọa đoàn gồm cựu Luật sư Trần Minh Nhựt, nhà văn Hải Triều, Thiếu tá Hoàng Ðình Khuê và Giáo sư Trần Minh Xuân; cùng Thư ký đoàn gồm Dược sĩ Lưu Phương và 2 sinh viên Trần Hoàng Yến và Trần Hoàng Anh [Hình: Luật sư Trần Minh Nhựt và Thư ký đoàn]

 

Trong phần ra mắt sách, nhà văn quân đội Hải Triều, một thành viên của Ðại Gia Ðình Nguyễn Ngọc Huy, cũng là thành viên lãnh đạo của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, đã tâm sự về việc hình thành 2 tác phẩm mới in của ông là Mùa Xuân Ðen và Chụp Mũ. "Mùa Xuân Ðen" là một tập truyện viết từ những sự thật, cảnh thật, người thật, nạn nhân thật được pha một chút uất hận, một chút đắng cay, một chút chịu đựng, một chút bất cần, một chút khôi hài... trong cảnh cả nước cùng đường khi những người cộng sản lộ nguyên hình là những tên Thái thú của thời Bắc thuộc mới, trong đại họa giặc Tàu... Ðến tác phẩm "Chụp Mũ" tác giả đã không ngại đụng chạm, không sợ mích lòng, khi nói về những "chụp mũ, bịa đặt, ác độc" của những tên dấu mặt trong bóng tối lẫn những kẻ có tên ngoài ánh sáng... nhắm vào Hải Triều. Tất cả đã được khai quật, phân tích... để độc giả hiểu rõ tại sao có quá nhiều kẻ thù từ hàng ngũ những người hay nhóm gọi là "quốc gia". Theo tác giả đây là giải pháp tác giả chọn lựa, không chỉ là phương cách tự mình giải oan, mà nó còn giúp cho đời hiểu ra, nhận ra những chiếc mặt nạ của những người mặc áo quốc gia thò tay ra tàn hại anh em, tàn hại cuộc đấu tranh chống tà quyền Hà Nội... bằng những tài liệu thật, bằng chứng thật... Với tác giả đây là nổ lực chấm dứt nạn chụp mũ trong các cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại khi đại họa giặc Tàu lúc nào cũng là đại họa mọi người cần phải dồn mọi nổ lực truy diệt.


Kế tiếp, Giáo sư Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hồi đồng Quản trị East Bay Vietnamese Association, Chủ biên Chuyên san Dòng Sử Việt, cựu Giáo sư trường Ðại học Văn khoa Sài Gòn, nhận xét tác phẩm vừa mới xuất bản của các Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, Tiến sĩ Phan Văn Song và Giáo sư Trần Minh Xuân có tên là "Từ Bauxite Ðến Uranium: Tiến Trình Ðô Hộ Việt Nam Của Trung Cộng". Giáo sư Tuấn đã tuần tự nhận xét từng bài viết của từng tác giả góp mặt trong tác phẩm.

 

Với Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, tác giả của 14 bài trong tuyển tập, vốn là chuyên viên hóa học, tác gỉa đã có những kiến giải rành rẽ và rất thuyết phục về môi trường, nói đúng ra là những sự hủy hoại môi trường, của Trung Quốc khiến những bài viết về những tác hại của việc khai thác bauxite của Trung Quốc ở Việt Nam đã làm người đọc xót xa cho vận nước và ngán ngẩm trước sự yếu hèn của chính quyền Việt Nam đương thời. Chủ nghĩa cực đoan Ðại Hán của người Tầu nhằm khống chế các quốc gia lân bang, nhất là Việt Nam, cũng được ông mổ xẻ. Tuy nhiên, có những con số cần được tác gỉa giải thích để những độc gỉa không có kiến thức chuyên môn về kinh tế tài chánh hiểu điều tác gỉa muốn trình bầy.

 

Với Giáo sư Trần Minh Xuân, theo Giáo sư Tuấn tất cả 14 bài viết đều chứa đựng chi tiết, dữ kiện, thống kê, bản đồ và hình ảnh thời sự một cách phong phú. Ông đã nói nguyên văn: "Hãy nhớ rằng thời sự hôm nay là lịch sử ngày mai để chúng ta cần gửi đến ông một lời cám ơn. Cám ơn ông đã lưu giữ những chuyện đang xảy ra làm dữ liệu cho lịch sử phán xét công tội của một cá nhân hay một tập đoàn hay một chính quyền". Giáo sư Tuấn cũng nói thêm: "Giáo sư Trần Minh Xuân cũng còn có công nhắc nhở và giới thiệu những tư tưởng chính trị của cố Gs. Nguyễn Văn Bông và cố Gs. Nguyễn Ngọc Huy mà những sự kiện thực tế ngày nay đã chúng minh giá trị viễn kiến của những chính khách này, vốn dấn thân vào chính trường với lý tưởng cao đẹp vì dân vì nước". Qua phần trình bày của mình, Giáo sư Tuấn cho biết: "Một trong những bài viết của Ông Giáo Gìa Trần Minh Xuân mà tôi thấy hứng thú là bài ông viết về 'Dân Oan Thích Nhất Hạnh' (trang 44-454) kể chuyện tu viện Bát Nhã ở Việt Nam thuộc pháp môn Làng Mai của sư ông Nhất Hạnh bị xua đuổi khỏi chùa cho thấy chính quyền Cộng Sản Việt Nam, sau khi lợi dụng xong chút tiếng tăm quốc tế của nhà sư này để chứng minh Việt Nam có tự do tôn giáo, đã thẳng thừng vứt bỏ cái vỏ chanh đã hết nước... Giáo sư Trần Minh Xuân đã viết một cách cẩn thận, nói có sách mách có chứng. Bài viết của ông thường chứa đựng lời nói hay hình ảnh của các nhân vật chính trị, văn hoá, giáo dục, xã hội, của giới trí thức hay của chính những lãnh tụ Cộng Sản tại Việt Nam khiến giá trị tài liệu được chính xác và tiện dụng..."

 

Ðến phần Tiến sĩ Phan Văn Song, Giáo sư Tuấn nói: "Tiến sĩ Phan Văn Song đã rất cụ thể khi lên tiếng báo động sự nguy hiểm trong việc làm ăn với Trung Quốc. Làm ăn với Trung Quốc thì có nguy cơ bị Công An Trung Quốc bắt giam bất cứ lúc nào. Ðiều đáng nói là tác gỉa Phan Văn Song đề cập đến chuyện văn hoá Jarai bị hủy hoại, sắc tộc Jarai bị áp bức, và đất đai Jarai bị tịch thu. Tôi tự hỏi phải chăng chỉ có sắc tộc Jarai là bị những tại họa do chính quyền Cộng Sản đem lại thôi sao? Còn các sắc tộc khác, những Ba Na, Stieng, Rong gao, Xê Ðăng, Mnông... thì sao, không thấy quyển sách này đề cập đến gì cả. Tại sao lại chỉ Jarai?"

 

Ðến phần "Phụ Lục" Giáo sư Tuấn nói: "...Qúy vị không nên cho đăng bức thư của Tổ Chức Văn Hóa và Nghệ Thuật Champa Quốc Tế có trụ sở ở Ontario, Canada nơi trang 524. Lý do là vì trong thư này, người Chủ Tịch của Tổ Chức Văn Hóa và Nghệ Thuật Champa Quốc Tế gốc Chàm đã nhân danh toàn thể các sắc tộc ở vùng cao nguyên Trung Phần, điều mà các sắc tộc khác như Bà Na, Rông gao, Xê Ðăng, Jarai... đã và đang phản đối trong nhiều năm qua".

 

Sau cùng, có điều khiến Giáo sư Tuấn không được hài lòng là "Ba tác gỉa có ba khuynh hướng và nội dung, tuy cùng bừng bừng tình yêu quê cha đất tổ, nhưng khác nhau rõ rệt, thành ra việc sắp xếp lần lượt từng ông một một cách từ tốn và rất lịch sự đã vô tình xé lẻ bài các ông thành từng mảng từng đoạn, chỉ làm người đọc khó theo dõi!..."

 

Giáo sư Tuấn vừa dứt lời thì MC Ðào Trung Chính lên tiếng: "Xin thành thật cáo lỗi cùng quý vị về trường hợp Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đã không đến được theo chương trình đã ghi vì ngày Thứ Ba vừa qua ông email cho biết bất ngờ vì công vụ ông phải đi Las Vegas tham dự một hội nghị môi trường từ Thứ Năm nầy đến Thứ Bảy. Do đó, phần thuyết trình của ông được người cùng viết chung sách về "Ðại Họa Giặc Tàu" với ông lo giúp. Ðó là Giáo sư Trần Minh Xuân. Giáo sư Trần Minh Xuân cũng là thành viên của Ðại Gia Ðình Nguyễn Ngọc Huy. Ngoài tên thật và bút hiệu Huy Phong, ông được nhiều người biết đến dưới bút danh Giáo Già, người trách nhiệm cột báo "Thư Cho Con" hằng tuần trên Tuần báo Tiếng Dân, tác giả của 13 cuốn Thư Cho Con đã xuất bản..."

 

Bước lên sân khấu Giáo sư Trần Minh Xuân một lần nữa xin lỗi về sự vắng mặt của Tiến sĩ Mai Thanh Truyết và cũng ngỏ lời xin lỗi về sự vắng mặt bất khả kháng của Tiến sĩ Phan Văn Song khi ông này phải rời California về Pháp trước ngày hội luận. Sau đó, Giáo sư Trần Minh Xuân nói thẳng vào nội dung tác phẩm nhằm trình bày đại họa giặc Tàu đang đô hội Việt Nam. Ông đọc nguyên văn lời Mao Trạch Ðông đã khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương Ðảng cộng sản Tàu hồi tháng 8 năm 1965 rằng: "Chúng ta phải giành cho được Ðông nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Ðiện, Malayxia và Singapo..." [trich Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua]. Ðiều này cho thấy Mao Trạch Ðông đã coi Miền Bắc Việt Nam đã là lãnh thổ của Tàu không cần giành như giành các phần lãnh thổ khác trên tiến trình "giành cho được Ðông nam châu Á". Còn nhớ, khi Mao Trạch Ðông chiếm trọn Hoa lục năm 1949, thì năm sau [1950] Hồ Chí Minh sang Tàu cầu viện để quân Tàu tràn qua biên giới chiến đấu trong các chiến dịch đánh Pháp quan trọng; đến khi trận Ðiện Biên Phủ kết thúc Tàu bắt tay Pháp chiếm một nửa nước Việt Nam nằm về phía Bắc vĩ tuyến thư 17. Ðến năm 1974, Tàu xua quân tiến chiếm Hoàng Sa của VIỆT NAM CỘNG HÒA; và khi Cộng sản Bắc Việt hoàn tất cuộc xâm lăng Miền Nam Việt Nam, Tàu coi như giành được Miền Nam Việt Nam. Nhưng Lê Duẩn và đồng bọn lãnh đạo Cộng sản Việt Nam ngã theo Liên Sô, khiến Ðặng Tiểu Bình xua quân "dạy Cộng sản Việt Nam bài học" bằng cuộc chiến biên giới năm 1979; khiến Bộ Chánh trị phải sửa Hiến pháp ghi Tàu là kẻ thù của dân tộc. Nhưng 10 năm sau, trong cơn cùng kiệt của Xã hội Chủ nghĩa; tháng Chín năm 1989 Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Văn Linh phải dẫn Ðỗ Mười và Phạm Văn Ðồng sang Thành Ðô xin Trung Quốc viện trợ. Rồi năm 1991 Lê Ðức Anh, Ðỗ Mười, Võ Văn Kiệt lại sang Trung Quốc xin ủng hô; và cứ thế tiếp tục qua thời Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh... coi như cả đất nước Việt Nam hoàn toàn nằm trong tay Tàu cộng. Ðể sau đó Hiến Pháp lại được sửa để Tàu không còn là kẻ thù của Việt Nam. Nhìn vào đó, có người cho là Việt Nam có nguy cơ bị Tàu đô hộ. Thật sự đó không là cơ nguy mà là ÐẠI HỌA, và cái đại họa lần này trầm trọng hơn những lần Bắc thuộc trước, vì Tàu đã đô hộ Việt Nam bằng viễn khiển mà nói theo tiếng "hiện đại" là "remote control" bọn Thái thú CSVN đang cầm quyền dưới nhãn hiệu của 4 tốt và 16 chữ vàng.

 

Trong đại họa giặc Tàu lần này chúng cũng tiến hành việc đồng hóa Việt Nam, bóc lột tài nguyên của Việt Nam, triệt tiêu mọi khả năng chống đối của trí thức bằng tiêu diệt văn hóa Việt như các lần Bắc thuộc trước, như là thời Nhà Minh đô hộ Ðại Việt. Nó khiến diễn giả nhớ lại câu hát thuở thiếu thời khi học Sử Việt nói về các thời Bắc thuộc và nhớ lại những lần bị người Tàu Chợ Lớn làm hảng giả lừa gạt. Ông vui miệng đọc lại câu hát đó: "Các Chú Ba Tàu Thằng Nào Cũng Như Thằng Nấy". Ngay sau đó, ông ngỏ lời xin lỗi những người Tàu "tốt". Ông không có ý muốn vơ đũa cả nắm khi nói về những người Tàu "tốt" trong đám giặc Tàu. Ông cho biết thêm là trong bao nhiêu lần bị giặc Tàu cũng như giặc Pháp đô hộ, và bị giặc Cộng cai trị bao nhiêu năm nay, dân tộc Việt Nam vẫn vượt qua mọi gian khổ và vẫn trường tồn nhờ Bản Năng Sinh Tồn Của Dân Tộc. Giờ đây, cùng tìm hướng giải quyết đại họa giặc Tàu lần này ông giới thiệu Thiếu tá Hoàng Ðình Khuê, cựu sĩ quan Ðài Lạt khóa 16, Bí thư Khu ủy Tây Hoa Kỳ Ðảng Tân Ðại Việt trình bày Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn qua tác phẩm vừa được tái bản của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.

 

Trong phần trình bày của mình Thiếu tá Khuê đã vắn tắt nói về sự cần thiết của một chủ nghĩa chánh trị hợp lý trong cuộc đấu tranh cho độc lập tự do, cho một nền dân chủ pháp trị, mà ở đây là Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn được cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy diễn giải từ chủ thuyết Dân Tộc Sinh Tồn của đảng trưởng Ðảng Ðại Việt Trương Tử Anh mà ông và cụ Hà Thúc Ký say mê khi còn trẻ trước khi gia nhập đảng Ðại Việt. Diễn giả đã đặc biệt nhấn mạnh đến "Luật Tranh Ðấu" là điều kiện cốt yếu cho sự sinh tồn của con người, theo đó "luật sức mạnh" và "luật biến cải" rất đáng lưu ý. Diễn giả than phiền thời gian dành cho diễn giả quá ngắn để trình bày các tinh túy của Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn được cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy diễn giải qua tác phẩm dày non 900 trang, nên tác chỉ nói được phần đại lược và hẹn sẽ cùng nhau thảo luận trong phần hội luận.

 

Bước sang phần hội luận và góp ý của các tổ chức chánh trị và quan khách hiện diện, người dẫn chương trình đã dành ưu tiên cho cho thế hệ trưởng thành và thành danh ở hải ngoại, những người không mang chút hận thù Cộng sản, nhưng hết sức phẫn nộ hành động bá quyền của Trung Cộng và sự khiếp nhược của đám Thái Thú đang cai trị quê nhà. Tuy phẫn nộ độc đảng độc tài Cộng sản Việt Nam, nhưng người thay mặt cho thành phần trẻ này là Bùi Sơn, một thành viên của Liên Ðoàn Cử Tri Người Việt Bắc California, một tổ chức được ra đời từ ý thức chánh trị của thành phần trưởng thành ở hải ngoại biết tận dụng vốn liếng quý giá của người Việt trong sinh hoạt chánh trị của dòng chánh là lá phiếu của cử tri trong các cuộc bầu cử, rất điềm đạm khi lên tiếng nói về thảm họa dân Việt bị ảnh hưởng cả ngàn năm bị Tàu đô hộ; và sự quật khởi của dân tộc Việt, của anh hùng Trần Hưng Ðạo. Bùi Sơn rất thán phục sự hào hùng trong Bình Ngô Ðại Cáo. Anh cũng thán phục Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn và nhận thấy mình và Liên Ðoàn Cử Tri có trách nhiệm trong việc đấu tranh chống nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, đấu tranh cho tự do dân chủ, đấu tranh giải quyết Ðại họa giặc Tàu lần này.

 

Tiếp theo người bạn trẻ Bùi Sơn, người đại diện cho lớp trung niên là nhà báo Huỳnh Lương Thiện, Chủ nhiệm báo Mõ San Francisco, đã nhắc lại những kinh nghiệm mà ông đã từng trải trong thời gian du học ở Nhựt cùng với sự hiểu biết của ông về sự sinh tồn của dân tộc Việt. Ông ca ngợi Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, ca ngợi cuộc đấu tranh từng ngày của dân tộc Việt cho tự do và công lý ở Việt Nam.

 

Sau đó, kỹ sư Nguyễn Tấn Thọ, ủy viên trung ương đảng Ðại Việt Cách Mạng Ðảng lên tiếng trình bày thêm một số tinh túy của Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, nhắc đến cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, và nêu câu hỏi tại sao chúng ta không noi theo đó mà đấu tranh chống đại họa giặc Tàu, đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam.

 

Kế tiếp, ông Quốc Phùng, ủy viên tuyên huấn trong ban lãnh đạo đảng Tân Ðại Việt được mời phát biểu. Cũng như các diễn giả trước, những điều được ông trình bày đều xoay quanh Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn được cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy diễn giải; đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh tuyên huấn rất cần thiết cho việc đấu tranh chung.

 

Buổi hội luận dân chủ kết thúc với bản Tuyên Cáo do cựu Luật sư Trần Minh Nhựt tuyên đọc [đính kèm] với sự đồng thuận của cả hội trường vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày.

 

Hẹn con thư sau,

Giáo Già

 

//////////////////////////////////////////////////