Tương Lai Việt Nam Trước Tiến Trình Toàn Cầu Hóa



Đà gia tăng dân số toàn cầu trong những năm gần đây đang đi dần đến mức báo động. Nhiều quốc gia đã chứng minh sự cố gắng trong vấn đề kiểm soát và hạn chế sinh sản gắt gao như Trung Cộng và Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ và đa số các quốc gia vùng Phi châu, Á châu không thể kiểm soát được vấn đề trên, do đó mức gia tăng nhân khẩu đã đạt đến mức báo động. Hiện tại, dân số trên thế giới đã vượt qua con số 7 tỷ. Việc dân số gia tăng kéo thêm một số nhu cầu và vấn đề khẩn thiết mới cho con người như thực phẩm, y tế, giáo dục, phát triển và môi sinh... các nhu cầu và vấn đề trên có liên quan hỗ tương chặt chẽ với nhau như việc phát triển để gia tăng lương thực có thể tạo ra những di hại về ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường sống.


Do đó, không thể có cái nhìn riêng rẽ và độc lập trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển mà không lưu ý đến những mối liên quan đến yếu tố ảnh hưởng lên con người. Arpad Goncez, tổng thống Hung Gia Lợi đã phát biểu trong buổi khai mạc hội nghị "Khoa học cho thế kỷ thứ 21: Một kết ước mới" (Science for the 21st century: A new commitment) tại Budapest rằng: Chỉ có một khoa học, một hành tinh Địa cầu và một "Giống Người" (Humankind)...

Đó là mẫu số chung của mọi quốc gia sống trên hành tinh nầy. Hội nghị đã quy tụ trên 150 quốc gia trên thế giới với mục đích kêu gọi toàn cầu có cùng một hướng nhìn về tương lai về các liên quan giữa phát triển khoa học-xã hội-môi sinh.

Neal Lane, cố vấn khoa học của tổng thống Clinton đã gọi các khoa học gia là Công dân toàn cầu (Global citizen). Mọi động tác nào của con người, quốc gia, hay từng vùng trên thế giới đều thay đổi ít hay nhiều đến chu kỳ sinh-địa-hoá học của hệ sinh thái thiên nhiên. Sự xáo trộn nầy sẽ gây tác hại trực tiếp hay gián tiếp lên con người ở khắp nơi trên thế giới. Một thí dụ cụ thể là thủy ngân và arsenichai hoá chất cần thiết cho việc tách vàng ròng từ các quặng mỏ đã hiện diện trong lòng đất và các mạch nước ngầm trong tất cả các vùng đã khai thác.

1-    Tương lai toàn cầu

Vì vậy, nhà dự phóng phát triển cho tương lai ở bất cứ quốc gia nào cũng phải có tầm nhìn toàn cầu và đắn đo cân nhắc nguyên nhân-hậu quả cùng các hệ lụy của từng công nghệ áp dụng. Giải quyết được một vài vấn nạn cho quốc gia trong ngắn hạn mà tạo ra những tác hại đến hệ sinh thái trong tương lai không phải là giải pháp thích ứng hay tối ưu cho phát triển.


Thế kỷ thứ 21 sẽ mở màn cho một cuộc tập hợp vĩ đại không những chỉ ở cấp vùng, cấp châu mà cần phải phối hợp mở rộng cho toàn thể địa cầu. Mọi quốc gia dù đang hay đã phát triển, giàu hay nghèo... đều phải có cùng một tiếng nói và góp phần vào việc bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu. Một sự tập hợp giữa các nhà khoa học, kỹ thuật trong tinh thần nhân bản, có cùng mẫu số chung về những vấn nạn ảnh hưởng đến toàn cầu...sẽ là một bước ngoặt tích cực mới cho thế kỷ nầy.

Như chúng ta đã biết, tiến bộ khoa học và việc khai triển các công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu hạn chế đà gia tăng dân số cũng như cải thiện và nâng cao đời sống của người dân ở các nước đang mở mang. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh ra nhiều hậu quả mà ba hệ lụy chính được đan cử ra sau đây:



·         Bầu khí quyển bị ô nhiễm và bị hâm nóng dần;

·         Ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trên mặt đất và các mạch nước ngầm;

·         Ô nhiễm lòng đất do chất thải phát xuất từ nhiều nguồn khác nhau...

Trên thực tế, mặc dù đã được chia ra làm ba vấn nạn căn bản kể trên, nhưng tất cả đều có liên quan và đan kết chặt chẽ với nhau.

Mọi biện pháp phòng vệ, ngăn chận, hay làm chậm lại tiến trình ô nhiễm cần phải được nghiên cứu k lưng yếu tố nguyên nhân-hậu quả của từng vấn nạn một.

Một giải pháp cho vấn nạn nầy có thể là nguyên nhân của vấn nạn kia.... Một thí dụ cụ thể là tại Hoa Kỳ, các khoa học gia đã đồng ý cho thêm vào trong xăng chất trợ oxy MTBE (Methyl tert-Butyl Ether) vào thập niên 1980 nhằm mục đích làm giảm thiểu lượng khí thải hồi vào không khí khi xử dụng xăng để làm chậm lại tiến trình hâm nóng bầu khí quyển trên toàn cầu. Nhưng sau hai năm áp dụng, lượng thán khí thải hồi tuy có giảm bớt, nhưng ngược lại chất MTBE, nhân tố gây ra bệnh ung thư cho con người lần lần xâm nhập vào lòng đất và đã có chỉ dấu về sự hiện diện của hoá chất nầy trong mạch nước ngầm.

Do đó, EPAcơ quan bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ đã phải đình chỉ việc dùng hoá chất trên và thay vào bằng một chất trợ oxy khác là Ethanol (chất rượu làm từ bắp có thể uống được). Một dấu hỏi được mở ra đây là việc gì sẽ xảy ra trong tương lai sau khi áp dụng phương pháp trên nhiều năm sau đó? Hiện tại sau trên 20 năm áp dụng, vẫn chưa có một báo cáo nói lên sự nguy hại trên và Ethanol vẫn được pha vào trong xăng với liều lượng là 10%. (Riêng tại Ba Tây, số xe chạy bằng "xăng" Ethanol (100%) đã chiếm một tỷ lệ gần 50%).

2-    Hiện tượng hâm nóng toàn cầu

Với hàng triệu động cơ vận hành mỗi ngày, hàng triệu máy cắt cỏ, máy thổi lá chuyển vận, nhiều triệu lon/chai của đủ loại nước ngọt, bia tiêu dùng..., thán khí (CO2) thênh thang đi vào bầu khí quyển cùng với thân nhiệt và thán khí thoát ra từ buồng phổi của trên 7 tỷ con người. Và thêm nữa, các quy trình công nghệ sản xuất chế biến, việc sử dụng lò sưởi trong mùa đông, cùng các công nghệ khai thác quặng, khí v.v...đã đóng góp không nhỏ vào lượng thán khí trong không khí.



Hiện tượng hâm nóng toàn cầu khởi sinh từ các nguyên nhân kể trên.

Các khoa học gia đã ước tính rằng nếu không có biện pháp làm giảm thiểu lượng thán khí thải hồi thì lượng khí trên sẽ tăng gấp đôi trong vòng 50 năm tới nếu giữ cùng một nhịp độ phát triển như hiện nay. 

Trong thiên nhiên cây xanh là nguồn trợ lực chính hấp thụ thán khí, nhưng với đà phá rừng ở Phi châu, Á châu, Nam Mỹ, e rằng con số ước tính trên sẽ bị thâu ngắn lại. Hàng năm, loài người đã thải ra độ 40 tỷ tấn thán khí (ước tính năm 2010) và số lượng nầy đã được cây cỏ hấp thụ độ 50%.

Nhưng số lượng trên ngày càng tăng dần với đà phát triển. Thống kê ghi nhận rằng từ năm 1902 đến 1990 nhiệt độ bầu khí quyển tăng lên khoảng 1oC; nhưng trong khoảng thời gian chỉ có 3 năm, từ 1995 đến 1998, nhiệt độ tăng lên đến mức độ báo động là 0,25oC.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi nhiệt độ trong bầu khí quyển tăng lên?

Trước hết, khối lượng băng hà ở Bắc cực và Nam cực sẽ tan dần và lần lần thu hẹp diện tích đất sinh hoạt của loài người. Trên các đại dương, chỉ cần nhiệt độ tăng thêm 1,5oC thì hầu hết các vùng sinh thái của san hô và phiêu sinh vật sẽ bị hủy diệt, làm cạn kiệt nguồn lương thực biển vì tôm cá không còn nơi trú ngụ, sinh sản (nhiệt độ trung bình ở các vùng biển nhiệt đới là 30,5oC). Hai hiện tượng trên đang xảy ra trên trái đất của chúng ta với vận tốc đáng ngại!

Có nhiều biện pháp để ngăn chận và giảm thiểu việc tăng trưởng lượng thán khí trên toàn cầu:

  • Hạn chế và kiểm soát lượng thán khí thải hồi trong kỹ nghệ qua khuyến cáo Kyoto năm 1997 do hầu hết các quốc gia trên thế giới soạn thảo và đồng ý, cũng như kết ước năm 2015, COP21 (Conference of Parties) của 192 quốc gia tại Paris, cũng như nhắc lại các kết ước trên ở COP23 tại Bonn, Đức Quốc từ ngày 6/11/2017.
  • Hoặc thanh lọc lượng khí thải hồi bằng phương pháp tách rời và cô lập hoá học (sequestration technology). Thán khí cô lập được bơm vào dưới lòng biển sâu và nước biển sẽ hấp thụ khối lượng trên. Hoặc thán khí được bơm vào các vùng quặng mỏ than đá từ đó than sẽ phản ứng với thán khí để hình thành khí methane.

Cả hai phương pháp nầy đã đi dần đến hoàn chỉnh và có thể được đem ra áp dụng trong vài năm nữa. Tuy nhiên biện pháp dùng thiên nhiên để hấp thụ thán khí vẫn là phương pháp tối ưu nhất.

  • Thay vì phá rừng để phục vụ cho nhu cầu kỹ nghệ, cần phải tái tạo rừng và trồng thêm rừng mới để tăng thêm diện tích cây cỏ hầu ngăn chận hay làm chậm tiến trình hâm nóng toàn cầu.
  • Và sau hết, con người cần phải tự nguyện hạn chế việc sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu bừa bãi.

 

Nếu làm được các việc trên hy vọng chúng ta có thể giải quyết được vấn nạn sinh tử của nhân loại nói trên.

3-    Vài suy nghĩ cho toàn cầu     

Như đã nói ở các phần trên, vấn nạn ảnh hưởng đến môi sinh trên toàn thế giới trong thời gian tới cùng với những biện pháp phòng ngừa và hạn chế ô nhiễm đều có tính cách liên đới ảnh hưởng lên mọi quốc gia. Xu hướng toàn cầu hóa trong lãnh vực nầy sẽ không có biệt lệ nào khác.

Tuy nhiên, sự phân bố không đồng đều về mặt phát triển kỹ thuật, trình độ dân trí, điều kiện kinh tế-chính trị của đa số các quốc gia đang phát triển không cho phép họ có tầm dự phóng xa hơn những vấn đề sống còn trước mắt. Do đó, các nước hậu kỹ nghệ cần phải thông cảm và có thật tâm giúp đỡ về nhân sự, tài chánh và kỹ thuật...để các nước đang phát triển có điều kiện theo kịp đà tiến hoá và cùng góp tay chia sẻ việc bảo vệ môi sinh để cùng tồn tại.

Giai đoạn thực dân bốc lột, vét đoạt tài nguyên của những nước nghèo sẽ không còn thấy trong thế kỷ thứ 21 nầy nữa.

Trong chiều hướng suy nghĩ đó, vài đề nghị gợi ý sau đây nói lên những bước cần nên làm đối với các nước hậu kỹ nghệ và những nước đang phát triển.

·         Trước hết, biện pháp làm giảm thiểu hay hạn chế sự hâm nóng toàn cầu là ưu tiên hàng đầu cho mọi quốc gia, đặc biệt đối với các quốc gia hậu kỹ nghệ. Ngân sách quốc gia cần được tăng cường trong nghiên cứu và cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các cơ xưởng công nghệ. Hạn chế hay nghiêm cấm các cơ sở sản xuất tạo ảnh hưởng tác hại đến lớp ozone trên bầu khí quyển. Điều cần phải làm trước nhất là "giáo dục" người dân ở những nước giảm bớt phung phí trong việc sử dụng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và chấm dứt việc phí phạm nguồn nước sinh hoạt. Chỉ trong một ngày vận động cho việc làm sạch bầu khí quyển bằng cách yêu cầu dân chúng sử dụng xe đạp hoặc đi bộ, hay dùng xe công cộng...thủ đô của Colombia đã giảm 27% lượng thán khí thải hồi so với mức sinh hoạt bình thường hàng ngày.

·         Định mức tiêu chuẩn tối thiểu mà cơ thể con người có thể chấp nhận được đối với các hoá chất, kim loại độc hại... trong không khí và trong nguồn nước cn phải được soạn thảo trên bình diện toàn cầu và phải có sự đồng thuận của tất cả. Một khi đã chấp thuận một định mức nào đó, mọi quốc gia đều phải chấp hành nghiêm chỉnh. Một thí dụ cụ thể cho tiêu chuẩn chấp nhận được của sự hiện diện của arsenic trong nước uống hiện tại là: 10ug/L cho Hoa Kỳ, 15 ug/L ở Pháp và 10 ug/L đối với tiêu chuẩn Liên hiệp Quốc, và nhiều nơi trên thế giới vẫn còn giữ định mức là 50ug/L nước. Từ những khác biệt trên có thể nảy sinh ra sự so bì và lơ là của các quốc gia trong việc bảo vệ môi sinh chung.

·         Các phát minh khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cần được thật thà trao đổi với các quốc gia đang phát triển. Trợ giúp các nước nầy trong việc trao đổi thông tin kỹ thuật, đào tạo kỹ thuật viên và khai triển các quy trình công nghệ có hiệu quả cao và an toàn cho môi sinh. Mọi phát minh mới cần được thông báo cho toàn thể thế giới để tránh sự thụt lùi và thâu ngắn cách biệt giữa các quốc gia giàu-nghèo.

·         Đối với những phát minh hoàn chỉnh, cần phải tiến hành nhanh giai đoạn thử nghiệm (prototype) và áp dụng tùy theo yếu tố xã hội - kinh tế - môi sinh cho từng vùng hay quốc gia. Làm được như thế sản phẩm vật chất sẽ được sản xuất nhiều hơn và chuyển tải đến những nơi có nhu cầu sớm hơn nhất là đối với các nước ở Phi châu, Á châu và Nam Mỹ.

·         Về nguồn nước, các nước hậu kỹ nghệ cần hạn chế hoặc thay thế việc sử dụng hoá chất trong các quy trình sản xuất hiện có và trong tương lai thay thế bằng những nguyên liệu có trong thiên nhiên để hạn chế hay giảm thiểu mức độc hại trong các phó sản thải hồi. Với chiều hướng nầy, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã thành công trong việc áp dụng vào sản xuất và thanh lọc phế thải. Duckweed (một  loại bèo) dùng để hấp thụ lượng nitrate trong nguồn nước đang được sử dụng rộng rãicây bạch dương (poplar) hấp thụ một số phế thải hữu cơ. Việc thay thế nguyên liệu hoá chất bằng các hợp chất thiên nhiên như dùng carbohydrate (sản phẩm có trong tiến trình chế biến phân gia súc) để thay thế hydrocarbon để chế tạo các loại plastic (như plastic tổng hợp từ bột bắp để bọc các loại sausage có thể tự hoại (auto-degradation) được trong thiên nhiên. Các việc làm trên cần được khích lệ và phát triển thêm bằng cách đẩy mạnh tài trợ cho nghiên cứu.

·         Giáo dục là ưu tiên hàng đầu để mọi người có thể đến gần nhau và cùng nói chung một ngôn ngữ trong lãnh vực khoa học kỹ thuật. Do đó các quốc gia đang mở mang cần đầy mạnh việc phát triển giáo dục ở cấp trung học chuyên nghiệp và đại học để tiếp nhận và trao đổi các công nghệ mới dễ dàng hơn.  Chính phủ, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu và tư nhân cùng hợp tác trong nghiên cứu và kiến thức cùng dựa trên tinh thần trao đổi chân chính.  Việc nâng cao dân trí người dân ở những nước đang phát triển trong việc bảo vệ môi trường sống chung quanh cần phải có sựhỗ trợ của cộng đồng các nước hậu kỹ nghệ qua IMF, WB... để bảo trợ tài chánh-nhân sự- kỹ thuật cùng thúc đẩy tiến trình cải cách.

·         Thông tin tin học, một khám phá tuyệt vời vào thập niên sau cùng của thế kỷ 20 cũng cần được đem ra áp dụng rộng rãi cho các nước chậm phát triển. Thế giới cần trợ giúp cho các nước trên thiết lập mạng lưới thông tin khoa học tân tiến nầy, tối thiểu ở trong môi trường đại học, nghiên cứu...để các sinh viên, nghiên cứu viên có điều kiện học hỏi, thu nhập những kiến thức mới để rồi áp dụng vào điều kiện cụ thể cho từng quốc gia một.

·         Dựa trên tiêu chuẩn toàn cầu, khi đã đồng ý ngưng hay cấm sản xuất một sản phẩm nào có khả năng tác hại lên con người như các loại thuốc sát trùng, các quốc gia hậu kỹ nghệ cần phải chấm dứt việc sản xuất và chuyển tải qua các nước đang phát triển vì nhu cầu lợi nhuận. (Câu chuyện xử dụng thuốc sát trùng Round up (glycosate) hiện đang là một tranh cãi ray rứt ở Liên hiệp Âu Châu là nên cấm hay tiếp tục cho dùng dù khoa học đã chứng minh là hóa chất nây gây ra ung thư cho con người). Việc làm nầy cần phải chấm dứt và thế giới cần phải quy định biện pháp chế tài cho quốc gia vi phạm. Sẽ không còn công dân hạng nhì trong thế kỷ 21 nầy! (Hóa chất DDT đã bị LHQ cấm sử dụng và sản xuất từ năm 1973, nhưng TC vẫn tiếp tục sản xuất và Việt Nam vẫn nhập cảng và hóa chất nầy là sản phẩm nền tảng cho hầu hết các loại hóa chất hỗn hợp dưới danh nghĩa hóa chất bảo vệ thực vật).

·         Sau hết, việc xuất cảng mọi phế thải kỹ nghệ dưới bất cứ hình thức nào cần phải chấm dứt. Đây là một hành động vô nhân đạo không thể tồn tại được cho thế kỷ 21, thế kỷ của hoà bình và môi trường xanh. Lãnh đạo của các nước đang phát triển cũng đừng vì nhu cầu ngoại tệ nặng cho quốc gia mà chấp nhận những loại phế thải độc hại trên. Các thế hệ sau đó sẽ không bao giờ tha thứ cho các hành động nầy.

4-    Trường hợp Việt Nam  


Từ giữa thập niên 80, chính sách kinh tế "Mở cửa" và "Đổi mới" tiếp ngay sau đó, đã khai mào cho một chu kỳ tăng trưởng mới cho toàn quốc, đặc biệt ở thành phố Sài Gòn và các vùng lân cận trong đó hầu hết các khu công kỹ nghệ đều tập trung vào và chiếm hơn 40% tổng sản lượng quốc gia.

 Tuy nhiên, có những mặt tiêu cực sau đây:

·         Nhiều dịch vụ phát triển quá nhanh chóng và không được điều nghiên kỹ lưỡng như việc thiết lập các trung tâm giải trí, khách sạn, sân golf...chỉ để phục vụ cho người giàu và người ngoại quốc tạo thêm ranh giới cách biệt giữa tuyệt đại đa số quần chúng;

·         Một số tư bản mới (đỏ) đã hình thành, từ đó phát xuất ra nhiều mâu thuẫn và hệ lụy tiêu cực trong hệ thống quyền lực - kinh tế - chính trị.

Chính hai mặt tiêu cực nầy đã là một trong nhiều nguyên nhân tạo nên khủng hoảng xã hội gần đây nhất và làm giảm dần mức tăng trưởng kinh tế từ 10% ở những năm đầu xuống đến 4% năm 1999, và sau đó không tăng trưởng được như dự tính, mặc dù Việt Nam vẫn còn quá nhiều nhu cầu sinh hoạt căn bản cần phải cung cấp cho người dân.



Việc tăng trưởng kinh tế - kỹ nghệ quá nhanh so với tốc độ trước khi có chính sách đổi mới, nhưng không đủ nhanh so với nhu cầu của quốc gia, tạo nên những biến động ảnh hưởng lên môi trường ở những vùng được phát triển mạnh.Tại các nơi trên, bầu không khí ngày càng ô nhiễm thêm. Thán khí cùng với nhiều kim loại độc hại như chì, thủy ngân và một số hợp chất hữu cơ nhẹ đã được ghi nhận. Nguồn nước bị ô nhiễm nặng đặc biệt ở các vùng tiếp nhận trực tiếp nguồn nước thải từ các nhà máy và hệ thống cống rãnh.

Nhìn chung tình trạng môi sinh ở Việt Nam đã đến mức báo động, nhất là ở các thành phố lớn mặc dù mức độ khai triển kỹ nghệ chưa phát triển tương xứng với nhu cầu của dân chúng toàn quốc mà chỉ tập trung vào một số thành phố lớn mà không lưu tâm hay quy hoạch đồng bộ tuỳ theo điều kiện của từng địa phương. Hiện nay vẫn còn khoảng 50% dân chúng tập trung ở các vùng nông nghiệp đang còn trong thời sơ khai của thời đại phát triển kỹ nghệ.

Nguyên nhân của việc trì trệ phát triển cho những năm gần đây cũng như hiện trạng ô nhiễm ở Việt Nam có thể được tóm tắt vào những ghi nhận sau đây:



·         Ảnh hưởng của sự sụp đổ của hệ thống Cộng sản ở Nga  và Đông Âu đầu thập niên 90 cùng với sự khủng hoảng kinh tế vùng Đông Á ở những năm gần đây (sau năm 1997…) làm cho quốc tế ngần ngại đầu tư vào Việt Nam;

·         Hệ thống tiền tệ chưa hoán chuyển được và thị trường chứng khoán cùng các luật định ngân hàng phức tạp và hay thay đổi thường xuyên, không bảo đảm tối thiểu cho công cuộc giao thương với bên ngoài;

·         Hệ thống ngân hàng không hữu hiệu, không thể hiện nhiệm vụ đúng đắn trong dịch vụ trao đổi và không có tính xuyên suốt trong báo cáo. Thống đốc ngân hàng Việt Nam mới đây đã nhận định rằng nhiệm vụ của ngân hàng là đáp ứng cho nhu cầu của quốc gia và dân chúng chứ không thi hành theo chỉ thị hoặc mệnh lệnh!

·         Mặc dù có sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Á châu (ADB), Quỷ tiền tệ thế giới (IMF), Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP)... về tài chánh và kỹ thuật cho việc nâng cấp và giải quyết các vấn nạn môi sinh ở Việt Nam do sự phát triển kỹ nghệ và nạn gia tăng dân số, nhưng hầu hết các hạng mục công trình trên còn nằm bất động trên hình thức các dự án khả  thi. Mức độ thi công tiến hành quá chậm do thủ tục hành chánh rườm rà và bất nhất cũng như các tệ nạn quan liêu khiến cho đôi khi dự án phải bị bỏ dở nửa chừng;


·         Việc phá hoại các rừng ven biển và dẫn nước mặn vào sâu trong đất liền để khai thác dịch vụ nuôi tôm là một trong những nguyên nhân cho sự nhiễm mặn. Ngay cả việc nuôi tôm, sau một vài mùa có thu hoạch cao, dịch vụ nầy lần lần đi vào phá sản vì tôm con bị chết quá nhiều vì hệ sinh thái thay đổi và môi trường sinh sống của tôm không còn đồng nhất như vùng nước mặn nguyên thuỷ. Ảnh chụp từ vệ tinh năm 1999 cho thấy khoảng 150.000 hecta ở ven biển Cà Mau, Bạc Liêu đã bị bỏ hoang trên gần 200.000 hecta đã khai thác trong khoảng năm năm gần đây! Từ xa xưa, các rừng tràm, đước, vẹt...đã phát triển vững mạnh trong vùnglầy, thiết lập một hệ sinh thái thiên nhiên vừa cân bằng và cầm chân nước mặn tiến sâu vào đất liền, vừa là môi trường sống thích hợp cho tôm cá; do đó tôm không thể phát triển được vì sự mất cân bằng trên;

·         Trong những năm sau nầy, lãnh đạo Việt Nam có khuynh hướng cứng rắn hơn trong việc điều hành quốc gia. Đường lối và chính sách hiện tại thể hiện sự bất an, bối rối trong quyết định trước những vấn nạn sinh tử cho đất nước. Nhưng việc đốt rừng tràm, rừng đước để chiếm đất nuôi tôm cá ven biển vẫn là một vấn nạn lờn hiện tại;


·         Có nhiều thành phần tham gia vào việc phát triển kinh tế - kỹ thuật ở Việt Nam. Đó là quân đội, công an, chính quyền, tư nhân, và ngoại quốc. Một khi đã nắm chặt quyền lực trong tay, cộng thêm với sức mạnh kinh tế, các thành phần có quyền lực trên có khả năng tạo ra nạn kiêu binh có thể gây xáo trộn xã hội mà lãnh đạo sẽ khó kiểm soát được. Điều nầy sẽ làm mất niềm tin và giảm thiểu mức đầu tư của dân chúng và nhất là đầu tư quốc tế;

·         Đối với các nhu cầu phát triển, điều tiên quyết là phải có sự bàn thảo và đồng thuận giữa chính quyền và các công ty tư nhân. Cho đến nay, mọi hợp tác giữa chính quyền - tư nhân - ngoại quốc chưa được đặt trên căn bản công bằng và đồng thuận do đó vẫn còn nhiều cản ngại trong việc giao thương quốc tế. Còn có nhiều thiên vị cho các đối tác có liên quan đến chính quyền. Công ty quốc doanh chiếm đa số vẫn còn được tài trợ và ưu đãi mặc dù làm ăn thua lỗ. Việc kiểm soát môi sinh còn quá lỏng lẻo đưa đến việc lơ là trong bảo quản và thanh lọc phế thải;

·         Một số dự án có tầm vóc quốc gia, đối tác được chọn chưa thu thập đầy đủ dữ kiện nghiên cứu tác hại môi trường, nhân sự chuyên nghiệp không đáp ứng được nhu cầu của công trình, do đó nhiều dự án phải bị bỏ dở nửa chừng;

·         Các công ty tư vấn ngoại quốc được Việt Nam mời đến để khai triển một số dự án kỹ thuật và tính khả thi trong từng điều kiện hiện có. Đôi khi, Việt Nam dùng tư cách chủ nhà để chỉ đạo dự án hay sửa đổi không đúng với quy cách kỹ thuật làm cho dự án khó được hoàn chỉnh. Và cũng có nhiều công ty ngoại quốc vì muốn được trúng thầu mà thiết lập dự án khả thi khi chưa hoàn tất hồ sơ điều tra cơ bản. Điều nầy làm cho phát triển Việt Nam trì trệ về thời gian, tài lực, và nhân lực, chưa kể đến việc làm mất niềm tin của người dân về thực tâm của những người có trách nhiệm!

Nhận diện được một số nguyên nhân căn bản đưa đến sự kiện chậm phát triển cho Việt Nam những năm gần đây, chỉ cần một ít động não, việc truy tìm giải đáp cho bài toán trên cũng không khó vậy.

5-    Thay lời kết

Trở về đất nước thân yêu của tất cả chúng ta, Việt Nam hiện tại là một dân tộc non trẻ, thông minh, chăm chỉ, hiếu học, cần cù, và có tinh thần cầu tiến. Trên 90% dân số đều biết đọc biết viết. Con số nầy quá cao so với các nước đang phát triển và có điều kiện xã hội tương tự như của chúng ta, nhưng ngược lại lợi tức đầu người vẫn còn thấp kém so với các quốc gia trong vùng.

Ti sao có sự nghịch lý kể trên?

Dĩ nhiên là phải có cái gì bất ổn cho đất nước. Đương nhiên nhà cầm quyền hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng ngày càng đi xuống hiện nay. Trên 42 năm sống trong hoà bình, thiết nghĩ cũng đủ dài để thiết lập một xã hội ổn định cho Việt Nam.

 Nhưng tiếc thay điều đó không xảy ra.

Theo bảng xếp hạng của UNDP, trong vòng 11 năm, từ năm 1991 đến 2002, chỉ số phát triển người (HDI) của Việt Nam từ mức dưới trung bình (0,498 năm 1991) tăng lên mức trung bình (0,688 năm 2002). Thứ bậc HDI của Việt Nam xếp thứ 109/173, còn GDP bình quân đầu người xếp thứ 128/173. Vào năm 2015, HDI giảm còn 0,666, xếp hạng 116/143 chứng tỏ rằng phát triển của Việt Nam giảm so với 13 năm trước đó, nghĩa là Việt Nam không đi đúng hướng trong việc phát triển quốc gia. Vì không đi đúng hướng cho nên hiện tại, 2017 đã có gần 300.000 kỹ sư tốt nghiệp vẫn không có việc làm thích hợp với kỷ năng của mình!

Hiện tại, trong nhiều lãnh vực kinh tế-kỹ thuật-khoa học-môi sinh, thế giới đang biến thành một quốc gia lớn, một trật tự mới đang hình thành. Trong bối cảnh đó, càng ngày càng thấy rõ ràng là mọi người đều có trách nhiệm. Những gì xảy ra tại Tây Tạng, Vân Nam đều trực tiếp ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long. 

Rốt ráo hơn nữa, mọi người Việt đều có trách nhiệm về tình trạng thụt lùi của Việt Nam.

Càng thiết tha, càng gắn bó với quê cha đất tổ càng thấy mình có trách nhiệm.

Trách nhiệm là nhận thức thực tiễn, và trên căn bản đó có những thái độ và hành động tích cực hơn cho đất nước.

Nói lên tiếng nói, tạo một âm vang, khuếch đại một xu hướng, tạo dựng sức ép, mỗi người mỗi cách, không sao kể xiết.

Nhìn lại đất nước, với hơn 65% lực lượng lao động thuộc thành phần trẻ tuổi, chúng ta đã có một trợ lực lớn có khả năng đưa đất nước lên cao. Tuổi trẻ Việt Nam, sau một giai đoạn ngắn tiếp cận với phong cách hành xử và giao thương quốc tế đã hiểu thêm và hiểu cặn kẽ về tự do-dân chủ. Từ đó tinh thần quốc gia dân tộc tăng trưởng nhanh chóng trong thành phần nầy.

Tuổi trẻ Việt Nam mong muốn có một đời sống kinh tế - tinh thần - tâm linh tương xứng với các đóng góp của chính mình.

Những rào cản ngăn cách trong tôn giáo - địa phương không còn là một chướng ngại để rồi cùng ngồi lại với nhau, không như các thế hệ cha ông trước kia.

Những cảm xúc trong tư tưởng, vết hằn trong quá khứ sau cuộc qua phân của đất nước phải nhường bước cho lối nhìn tích cực về triển vọng tương lai của quê hương.

Do đó, các mỹ từ vì thế hệ mai sau, vì chủ nghĩa anh hùng...không còn là một xúc tác tốt để hấp dẫn tuổi trẻ Việt Nam nữa.

Tuổi trẻ Việt Nam trân trọng bốn ngàn năm văn hiến của tiền nhân, nhưng tuổi trẻ hôm nay không vì niềm tự hào đó mà dừng chân lại để chiêm ngưỡng quá khứ.

Đừng cho đó là một cản ngại lớn cho sự bền vững của chế độ mà nên cùng nhau thay đổi đường lối và chính sách thích hợp với xu hướng toàn cầu. Cùng tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường làm việc thích ứng với tính năng động và hiếu học của tuổi trẻ.

Có như thế, cơ hội phát triển và triển vọng tương lai đồng đều cùng đời sống kinh tế-tinh thần có hy vọng được nâng cao sẽ là hai động cơ chính thức thúc đẩy tuổi trẻ mạnh bước tiến lên.

Cũng xin dừng rập khuôn tin tưởng vào văn hoá "coca cola" của Hoa Kỳ để mong được phát triển nhanh và đổi lấy một xã hội bất ổn về tinh thần và tạo ra xã hội băng hoại!

Tuổi trẻ Việt Nam đang lên đường.

 


________________________________________

Mai Thanh Truyết

https://maithanhtruyet1.blogspot.com/

https://www.facebook.com/envirovn

"Energy can neither created or destroyed, 

 it only transforms from one form to another" - Anonymous


                                                         

 

//////////////////////////////////////////////////