Ngày Nước Thế Giới 2016



 

 Hàng năm đến ngày 22 tháng 3, LHQ và các quốc gia trên thế giới tổ chức Ngày Nước Thế giới để duyệt xét lại tình trạng phân bổ và tình hình trong năm qua ở các quốc gia có nhu cầu được trợ giúp về nguồn nước sinh hoạt. Ngày Nước Thế giới đầu tiên đã được Đại hội đồng LHQ quyết định vào ngày 22/3/1993.


 

Chủ đề cho năm nay là "Nước và Việc làm" sẽ tổ chức vào ngày 22 tháng 3 tại tổng hành dinh của Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organization -ILO) tại

Geneva, Thụy Sĩ, nhằm mục đích khơi dậy sự lưu tâm của chánh phủ các quốc gia và những NGO trên thế giới về nhu cầu phát triển các chánh sách cần thiết để bảo đảm sự bền vững của nước và nguồn năng lượng cũng được lưu ý ở khắp nơi. Dưới đây là vài chủ đề cho Ngày Nước Thế Giới trong quá khứ:

2015 Nước và sự Phát triển bền vững - WATER AND SUSTAINABLE DEVELOPMENT

2014 Nước và Năng lượng - WATER AND ENERGY

2013 Hợp tác Nước - WATER COOPERATION

2012 Nước và An toàn Thực phẩm - WATER AND FOOD SECURITY

2011 Nước cho Thành phố - WATER FOR CITIES

2010 Phẩm chất Nước - WATER QUALITY

 

2009 Nước Xuyên Biên giới - TRANSBOUNDARY WATERS

 

Câu hỏi được đặt ra là "Tại sao phải có Ngày Nước Thế Giới?"



Ngày Nước Thế Giới là một ngày lễ quốc tế và là một cơ hội để tìm hiểu thêm về các vấn đề liên quan đến nước. Ngày nầy đã được xem như là một nguồn cảm hứng để nói lên cho mọi người khác và phải hành động để tạo sự khác biệt trước hiện trạng khan hiếm và phân phối không đồng đều nguồn nước trên thế giới. Lịch sử của Ngày Nươc Thế Giới đã được ghi nhận từ một quyết định của Đại hội đồng LHQ trong Hội nghị về Môi trường và Phát triển năm 1992.

Từ đó Ngày Nước Thế Giới đầu tiên là ngày 22/3/1993.  Và mỗi năm, Ủy ban LHQ về Nước, đơn vị điều hành và phối hợp chương trình hành động hàng năm nhằm đưa ra chủ đề liên quan đến nước và môi trường qua những dạng đặc thù của nước ngọt trên thế giới.  Chủ đề cho năm 2016 "Nước và Công Việc" nhằm mục đích "Nước cho Nhân loại và Nước vì Nhân loại ("Water for people, Water by people").

Thành viên gồm các quốc gia hay NGO tham gia sẽ tiếp nhận cơ hội để tìm hiểu thêm về chủ đề của Ngày Nước Thế Giới, nhận được bản cập nhật mới nhất về cách cộng đồng quốc tế nhận thức về vai trò của việc khai triển sự bền vững trong công cuộc thúc đẩy quyền con người đối với Nước và sẽ được mời tham gia vào chiến dịch nầy. Từ đó, các đại biểu cũng sẽ khám phá ra một số đặc trưng của Ngày nước thế giới năm 2016.

Trong chương trình cho ngày 22/3, Ông Carlos Carrion Crespo, thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khai mạc Hội nghị với chủ đề:"Nước và Công việc" liên quan như thế nào và việc khai triển chiến lược vi mô và vĩ mô cho các quốc gia đang phát triển.

Nước có thể tạo ra các kết quả về việc làm bền vững và đóng góp cho một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Nhưng vần đề là làm thế nào để bạn thuyết phục các chính phủ và các nhà tài trợ không chỉ để tham gia vào một chương trình nghị sự như trên mà làm thế nào để thực hiện các chương trình đó sau khi rời Hội nghị? Hội nghị sẽ kết thúc bằng một hội nghị "bàn tròn" (Round Table) nêu lên vấn nạn về ảnh hưởng của nước lên kinh tế quốc gia, quyền con người, giới tính, và các dân tộc có nguy cơ thiếu nguồn nước sinh hoạt v.v…

"Nước tốt hơn, Công việc tốt hơn" (Better water, better jobs)

Hiện tại, gần một nửa số người lao động trên thế giới - 1,5 tỷ người - làm việc trong lãnh vực liên quan đến nước và gần như tất cả các công việc phụ thuộc vào nguồn nước và các hệ thống chuyển vận bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, hàng triệu người làm việc liên quan đến Nước thường không được công nhận hoặc được bảo vệ bởi các quyền lao động căn bản.

Các chủ đề trong năm 2016 - Nước và Công việc - được xem như làm thế nào để phẩm chất và số lượng Nước có thể thay đổi cuộc sống và sinh kế của người lao động và thậm chí biến cải xã hội và nền kinh tế quốc gia.

Dự kiến chủ đề cho Ngày Nước Thế Giới năm 2017 sẽ là "Nước thải" (Wastewater), và năm 2018 là "Giải pháp cho Nước dựa vào Thiên nhiên" (Nature-based Solutions for Water". 

 

Một việc rất quan trọng vẫn còn là đề tài thảo luận cho năm nay là trở lại chủ đề của Ngày Nước Thế Giới 2008 là, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) nhấn mạnh rằng vệ sinh cá nhân và hệ thống phóng uế là chìa khoá của sinh mạng trẻ em, của sự tăng trưởng cơ thể và sự lớn mạnh. Cải thiện hệ thống phóng uế cần phải thực hiện cho 2,6 tỷ con người ở các quốc gia đang phát triển trên thế giới, trong đó trẻ em dưới 18 tuổi chiếm 980 triệu. Hàng triệu trẻ em chết hàng năm vì những chứng bịnh liên quan đến vệ sinh cá nhân có thể ngừa trước được.

 

Năm 2008, vệ sinh an toàn hệ thống phóng uế được UNICEF cổ suý nhằm mục tiêu:

 

- Giảm thiểu tỷ lệ chết non trong dân số toàn cầu;

- Giảm thiểu tỷ lệ chết non vì bịnh tiêu chảy (diarrhea);

- Tạo điều kiện trẻ em có mức dinh dưỡng khá hơn;

- Làm sạch môi trường;

- Có nguồn thực phẩm an toàn và cải tiến nguồn nước sạch;

- Giáo dục an toàn vệ sinh cho học sinh tiểu học;

- Tăng niềm tự trọng và quyền riêng tư cho mọi người nhất là đàn bà và con gái;

- Tăng cường mức lưu tâm và quan trọng của vấn đề vệ sinh cá nhân và khai triển một chính sách hành động trường kỳ.

 

Sau cùng, LHQ đề ra mục tiêu cố gắng để tất cả mọi người trên thế giới đều có nguồn nước sạch, và hệ thống phóng uế hợp vệ sinh vào năm 2016. Đó là:

 

- Hệ thống phóng uế là huyết mạch cho sức khoẻ: Có vào khoảng 120 triệu trẻ em được sinh ra hàng năm ở các quốc gia đang phát triển, trong đó hơn phân nửa sống trong điều kiện không có hệ thống phóng uế hợp vệ sinh, có nguy cơ ảnh hưởng lên sự phát triển và sự sống còn. Nguy cơ nầy đưa đến 88% trẻ em chết vì bịnh tiêu chảy. Theo một nghiên cứu của WHO, Cơ quan về Sức khoẻ LHQ, tại Phi Châu có thể tránh được hàng năm 173 triệu trường hợp bịnh tiêu chảy nếu hệ thống phóng uế đúng tiêu chuẩn được thiết lập. Hàng năm có 1,5 triệu trẻn em chết vì bịnh nầy; 

 

- Hệ thống phóng uế mang lại phát triển xã hội: Trường học có hệ thống nầy thúc đẩy sự liên tục đi học của học sinh nhất là nữ sinh. Một trong 4 nữ sinh bỏ học so với tỷ lệ một trên 7 so với nam sinh vì trường học không có hệ thống phóng uế. Nữ sinh phải đi xa nhà để lấy nước do đó không còn năng lực để đi đến trường, cộng thêm nhu cầu dùng nước cho nữ sinh nhiều hơn so với nam sinh vì điều kiện sinh lý của phái nữ;

 

- Hệ thống phóng uế là một nguồn đầu tư kinh tế quốc gia: Kết quả cuộc nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi tăng trưởng 10% trong số phụ nữ biết đọc, lợi tức kinh tế quốc gia sẽ tăng 0,3%. Phụ nữ được giáo dục sẽ biết nuôi con lành mạnh hơn, có sức khoẻ hơn, và có khả năng giáo dục con cái để tránh các bịnh hiễm nghèo như AIDS và các chứng bịnh xã hội khác. Tại Bangladesh, số nữ sinh ghi danh học liên tục tăng 11% khi có chương trình chính phủ xây dựng hệ thống phóng uế ở các trường học nơi đây;

 

- Hệ thống phóng uế giúp cho môi trường sạch hơn: Hiện tại, hàng năm thế giới sản xuất trên 200 triệu tấn phân người, và một số lượng lớn vô số phế thải lỏng và rắn không được xử lý và đi thẳng vào môi trường thiên nhiên. Có được hệ thồng phóng uế hợp vệ sinh sẽ giảm thiểu được sự thoái hóa của môi trường, hạn chế sự hủy diệt hệ  sinh thái và đa dạng sinh học cùng mang lại sự an toàn vệ sinh cho trẻ em cùng bảo đảm tương lai của chúng;

 

- Sau cùng hệ thống phóng uế có thể thực hiện được cho thế giới: Đã đến lúc thế giới cần phải hành động. Ước tính 10 tỷ Mỹ kim tiêu xài hàng năm trên thế giới cho đến 2016 để thiết lập hệ thống phóng uế hợp vệ sinh trên toàn thế giới có thể thực hiện được nếu chúng ta biết vận động hành lang các nguyên thủ quốc gia của các nước Tây Phương. Chi phí nầy chỉ chiếm dưới 1% của chi phí quốc phòng của các quốc gia trên thế giới.

 

Còn Ngày Nước Thế Giới năm 2014 với chủ đề:"Nước và Năng lượng" (Water and Energy) tập trung vào sự tương tác hổ tương giữa hai yếu tố trên, như việc sử dụng nước trong nhiệt điện và thủy điện, điện hạt nhân, hay các nguồn năng lượng sử dụng nước khác như năng lượng thủy triều v.v...và những dịch vụ dùng nước để chuyển tải nguồn năng lượng sản xuất được đến người tiêu dùng.

Nhân loại cần nước!

Nước là một nguồn phát triển bền vững.

 

  • Giảm thiểu nghèo đói;
  • Tăng trưởng kinh tế;
  • Và bảo vệ môi trường bền vững.

 

Nước còn đóng góp vào việc thăng tiến cuộc sống trong xã hội trong việc tạo dựng nguồn thực phẩm và môi trường lành mạnh ảnh hưởng lên hang tỷ người. Một vài thí dụ về việc tiêu thự nguồn nước để sản xuất ra thực phẩm. Nếu dùng 1 acre-foot nước (bằng 43.560 cubic feet hay 325.851 Gallons hay 1.233,5 m3) để canh tác chỉ thu được 47.00$US nếu trồng cỏ, 223.00 $US nếu trồng lúa, 258.00 $US nếu trồng bắp, 287.00 $US nếu trồng alfalfa, và 551.00 $US nếu trồng bông vải; trong khi thu được 1.875.00 $US nếu trồng cây ăn trái hoặc các loại hạt.

 

Chủ đề cho Ngày Nước 2015 là "Nước và Sự Phát triển Bền vững" (Water and Sustainable Development). Chiến dịch là cảnh giác mọi người lưu tâm về nguồn nước và vệ sinh cá nhân cho năm 2015 nhưng vẫn tiếp tục trong năm nay, 2016.

 

Ngày nầy còn là thời điểm để các quốc gia tiến bộ trên thế giới cố gắng hơn nữa để cải thiện một phần nào tình trạng thiếu nước cho những quốc gia có nhu cầu về nước như Phi Châu và một số vùng ở Á Châu, và Nam Mỹ…

 

Đây cũng là ngày động não cho mọi người về phương cách quản lý nguồn nước cho hợp lý!

 

 

 

Năm 2016, LHQ vẫn tiếp tục khai triển "Mục tiêu Phát triển Ngàn năm" (Millenium Development Goals), LHQ yêu cầu mỗi quốc gia cần phác họa chính sách phát triển mới với tham vọng thực hiện mục tiêu đề ra trên. Sự phát triển khoa học, công nghệ và sự đổi mới (innovation) những phương pháp sản xuất hầu tăng thêm năng xuất, giảm thiểu lượng nước dùng, và nhứt là giảm thiểu phế thải trong quá trình sản suất.

 

Nguồn nước trên thế giới

 

Để có thêm khái niệm về tình trạng nước trên thế giới, xin đan cử ra đây vài số liệu cần nên biết. Tổng sản lượng nước trên thế giới gồm: 97,5% nước biển (mặn) và chỉ 2,5% nước ngọt. Trong 2,5% nầy chỉ có 0,4% nước mặt gồm sông ngòi, ao hồ và hơi nước trong không khí, 30,1% nước ngầm, và phần còn lại là những tảng băng trải rộng ở Bắc và Nam cực.

 

 

Và sau cùng trong 0,4% nước mặt đó, có 67,4% nước ao hồ, 1,6% sông ngòi, 12,2% nước đã thấm vào đất, 9,5% hơi nước trong không khí, và phần còn lại gồm các vùng đất ngập nước (wetland). Trử lượng nước ở địa cầu không nhiều như chúng ta tưởng.

 

Sự phân bổ nước trên thế giới hoàn toàn không đồng đều do:

  • Điều kiện địa lý từng vùng,
  • Do sự lạm dụng của những quốc gia kỹ nghệ,
  • Và sự "nhắm mắt làm ngơ" không giúp đở các quốc gia nghèo của các "nước lớn".

 

Theo ước tính, có 70% lượng nước trên thế giới được xử dụng cho nông nghiệp, 20% cho kỹ nghệ, và 10% cho sinh hoạt gia đình. Hàng ngày, trong nhiều vùng ở Phi Châu, phần đông cư dân không có hơn một lít nước dùng cho sinh hoạt cá nhân; trong lúc đó ở Hoa Kỳ, mức tiêu thụ nước cho mỗi người dân có thể lên đến 700 lít cho một ngày; và người dân Paris tiêu thụ 100L/ngày.

 

Thêm nữa, sự gia tăng dân số kéo theo nhu cầu cần phải phát triển nông nghiệp, do đó việc tận dụng nguồn nước, nhất là nước ngầm sẽ là một nguy cơ làm cạn kiệt nguồn nước trong tương lai. Theo tính toán, muốn sản xuất 1 kg gạo cần phải tiêu tốn 6.000 lít nước. Trước mắt, các quốc gia đang phát triển phải trực diện với nạn gia tăng dân số vì không có khả năng ngăn chặn mức sinh sản của người dân, các nước nầy sẽ là những nạn nhân đầu tiên của nạn khan hiếm nguồn nước trên thế giới.

 

Ngày Nước Thế Giới và Việt Nam


 

 

Riêng tại Việt Nam, nguồn nước tương đối dồi dào. Tổng sản lượng nước mặt trung bình vào mùa mưa hàng năm là 800 tỷ m3, phần lớn do sông Hồng và sông Cửu Long cung cấp. Tuy nhiên, vào các tháng khô hạn, lượng nước chỉ còn lại khong 15 – 30% mà thôi. Về lượng nước ngầm, theo ước tính Việt Nam chứa khoảng 48 tỷ m3/năm và trung bình hàng năm, người dân xử dụng khoảng 1 tỷ m3 cho sinh hoạt. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ, nhu cầu tưới tiêu trong năm 2000 ở Việt Nam hàng năm là 76,6 tỷ m3 chỉ đủ cung ứng cho 80% đất trồng trọt trên toàn quốc (9,7 triệu hecta).

 

Do đó, vì sự phân bổ nguồn nước không đồng đều, cho nên nhiều nơi tình trạng thiếu nước cho nhu cầu nông nghiệp vẫn còn là một yếu tố cần phải giải quyết.

 

Vào ngày 1/3/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã công bố Ngày Nước Thế Giới và giao cho Cục Quản lý Tài nguyên Nước nhiệm vụ chuẩn bị kỹ lưỡng ngày nầy. Cục Quản lý Tài nguyên Nước "tuyên bố" sẽ giám sát các buổi lễ tổ chức kỷ niệm ngày Nước Thế giới năm 2016 trong hai ngày 21 và 22 tháng 3 tại thành phố Thanh Hóa ở phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, gồm ​​sẽ bao gồm một hội thảo khoa học, chương trình nghệ thuật, hội nghị quốc gia để đánh dấu Ngày Nước Thế giới và một số chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các ngày quan trọng.

 

Vẫn còn nhớ, trong Ngày Nước Thế giới năm 2003, Việt Nam cũng công bố một báo cáo về tình hình Nước ở Việt Nam, Ban Chỉ Đạo Quốc Gia (BCĐQG) đã công bố một báo cáo tương đối đầy đ, trong đó tình trạng về việc cung cấp nguồn nước sạch cũng như vệ sinh môi trường được diễn đạt bằng những số thống kê cùng một số dự phóng tương lai cho hai vấn nạn trên.

Nhưng có thể nói, tất cả những dự phóng, hỗ trợ của thế giới, hầu như không được đáp ứng và cải sửa vì não trạng "khó thay đổi" của những người đều hành đất nước hiện tại.

 

Nhìn chung, theo báo cáo của Việt Nam, thì nguồn nước ở Việt Nam đang bị ô nhiễm. Trên cả nước, chỉ có 40% dân chúng sống ở nông thôn xử dụng nguồn nước sạch.

 

Tuy nhiên, khẩu hiệu "to đùng" vẫn được hô hào  thường thấy trong các hội thảo hay "lễ hội" về vấn nạn Nước, đặc biệt trong Ngày Nước Thế Giới của Việt Nam hiện tại.

1. Nước cần năng lượng và năng lượng cần nước!

2. Nguồn cung nước và năng lượng là hữu hạn trong khi nhu cầu nước ngày càng tăng!

3. Tiết kiệm năng lượng là tiết kiệm nước, tiết kiệm nước cũng là tiết kiệm năng lượng!

4. Nhu cầu tiếp cận với dịch vụ nước sạch, vệ sinh và điện của tầng lớp người nghèo là rất cần thiết!

5. Nâng cao hiệu quả sử dụng nước và năng lượng trong mọi ngành, lãnh vực là mục tiêu bắt buộc của các chính sách điều phố, phối hợp và thống nhất!

6. Nước là máu của sự sống! Hãy bảo vệ nguồn nước!

7. Nước là tài nguyên quý giá! Cộng đồng hãy chung tay bảo vệ tài nguyên nước!

8. Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành đồng tái tạo nước!

9. Bảo vệ rừng là bảo vệ nguồn nước!

10. Vì tương lai quê hương đất nước, hãy tiết kiệm nước!

11. Giữ sạch nguồn nước vì sức khỏe của chính mình và của cả cộng đồng!

12. Nước sạch cho một thế giới khỏe mạnh!

13. Nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu của cuộc sống!

14. Khai thác hợp lý tài nguyên nước để phát triển bền vững!

Khẩu hiệu càng nhiều, càng phong phú bao nhiêu, nhưng việc thi hành hay thực hiện khẩu hiệu chỉ có...trên đầu môi chót lưỡi mà thôi!

 

Kết luận

 

Nguồn nhiễm bịnh mang lại từ phân của con người rất nhiều, từ các bịnh thiên thời (cholera) đến thương hàn (typhoid), từ các bịnh về gan như Viêm gan A,B, đến bịnh tê liệt (polio), và một số mầm bịnh do ký sinh trùng, vi khuẩn, cầu trùng khác v.v…

 

Mặc dù mục tiêu của LHQ là luôn đặt trọng tâm vào việc cung cấp nước sạch và thanh lọc nguồn nước sinh hoạt của các quốc gia nghèo, nhưng trên thực tế, theo các thông tin trên, rõ ràng sự phân bổ viện trợ cho hai vấn đề nước và hệ thống phóng uế hợp vệ sinh không được trong sáng và còn nhiều chỉ dấu bất công trong việc điều hàng ngân khoản của LHQ trong việc trợ giúp nầy.

 

Cũng cần kể thêm là LHQ cũng đã vấp phải nhiều quyết định sai lầm trong việc cung cấp nước sạch cho Bangladesh qua việc đào trên 4 triệu giếng vào thập niên 70, để rồi sau cùng kết quả hiện tại là hàng năm tại xứ nầy có trên hàng trăm ngàn người chết và hàng triệu người đang phải chịu đau đớn vì bị nhiễm độc arsenic do nước giếng gây nên. Điều nầy đã được tái lập ở Việt Nam hiện tại với trên 400.000 giếng đào và đã có chỉ dấu bịnh arsenicosis do bị nhiễm độc  arsenic  trên người dân ĐBS Hồng và ĐBSCL.


 

Tháng 6 năm 2002, một phương án đã được UNICEF đề ra tại Hội nghị Thế giới về Arsenic ở San Diego (CA) nhằm giảu quyết nạn nhiễm độc arsenic tại Bangladesh là thực hiện những hồ chứa nước vào mùa mưa mặc dù vũ lượng nơi đây chỉ có 250 mm nước mưa/năm mà thôi. Và chương trình đã hạn chế số lượng nạn nhân bị chết hàng năm vì bị nhiễm độc arsenic ở xứ nầy.

 

Cũng theo một tin tức công bố ở Thụy Điển,  một công ty Ấn Độ, Trung Tâm Khoa Học Mội Trường (Center of Science Environment) vừa đạt được giải thưởng Nước Sạch do tổ chức Nước Sạch Stockholm (Stockholm Clean Water) trao tặng qua công trình cải thiện nguồn nước dưới đề án:"Việc trữ nước mưa trong mùa khô". Giải nầy có gía trị 150.000 Mỹ kim và sẽ được Quốc Vương Thụy Điển trao tặng trong một buổi lễ diễn ra vào tháng 8/2005 tại Thụy Điển.

 

Qua hai thông tin trên, một lần nữa, biện pháp thiết lập hồ chứa nước mưa ở ĐBSCL đã được Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VAST) tại Hoa Kỳ cổ súy từ  năm 1999, với mục đích tránh nguy cơ nhiễm độc arsenic ở vùng nầy, phương pháp trữ nước mưa càng có thêm căn bản vững chắc hơn nữa vì vũ lượng vùng nầy khoảng 2.000 mm nước mưa hàng năm.

 

Đây là một biện pháp an toàn, dễ dàng thực hiện, và rẽ tiền nhất để hạn chế việc đào giếng, nguyên do của nạn nhiễm độc arsenic trong tương lai không xa vì theo một báo cáo của Viện đại học Cần Thơ năm 2011, là vào thời điểm nầy, hàm lượng arsenic ở nhiều nới đã vượt quá nồng độ cho phép của arsenic trong nước sinh hoạt là 10 ug/L (ppb).

 

Nhìn chung, tình trạng nước và môi trường nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam không được sáng sủa. Do đó hàng năm, nhân Ngày Thế Giới Về Nước, LHQ luôn luôn cảnh giác tất cả các quốc gia nhất là những nước đang phát triển cần phải chú trọng hơn nữa việc mang lại nguồn nước sinh hoạt sạch cho người dân, cùng hệ thống vệ sinh phóng uế cũng như những phương hướng bảo vệ sức khỏe bằng cách gìn giữ vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa ô nhiễm.

 

Riêng tại Việt Nam, vì nhu cầu phát triển quốc gia cho nên một số biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết không được chú tâm đúng mức. Và chính vì tình trạng nầy, ngày càng làm cho vấn đề môi sinh ở Việt Nam bị xuống cấp trầm trọng.

 

 

 

 

Hơn 40 năm qua, và nhứt là kể từ năm 1986 trở đi, Việt Nam bắt buộc phải mở cửa để cứu đói. Từ đó, việc phát triển vô tội vạ, phát triển không ứng hợp với việc bảo vệ môi trường, phát triển theo phương cách "ăn xổi ở thì" càng làm cho nguồn nước vốn dĩ đã quá dồi dào do thiên nhiên ưu đải; như hiện tại, năm 2016, nhiều chứng bịnh do arsenic như arsenicosis đã xuất hiện ở một số vùng phía Nam Hà Nội, nhiều chứng bịnh ung thư "lạ" xuất hiện, cũng như nhiều dòng sông từ Bắc chí Nam đều bị ô nhiệm nặng!

 

Chính vì sự phát triển không cân bằng với việc bão vệ môi trường cộng thêm cơ chế chuyên chính vô sản của CS Bắc Việt càng làm cho Đất và Nước mau đi vào ngõ cụt của Sự ĐÓI NGHÈO!

 

Mai Thanh Truyết

Ngày Nước Thế Giới 22/3/2016

________________________________________

Mai Thanh Truyết

http://maithanhtruyet.blogspot.com/

 "The future belongs to those who Believe 

    in the beauty of their Dreams". Eleanor Roosevelt -

 

//////////////////////////////////////////////////