Thư Gửi Cho Bạn

Anh Lâm Vĩnh Bình thân mến,

Sáng nay, mồng 1 Tết, ngồi viết cho anh đây. Tối qua, trong đêm giao thừa, tôi đi một vòng các chùa ở Houston. Đi đâu cũng thấy bóng dáng của các Thầy, các Sư cô đến từ…phía Việt Nam? Không biết tình trạng nầy ở Montreal như thế nào? Và tương lai, Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại và trong nước sẽ biến thái như thế nào hở anh?

Thư anh viết, anh đưa ra bốn vấn đề, tôi xin giải bày suy nghĩ chủ quan của tôi, mong có thể giúp gì trong cuốn sách "Giá Tự Do", một tài liệu về người Việt ở hải ngoại nầy chăng. Giống như anh, tôi là người Nam kỳ, nghĩ gì viết nấy người ơi. Nhưng dù sao đi nữa, những dòng chữ dưới đây là những suy nghĩ từ tận đáy lòng của một người con Việt, nghe anh!

 

Mong cuốn sách Giá Tự Do sớm được ra mắt để xóa tan những "dựng đứng" về người Việt hải ngoại do hai nhân vật từ trong nước là Nguyễn Huệ Chi và Hoàng Ngọc Hiến viết lại căn cước của người việt tị nạn trên thế giới năm 2002 qua chương trình "Reconstructing Identity and Place in the Vietnamese Diasposa" (Tái Xây dựng Diện mạo và Quê hương Người Việt ở Nước ngoài) do Trung tâm William Joiner (WJC) bảo trợ.

Tôi xin lần lượt nêu ra và góp ý từng câu hỏi một của anh.

Câu hỏi thứ nhứt: Nói về hội nhập của giới trẻ, người ta thường nói "mất gốc". Theo anh từ ngữ nầy hàm ý gì?

Xin trả lời: Cho tôi tạm chia làm hai loại giới trẻ. Ở lứa tuổi từ 15 trở lên, ngay sau 30/4/1975, có thể tạm gọi là thế hệ 1,5. Còn lứa tuổi dưới đó hoặc sinh sau 75, tạm gọi là thế hệ 2.

Sở dĩ phân hai loại để chúng ta nhận diện toàn cảnh tương đối hơn.

Ở thế hệ 1,5, các em đã học tiểu học và trung học đệ nhứt cấp ở miền Nam và sống trong căn bản gia đình theo cung cách Việt Nam. Do đó. dù muốn dù không các em cũng hấp thụ được phần nào văn hóa, phong tục, và giáo dục Việt Nam. Ra hải ngoại, đặc biệt là Hoa Kỳ, các bậc phụ huynh đang lần hồi hội nhập vào xã hội mới một cách khó khăn vì nhiều nguyên do, mà chánh yếu là do hội chứng "sau chiến tranh".

Còn các em ít bị hội chứng nầy, nhưng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng vì sống chung trong gia đình. Nhưng các em may mắn hơn, thứ nhứt vì còn trẻ, thứ hai còn đi học tiếp tục bậc trung học và đại học, tôi nhìn về khía cạnh đa số các em tiếp tục đi học. Từ đó, các em hấp thụ một nền văn hóa mở hơn của cha ông. Và suy nghĩ của các em có nhiều khác biệt so với các bậc phụ huynh.

Từ đó, các em dù muốn dù không cũng phải đối đầu và vẫn còn chịu ảnh hưởng do hai luồng "hội nhập" khác biệt, một của phụ huynh, và một của xã hội các em tiếp cận qua giáo dục và sống trong xã hội mới.

Chính vị vậy các em luôn luôn bị khó xử vì hai nguồn hội nhập có quá nhiểu điểm bất tương đồng, đôi khi "đối kháng" nhau. Vì vậy, tôi thấy việc hội nhập của em của thế hệ 1,5 nầy tuy có nhiều khó khăn so với thế hệ thứ hai, nhưng cuộc sống của các em tương đối ổn định hơn.

Ở thế hệ 2, các em hội nhập vào xã hội nhanh hơn, vì các em bắt đầu từ tiểu học ở Hoa Kỳ hay sinh đẻ tại đây. Lợi điểm về sinh ngữ Anh, lợi điểm về thông hiểu thêm về văn hóa xã hội HK trong việc học, giúp các em hòa nhập vào xã hội dòng chánh dễ dàng hơn. Đa số các em "dường như" nghĩ rằng không có biên giới màu da, không có biên giới chủng tộc ở đây. Các em tự cho mình là …người Mỹ!

Chính vì có suy nghĩ đó, cho nên khi về nhà, các em có xung đột với gia đình, với những bậc phụ huynh hay các anh chị lớn. Đôi khi, chính vì sự hội nhập "một chiều" (không hấp thụ văn hóa Việt Nam trong gia đình) cho nên nhiều sự đáng tiếc xảy ra cho thế hệ nầy trong gia đình, nhứt là vì ngôn ngữ bất đồng.

Đó là những nhận xét qua quan sát bên ngoài và trường hợp cá nhân của tôi. Khi tới Mỹ, tôi có 4 đứa tuổi từ 12, 8, 5 ½, và 2 ½. Có thể xếp vào loại "thế hệ 2". Nhưng tôi thấy sự hội nhập của mấy đứa con dường như đi chiều ngược; nghĩa là hai đứa sau, hoàn toàn không đi học ở VN, và chỉ biết nói tiếng Việt rất tệ lúc mới đến Mỹ, vì, sau khi sống một thời gian ở Mỹ, hai đứa sau nói tiếng Việt rành rọt, hơn anh và chị đã từng học tiểu học ở Việt Nam, nhưng nói kém hơn hai đứa em. Và nếu nói về hội nhập vào xã hội Mỹ, tôi thấy hai đứa lớn hầu như hoàn toàn hội nhập và cư xử trong nghề nghiệp hay thậm chí trong gia đình, chúng nó có cung cách của người bản xứ. Còn hai đứa sau, còn thể hiện nhiều nét Việt Nam hơn. Tôi cũng không hiểu tại sao có sự nghịch lý nầy? Từ trường hợp đặc thù trên, có thể cá tính và tánh khí của đứa trẻ có thể làm thay đổi cung cách hội nhập hay chăng?

Cho nên khi anh hỏi: "tôi nghĩ về từ ngữ "hội nhập" như thế nào? Có hàm ý gì?"

Câu trả lời của tôi là:

  • Tùy khả năng hội nhập của từng đứa, nhanh hay chậm, và tùy "tánh khí" mỗi đứa, và không có sự khác biệt về thế hệ ở mục nầy;
  • Tùy nguồn gốc gia đình của các em. Một gia đình có phụ huynh làm lao động hay nông dân, hoặc đánh cá… chắc chắn, khi các em hội nhập vào xã hội, nhiều phần đi theo hướng khác, không đặt trọng tâm giáo dục làm căn bản cho việc tiến thân của con cái;
  • Việc hội nhập của các em có thể tùy theo mức độ của "hội chứng chiến tranh" của cha mẹ. Nếu phụ huynh buông xuôi, chắc con cái sẽ hội nhập theo một cách khác, tôi muốn nói cung cách hội nhập "đường phố";
  • Một yếu tố đáng suy gẫm nữa là sự hiểu biết về nguồn gốc lịch sử dân tộc, nước non Việt Nam (địa lý). Trong gia đình, nếu phụ huynh giải thích cho con cái lý do tại sao các em có mặt ở Hoa Kỳ, nguồn cội cách xa của các em qua lịch sử hào hùng của ông cha, của tổ tiên v.v…các em trong trường hợp nầy dể đi vào dòng chính lưu mà không bị mặc cảm một dân tộc da màu hay thiểu số.
  • Yếu tố môi trường sống thiết nghĩ cũng dự phần không nhỏ trong "việc hội nhập của các em. Đó là, chỗ ở của gia đình, nghề nghiệp của cha mẹ, cũng như tình trạng tài chánh của gia đình, hoặc tình trạng hôn phối của các bậc cha mẹ v.v…

Tóm lại, tôi nghĩ hội nhập trong trường hợp của con cái tị nạn cũng như đa số người Việt gồm hai phần, trong giai đoạn đầu và trong giai đoạn thành đạt và có gia đình. Đó là giai đoạn "adaptation" và "assimilation", xin tạm dịch là giai đoạn "thích ứng" và "đồng hóa" (hay "xem giống như!").

Nếu các em rút ngắn được giai đoạn đầu mau hơn thì các em dễ dàng sống trong giai đoạn thứ hai, nghĩa là "hội nhập" đúng nghĩa.

Nhưng, theo một nghiên cứu của người Nhật, các em Nhật tự nhận là người Mỹ trong giai đọan đầu, Mọi việc tiếp tục được "hội nhập" như thế cho đến thế hệ thứ ba. Và từ đó, cháu của các em Nhựt Bổn ngày hôm nay, sẽ bắt đầu tìm hiểu về cội nguồn của mình, và sự hội nhập trong/vào xã hội Hoa Kỳ sẽ biến thành một phong trào …trở về nguồn.

Chưa biết con cháu mình sẽ biến thái như thế nào? Trong 30 năm nữa? Hay 60 năm? (nếu cho một thế hệ kéo dài 30 năm).

Câu hỏi thứ hai: Người Việt các thế hệ sau chọn ngành học như thế nào?

Trước khi trả lời câu hỏi trên, tôi xin trích những lời tôi nói với các con tôi trong một bài viết cũ, để anh thấy quan điểm của tôi về việc "giáo dục" con cái và ảnh hưởng lên việc chọn ngành của thế hệ 2 như thế nào. Tôi có 4 đứa con.Tôi hoàn toàn không "dạy dỗ" con cái về chữ nghĩa cũng như không "áp đặt" con cái trong việc chọn ngành học…

"Nói với các con tôi: Ở tuổi nầy, Ba muốn viết một vài lời đầu tiên về các con, hy vọng các con có điều kiện đọc. Ba có 4 đứa con. Hai đứa đầu là do ước nguyện có được đứa con trai và một đứa con gái. Trời Phật đã hoàn thành ước nguyện của Ba. Hai đứa sau, Ba thật thà xin lỗi, sinh ra các con trong điều kiện tối tăm của đất nước và không nằm trong ước muốn của Ba.

Tất cả 4 đứa đều được sinh ra trong tình trạng tốt, không bịnh tật bẩm sinh, có trí não bình thường và hiện đang có đời sống gia đình và chuyên môn ổn định trên đất tạm dung nầy. Tất cả đều do phước đức của ông bà, cha mẹ dành cho Ba và các con. Các con cần nên nhớ lấy. Các con có được ngày hôm nay là nhờ ơn phước ông bà tổ tiên là chính, và sự cố gắng của các con chỉ là phụ. Các con đừng tự mãn và xem thường hay khi dễ nhưng bạn bè trang lứa không làm được như mình. Đức khiêm cung luôn luôn và bao giờ cũng là một đức tánh của một người có giáo dục. Ba dặn các con như thế đó!

Trong tất cả 4 đứa, Ba chưa hề dạy bảo các con, chưa hề đánh đập các con cho dù là một cái tát nhẹ, cũng như Ba chưa bao giờ kèm cho các con một bài toán hay một câu văn. Có chăng là Ba chỉ dạy Trường, đứa con đầu đàn của Ba là "mỗi lần đi học về phải để giày cho ngay ngắn, chiếc mặt để bên tay mặt và chiếc trái, bên tay trái". Chỉ có vậy thôi.

Nếu nói đến việc dạy dỗ các con, Ba có thể nói rằng Ba dạy các con bằng chính con người của Ba, bằng chính sự bất toàn của Ba, bằng chính sự đúng và không đúng mà Ba đã làm suốt trong thời gian sống chung với nhau và các con đã thấy.

Về kỷ niệm, Ba có rất nhiều kỷ niệm đáng ghi nhớ với các con, nhưng Ba chỉ nêu ra đây, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, mỗi đứa một hình ảnh đáng ghi nhớ.

·         Đối với Trường, khi nhà mình còn ở Sacramento và Trường học lớp 8. Trong thời điểm thập niên 80, cuộc thi SAT có dành cho lớp tuổi nầy. Ba đã cho con đi thi về Toán. Con được điểm cao so với tuổi và được học bổng cho lớp học hè ở UC Berkeley. Nhưng vì lúc đó, Ba mới qua Mỹ, nhà còn nghèo và không có nhiều bạn bè quen, cho nên không thể gửi con đi học được. Kỷ niệm nầy Ba còn nhớ mãi.

·         Với Thảo, một kỷ niệm khác ở Fresno, nói lên phản ứng và tánh khí của một đứa con gái "cứng rắn và độc lập". Số là khi Ba chỉ vẽ cho anh và em của con cách thay nhớt xe. Ba bị Thảo hỏi một cách giận dữ:"Tại sao Ba không chỉ cho Thảo?" – Ba trả lời:"Vì con là con gái quá yếu không thể mở con ốc dưới lườn xe được". Sau cách giải thích đó của Ba, con mới dịu giọng và chấp nhận. (Thảo lúc đó mới 16 tuổi và chỉ cao 1,45 m mà thôi).

·         Về Thiện, con giống Ba nhiều nhứt. Ra đường dù không giới thiệu ai cũng biết đó là con Ba. Trong nhà, con là đứa con chậm chạp nhứt nhà, nhưng lại là đứa con "homme à tout faire". Con làm bất cứ việc gì trong nhà, từ trồng cây, sửa điện, gắn sprinkler, sửa xe, thậm chí lót sàn nhà nữa. Con làm quá nhiều việc, và mỗi khi cần là "sai" con ngay cả khi con không còn ở chung. Một kỷ niệm Ba không quên khi Ba còn ở San Diego và con học ở UC Davis. Ba đang viết bài trên computer, bỗng nhiên bài vở chữ nghĩa biến mất mà Ba không biết cách "retrieve" lại. Ba bèn kêu con, nhưng vì Ba không thể hiểu những lời giải thích cho nên, cuối cùng con phải chạy một đoạn đường dài 450 dặm về nhà để sửa và lấy bài viết ra cho Ba. Và làm sao Ba quên được những con tôm hùm con mang về cho Ba mỗi lần con dẫn sinh viên đi lặn để làm survey dưới đáy biển ở San Diego. Tên con do Bà Nội đặt đó.

·         Còn đứa Út của Ba, Triều. Năm 1997, con ra trường trung học được "valedictorian". Ngay sau ngày dự lễ ra trường của con, Bà liền viết một bức thư niêm phong, đại ý nói là vào tháng 6 năm 2007, Ba tin "chắc" con sẽ có Ph. D. về khoa học. Và đúng tháng 6 năm 2007, Ba đã trao cho con lá thư trên cho con tại buổi lể tốt nghiệp tại UC Santa Cruz.

Ba hãnh diện về mấy đứa con của Ba.

Các con thương yêu,

Những dị biệt về tánh khí, về suy nghĩ, về cung cách ứng xử với tha nhân và với đời, những bất đồng trong giao tiếp giữa Ba và Con, tất cả chỉ là hình tướng, không thể nào xóa được nguồn huyết thống đang luân lưu trong máu huyết, cũng như không thể nào bào mòn hay cắt đứt sợi dây tình cốt nhục của Ba và các con.

Các con đã trưởng thành, đã có gia đình riêng, và mỗi gia đình các con là một thành tố của xã hội. Sự thành đạt của các con ngày hôm nay chính là nhờ xã hội; vì vậy, trả nợ xã hội đã cưu mang các con là một bổn phận, một trách nhiệm các con cần phải thi hành.

Một mai, khi Đất Nước qua cơn hồng thủy, và để đền ơn Tổ tiên đã dày công dựng nước và giữ nước, các con có điều kiện thuận lợi hơn Ba trong quá khứ, các con cứ "sống lương thiện và cố gắng mang lại phúc lợi cho xã hội tùy theo khả năng của mình."

Ba chỉ mong cho các con sống cho ra sống, sống với cái TÂM và cái TẦM. Tâm là một Tâm lành trong việc góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội đã cưu mang cá nhân và gia đình mình. Tầm là viễn kiến về một tương lai an bình cho dân tộc Việt trong tinh thần của một con dân trọng nước thương nòi.

Như vậy là các con đã làm Ba hãnh diện vì đã có những đứa con đúng là con cái của Việt tộc".

Thưa anh, theo tôi, các em thuộc hai thế hệ 1,5 và 2 chọn ngành học tùy theo từng hoàn cảnh.

Khi mới định cư vào Hoa Kỳ, các em ở thế hệ 1,5 chọn nghề:

  • Vì mới được định cư, các em, nhứt là con đầu thường hay chọn nghề Kỹ sư để ra đi làm hầu mong làm dịu bớt gánh nặng cho cha mẹ. Lý do là sau đó, các em lại tiếp tục đôn lên đại học.
  • Nếu có góp ý hay hướng dẫn của cha mẹ, các em ở thế hệ nầy "thường hay" nghe theo để chọn một nghề theo quan niệm bảo thủ của phụ huynh như kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ v.v… vì các nghể nầy bảo đảm đời sống gia đình trong tương lai.

Còn các em ở thế hệ 2 thì sao?

Thiết nghĩ, các em nầy, vì tiếp cận nhiều với bạn bè trong trường cho nên có suy nghĩ phóng khoáng hơn, chọn ngành học theo sở thích (vì nghĩ rằng mình thích và có khả năng học được). Do đó, thường hay chống đối lại những lời khuyên của phụ huynh, nhứt là khi các em chọn ngành học về nhân văn.

Tình trạng nầy dần dần ít xảy ra hơn theo thời gian vì: 1- Các em nhận thức rõ khả năng và năng khiếu của mình, cho nên việc chọn ngành học tương đối thích hợp hơn; 2- Các bậc phụ huynh cũng bớt đi tánh "bảo thủ" và "áp đặt" đối với con cái vì nhận thấy xã hội đang sống có nhiều thay đổi và khác hơn xã hội Việt Nam trước đây. Do đó, quan niệm cũng "khai phóng" hơn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ làm cho cuộc sống của các em thăng hoa hơn hay đi tới kết cuộc bi thảm cần nêu ra đây để những bậc phụ huynh tương lai rút kinh nghiệm và các em ở thế hệ sau rút tỉa vài bài học sau đây qua các câu chuyện thật làm "case study":

  • Có em ở thế hệ 1.5 cố gắng đi học một nghề vững chắc như Kỹ sư rồi ra đi làm việc. Vài năm sau, tự thấy nghề nầy không thích hợp, tự động trở về trường học lại nghề y. Và em nầy trở thành một bác sĩ tim giỏi và yêu nghề.
  • Một trường hợp có kết luận bi thảm là, các em chìu theo ý cha mẹ để học theo ngành nghề cha mẹ muốn như y khoa chẳng hạn. Em cố gắng học cho đến năm cuối cùng. Nhưng rốt cuộc vì một cơn khủng hoảng nào đó, em bỏ học, và xung đột với mẹ. Cuối cùng, em bóp cổ mẹ và chịu chung thân trong nhà tù.
  • Thêm một trường hợp khác là em chìu theo cha mẹ. Nhưng khi hoàn tất ngành nghề cha mẹ muốn. Em đem bằng cấp về cho ba má. Rồi từ đó bỏ đi, học một nghề khác mà mình thích.

Qua các trường hợp đã xảy ra kể trên, chúng ta kết luận được gì?

Việc chọn ngành học của con cái có cần phải có sự đóng góp của bậc sinh thành hay không? Hay để con cái tự chọn lựa?

Câu trả lời là Không.

là vì bậc cha mẹ (có một trình độ văn hóa và giáo dục căn bản) vẫn là một cố vấn tốt cho con em, qua kinh nghiệm trường đời, và nhứt là hiểu được tánh nết và sở thích cùng năng khiếu của con mình (qua nhận xét trong thời gian dạy dỗ của bậc phụ huynh). Sự chọn lựa ngành học của con cần phải được cha mẹ góp ý. Sự góp ý nầy rất cần thiết khi phụ huynh có căn bản và trình độ giáo dục cao, hiểu được hệ thống giáo dục nơi đinh cư. Đây là một kịch bản tối ưu cho con em khi bước vào đại học.

Còn Không là khi cha mẹ không đủ khả năng để có ý kiến về việc học của con mình; tốt hơn hết là khuyên con rất cẩn thận trong việc lựa chọn. Sự đóng góp của cha mẹ trong trường hợp nầy chỉ là phụ, ngoài việc khuyến khích con cái tham khảo kỹ lưỡng từng ngành học cũng như nhắc nhở con cân nhắc chọn lựa ngành học qua khả năng nội tại của mình hơn là ngành học theo ý thích của con em, hay tệ hơn nữa là bắt con em chọn ngành theo ý của cha mẹ.

Tóm lại, sự lựa chọn ngành học của thế hệ 1,5 thường nghiêng về khoa học thực nghiệm hơn, và thế hệ 2 nghiêng về khoa học nhân văn hay xã hội nhiều hơn…vì gánh nặng kinh tế gia đình của thế hệ sau có phần vơi đi vì nền tài chánh gia đỉnh có phần ổn định hơn.

Sự chọn lựa ngành học trong tương lai sẽ không còn đặt tiêu chuẩn "tiền lương kiếm được", và tiêu chuẩn MỚI sẽ là một nghề thích hợp với khả năng, một nghề mình yêu thích, và cũng là một nghề đem lại ít nhiều đóng góp cho tha nhân. Nghề đó có thể là một nhà tâm lý, nhà văn, nhà thơ, một nhà hài kịch, một nhà địa lý, viết sử, một nhạc công, một nhà thiện nguyện…

Hy vọng trong tương lai, các thế hệ 3,4 sẽ không còn tập trung vào các nghề y, nha, dược, luật…đang bị "ối đọng" trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, và cũng gây không ít tai tiếng không đẹp đối với xã hội chúng ta đang còm tạm dung.

Câu hỏi thứ ba: Anh có về giúp cho sự phát triển khoa học kỹ thuật Việt Nam?

                           Nếu không tại sao?

 

Thưa anh,

Đây là một câu hỏi tôi thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta, nếu còn một chút nhứt điểm lương tâm cũng đều ray rứt với suy nghĩ nầy. Là một người con Việt, lại thêm có một ít vốn liếng khoa học kỹ thuật, trong hơn 20 năm qua, tôi thao thức rất nhiều về chuyện đóng góp cho Đất và Nước trong giai đoạn hiện tại (dưới sự quản lý của CS Bắc Việt). Những thao thức đó, xin được đan cử cùng anh dưới đây:

  • Năm 1997, chúng tôi dưới danh nghĩa Forum Mekong đã làm một Hội thảo về "Sông Mekong: Mối nguy cơ trong việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn" quy tụ các nhà nghiên cứu Cambodia, Việt Nam, và Hoa Kỳ (Vietnam Forum Network-VFN). Một Bạch thư đúc kết sau đó đã được gửi đi đến hơn 40 quốc gia và Cơ quan quốc tế có liên quan đến dòng sông Mekong.
  • Năm 2001, sau khi nhờ thân nhân, bạn bè hoặc người quen lấy mẩu nước và đất từ Bắc chí Nam trong vòng 2 năm, rồi sau đó, phân tích tại Hoa Kỳ. Kết quả đã được đúc kết sơ khởi và công bố trên tờ nhựt báo Orange County Register (Cali), được đăng trên trang A1 và nguyên trang A3 với kết luận như sau:"nguồn nước sông ngòi và nước ngầm ở một số vùng ở miền Bắc, và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu bị ô nhiễm arsenic (thạch tín) với hàm lượng >/< 10 ug/L" (hàm lượng cho phép sự hiện diện của arsenic trong nước uống là 10ug/L). Sau đó, cá nhân tôi bị đánh phá với kết luận của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam thời bấy giờ là Phan Thúy Thanh rằng:"Tôi vô cảm với 300.000 nông dân ĐBSCL". Thực tế, vào năm 2005, qua sự nghiên cứu của một khoa học gia Thụy Sĩ, Thủ tướng CS Phan Văn Khải tuyên bố tình trạng ô nhiễm arsenic đến mức báo động và nhiều vùng ở phía Nam Hà Nội hiện tại (2013) đang bị chứng arsenicosis, giai đoạn đầu của việc nhiễm độc trước khi trở thành ung thư sau đó…
  • Năm 2004, qua kinh nghiệm gần 20 năm trong việc thanh lọc phế thải rắn và lỏng, đặc biệt là nước rỉ (leachate) từ các bãi rác tại Hoa Kỳ, tôi đã cung cấp cho Khu chế xuất Tân Thuận (Sài Gòn), khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam, một quy trình thanh lọc nước thải lỏng "trung tâm" có khả năng giải quyết  250.000 lít nước thải/ngày, để tập trung giải quyết nguồn phế thải lỏng của hơn một chục nhà máy hóa chất  tại nơi đây. Nhưng cho đến nay, nước thải từ các nhà máy trên vẫn được…tự do đi thẳng vào sông rạch hoặc thấm vào dòng nước ngầm.
  • Tôi đã nhiều năm trực tiếp theo dõi và tranh biện với các khoa học gia "bè bạn" với CS Viêt Nam trên thế giới trong vụ kiện Chất độc Da Cam bằng trao đổi qua email hay điện thoại trực tiếp, hoặc trên Đài Á châu Tự do (RFA), cùng trên 30 lần phát biểu hàng tuần về vấn đề chất Da Cam/Dioxin torng chiến dịch Ranch Hand của quân đội Hoa Kỳ trong thời gian 1961-1971 trong Chương trình Khoa học-Môi trường trên Đài RFA. Những phản biện trực tiếp sau đó với BS Nguyễn Thiện Nhân trong lần BS trình làng các nạn nhân chất độc Da cam ở San Francisco. Kết luận của chúng tôi dưới danh nghĩa Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Vietnamese American Science & Technology Society-VAST) là:"Nạn nhân của những chứng bịnh dị hình dị dạng (mà CS Bắc Việt kết án là do chất Da Cam) là do việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật quá tải trong việc phát triển nông nghiệp và hóa chất không ứng hợp với việc bảo vệ môi trường." Luật sự đại diện cho 37 Cty hóa chất Hoa Kỳ bị kiện trong vụ kiện của Hội Nạn nhân Chất độc Da Cam Việt Nam tại Brooklyn, New York, và hai chuyên viên về độc tố đã phỏng vấn tôi tại nhà trong hơn 4 tiếng hồ, cũng như mang về nhiều tài liệu do VAST cung cấp để phản biện lạ phía nguyên đơn là việt Nam. Cuối cùng tòa án bác đơn kiện vào ngày 10/3/2005 và sau đó Tối Cao Pháp Viện ra lệnh hủy bỏ hoàn toàn vụ án năm 2009, chấm dứt chiến dịch tuyên truyền của CS Bắc vIệt. Và cuốn sách "Câu chuyện Da Cam/Dioxin Việt Nam" đã được xuất bản năm 2008.
  • Câu chuyện dự án khai thác bauxite ở cao nguyên Trung phần bắt đầu từ năm 2008, tôi đã mở cuộc họp báo đầu tiên ở Orange county (California) ngay sau đó, cũng như đi vận động nhiều nơi ở Hoa Kỳ, Pháp, và Canada. Cuốc sách "Từ Bauxite đến Uranium: Tiến trình Hán hóa của Trung Cộng" do TS Phan Văn Song, GS Trần Minh Xuân, và người viết do Gia đình Nguyễn Ngọc Huy xuất bản năm 2010. Sách đã được tái bản năm 2013. Cho đến nay, chưa có một phản biện nào về phía Việt Nam cả. Năm 2012, Hội VAST đã mở Hội thảo nói về hiễm họa môi trường do việc khai thác Bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ. Sau đó, một hồ sơ Bauxite Việt Nam do VAST soạn thảo được gửi đi đến các cty liên quan đến việc khai thác như Alcoa (Hoa Kỳ), Rio Tinto (Anh và Úc), cùng Chương trình Môi trường LHQ (UNEP). Tháng 8/2011, người viết mở cuộc họp báo với Hiệp hội Ký giả tư Hoa Kỳ tại San Francisco báo động cho truyền thông bản xứ về nguy cơ bùn đỏ ở Việt Nam.
  • Năm 2012, cuốn "Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam" ra đời và đã được tái bản năm 2013, trong đó nói lên tất cả hiện trạng môi trường đang xảy ra ở Việt Nam và nhưng gợi ý giải quyết vấn đề, từ nước mặt cho đến nước ngầm, từ đất cho đến không khí, từ việc giải quyết các nguồn phế thải rắn và lỏng cho đến vấn đề thực phẩm bị nhiễm hóa chất v.v…
  • Từ năm 2009, tập sách "Thư Cho Con Tập 17" nói về những hiện trạng chánh trị, kinh tế, và môi trường đang xảy ra ở Việt Nam do GS Trần Minh Xuân và người viết, mỗi năm ấn hành 2 Tập, trong đó mỗi tập chứa khoảng trên dưới 600 trang. Cho đến nay, Tập Thư Cho Con thứ 22 đang sửa soạn xuất bản vào tháng 3/2014.
  • Và hiện tại, người viết đang hoàn tất 2 tập sách "Việt Nam Tương Lai: Những Việc Cần Phải Làm" Tập I và II, mỗi tập dày khoảng 400 trang sẽ ra mắt độc giả vào khoảng tháng 8 năm nay. Sách do Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam ấn hành, trong đó đặt trọng tâm vào ba chủ đề cho việc phát triển Việt Nam tương lai, một mai nước nhà có tự do, dân chủ, và nhân quyền. Ba chủ đề trên là do sự đúc kết trên 23 năm hoạt động của VAST, trong đó vấn đề y tế công cộng, giáo dục, môi trường, và sự phát triển ứng hợp với chiều hường cầu hóa và việc bảo vệ môi trường được đào sâu và nêu lên hướng giải quyết cụ thể từng vấn nạn một.

Như vậy, thưa anh, có phải là tôi đã và đang đóng góp cho Việt Nam hay đúng hơn cho người dân sống trong nước không anh? Sự đóng góp nầy không cần phải có mặt ở Việt Nam. Và những việc làm của tôi trong hơn 20 năm qua đã bị một số người Việt ở hải ngoại cho là "vẽ đường cho hươu chạy!"

Hy vọng anh thỏa mãn những lời biện bạch của tôi trong câu hỏi nầy.

Câu hỏi thứ tư: Thống kê cho thấy người Việt Nam có nhiều cái "nhứt": học vấn kém nhứt, lương bổng thấp nhứt, thất nghiệp nhiều nhứt, hưởng trợ cấp xã hội nhiều nhứt, ngưới sống dưới ngưỡng cửa nghèo đông nhứt, nhưng gởi tiền về Việt Nam nhiều nhứt? Làm sao giải thích và giải quyết những cái nhứt nầy?

 

 

So sánh tỉ lệ trình độ học vấn của người Việt 25-64 tuổi

 

Trung học +

Cử nhân +

Mỹ (tổng quát)

85.6

28.2

Việt Nam

70.3

25.8

Ấn độ

90.8

70

Phi luật Tân

92.2

47

Trung Quốc

82

51.1

Hàn Quốc

92.3

52.6

Nhật

95.2

46.1

 

Những cái nhứt của người Mỹ gốc Việt

 

VN

TQ

Ấn

Phi

Nhật

Hàn

Số năm học

11.8

13.9

15.5

14.1

14.4

14.5

Lợi tức gia đình (000)

52

65

89

77

65

50

% thất nghiệp

10.6

7.9

8.1

8.2

4.7

8.4

% dưới mức nghèo

15.5

13.7

8.6

6

7.8

15.6

% nhận trợ cấp công*

14

7.1

3.8

3.7

2.3

5.9

% gởi tiền về VN

70

30

49

67

16

21

* Gồm: Cash public assistance income+ Food stamps

Nguồn: US Census 2010- American Fact Finder

Sperate and Equal / John Logan, Table 2.

 

Nhìn Bảng thống kê "Những cái nhứt của người Mỹ gốc Việt" trên đây, tôi thấy cần phải xét lại giá trị của những con số thống kê vô tình nầy. Vô tình là vì những con số nói trên thể hiện rõ tình trạng của từng cộng đồng thiểu số đang sống tại Hoa Kỳ. Trong 5 quốc gia đan cử như Ấn, Phi, Nhật, Hàn và Trung Cộng để so sánh với Việt Nam, họ là những người di dân chính thức ngoại trừ một đại thiểu số người Trung Hoa là tị nạn chính trị mà thôi.

 

Trong lúc đó, tuyệt đại đa số cộng đồng người Việt đến dưới danh nghĩa tị nạn chánh trị như di tản năm 1975, vượt biển, vượt biên những năm sau đó (gồm nhiều thành phần trong nhiều giai tầng xã hội khác nhau như thợ thuyền nông dân, đánh cá v.v…), hoặc đến Mỹ qua chương trình H.O. sau một thời gian dài bị khổ sai trong những trại "học tập". Một thiểu số đến Mỹ qua chương trình Đoàn tụ gia đình (ODP). Những năm gần đây, còn có một thiểu số khác đến Mỹ vì lý do học tập (rồi ở lại luôn), hay kinh tế (liên quan đến gia đình hay cán bộ cộng sản).  Theo thống kê năm 2010, số người Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ là khoảng 1.780.000 người sống tập trung nhiều nhứt ở California, Texas, Virginia, và rải rác ở khắp nơi trên đất Mỹ.

 

Nhìn vào thành phần phức tạp của cộng đồng Mỹ gốc Việt, chúng ta nhận thấy "mẩu" thống kê nơi đây không đồng nhứt so với 5 cộng đồng thiểu số được so sánh. Đa số người Việt nơi đây, không ít thì nhiều chịu đựng "hội chứng" và "hậu chấn" của cuộc chiến do cộng sản Bắc VIệt gây ra, cùng nhiều năm chịu đựng sự hành hạ, lao động khổ sai trong điều kiện đói, lạnh, và sự tra tấn dã man của cộng sản trong các trại gọi là "học tập".

 

Thưa anh,

 

Chính vì vậy, tôi thấy cần phải nhìn lại những cái "nhứt" mĩa mai trên. Và người Mỹ gốc Việt đáng được "giảm khinh" trong việc phê phán.

 

Tôi xin trả lời và phân tích chủ quan về 5 cái "nhứt" của người Việt lưu vong tại Hoa Kỳ:

 

  • Trình độ học vấn: Với thành phần cộng đồng như kể trên, người Việt có trình độ học vấn gần hết lớp 12 của bậc trung học là đã có nhiều cố gắng lắm rồi. Hình dung một người cha phải chịu hàng chục năm trong chốn lao tù, mẹ và một lũ con không được đến trường và sống lây lất trong nhà tù lớn ở Việt Nam. Khi qua Mỹ, những người nầy có còn khả năng nào để làm việc và đóng góp gì nữa cho xã hội Hoa Kỳ? Thế mà, đa số vẫn ráng vươn lên bằng con đường giáo dục. Biết bao gương thành công của con cái thế hệ 1.5 và 2 trong thành phần nầy vì tinh thần trọng học đã ăn sâu vào tâm khảm của người con Việt từ ngàn năm rồi. Thành phần nầy đáng thương hơn là bị chê bai, khinh rẽ. Con số thồng kê trên cho thấy tỷ lệ học vấn của cộng đồng Việt nơi đây vẫn còn cao hơn nhiều so với chính dân Việt sống tại quốc nội dưới sự cai trị của CS trong hơn 38 năm qua. Theo thống kê của World Bank, trình độ học vấn trung bình của người dân từ 14 đến 24 tuổi ở ĐBSCL là 5.5 năm mà thôi! Đây mới chính là một thảm trạng ở Việt Nam hiện tại.
  • Lợi tức gia đình: Từ hậu quả trên, dĩ nhiên lợi tức gia đình sẽ không thề nào so sánh được với các cộng đồng thiểu số ổn định, không bị áp bức, không bị chiến tranh, và có điều kiện học vấn và hội nhập tối ưu trước khi tới Hoa Kỳ, nhứt là đa số người Ấn và Phi thông thạo tiếng Mỹ từ khi lọt lòng mẹ. Nhìn lại bản quốc Việt Nam hiện tại, có bao nhiêu phần trăm người Việt trong nước đang sống dưới mức nghèo đói theo định nghĩa của LHQ là 2US$/ngày? Tuy không có con số thống kê chính xác, nhưng tin tức 11 tỉnh trên 64 tỉnh thành ở Việt Nam xin trung ương cấp gạo cứu đói khản cấp vào giữa tháng giêng 2014, trong lúc hang năm xuất cảng hơn 6 triệu tấn gạo ra ngoại quốc. Chúng ta có thể hình dung được tình trạng chung ở Việt Nam như thế nào và có lời nào cho những người quản lý đất nước hiện tại?!
  • Tỷ lệ thất nghiệp, Tỷ lệ dưới mức nghèo, và Tỷ lệ trợ cấp: Ba con số thống kê so sánh nầy chỉ là hệ lụy tất nhiên của các tình trạng chung của lịch sử cộng đồng người Việt mà thôi. Tôi suy nghĩ một cách lạc quan và với tầm nhìn nửa ly nước đầy, trong một tương lai không xa, một khi thế hệ 3,4 trở đi, 3 tỷ lệ trên có thể được sánh ngang hoặc thấp hơn so với các cộng đồng thiểu số bạn kể trên..
  • Cái nhứt cuối cùng là gửi tiền về Việt Nam: Theo thống kê của CS Bắc Việt, năm 2013, người Việt hải ngoại gửi về Việt Nam 11 tỷ, không kế một số ước tính tương đương lượng đô la tiêu xài ở Việt Nam do những chuyến về thăm "quê hương" trong năm vừa qua! Cái nhứt nầy hoàn toàn mâu thuẫn và đầy nghịch lý nếu so với những cái nhứt ở phần trên.

 

Thưa anh,

 

Tôi thấy được vì sao có mâu thuẫn và vì sao đầy nghịch lý trên. Và tôi thương người Việt hải ngoại có được cái nhứt độc đáo nầy nếu xét về "tình". Là một nhà hoạt động chính trị, và nếu xét về "lý", tôi cổ súy việc KHÔNG gửi tiền và KHÔNG đi về hưởng thụ ở Việt Nam, vì nếu làm như vậy là tiếp tục "tiếp máu" cho CS Bắc Việt cũng như làm chậm đi tiến trình mang lại tự do, dân chủ, và dân quyền cho dân tộc.  Nhưng, tôi thương và quý cái tình của người Việt hải ngoại trong việc gửi tiền nầy.

 

Đây là "cái nhứt" đáng yêu, thể hiện tinh thần nhân bản, và dân tộc trong truyền thống văn hóa giáo dục của Miền Nam để lại (so với văn hóa giáo dục vô cảm và vô đạo ở Việt Nam sau 38 năm bị cai trị).

 

Chính truyền thống trên sẽ là một trong nhiều võ khí hữu hiệu góp phần vào việc phà vỡ cơ chế chuyên chính vô sản của cộng sản Bắc VIệt hiện tại.

 

Xin anh và bà con hiểu cho lập luận đầy mâu thuẫn trong vấn đề nầy của tôi.

 

Thư đã khá dài, hy vọng những giải bày trên đóng góp được phần nào trong cuốn sách biên khảo của anh về đời sống người Mỹ gốc Việt trên mãnh đất tạm dung nầy.

 

Mặc dù còn nhiều tiêu cực hiện hữu trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt của chúng ta, nhưng tôi luôn vững tin rằng những tiêu cực đó chỉ là các bước đường chông gai mà người Việt mình phải đi và rút tỉa kinh nghiệm trong tiến trình dân chủ và hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ.

 

Nên nhớ các cộng đồng thiểu số được đem ra so sánh ở phần trên là những di dân đến Mỹ từ đầu thế kỷ 20 (người Tàu, người Nhật), từ giữa thập niên 50 của thế kỷ trước (Đại Hàn), và những người thông thạo tiếng Anh như Ấn và Phi.

 

Còn Việt Nam mình, chỉ mới vừa đến Hoa Kỳ vừa hơn 38 năm và đến trong những điều kiện khắc nghiệt nhứt của sự đau khổ!

 

Tôi thương dân mình lắm anh Lâm Vĩnh Bình ơi!

 

Mai Thanh Truyết

Người con Việt,

Tết Giáp Ngọ- 2014

 

 

________________________________
 "Every Generation needs a New Revolution". - Thomas Jefferson-

"Behold I do not give lectures or a little charity; When I give I give myself".Walt Whitman

 
 

 

 

 
 
 
 
//////////////////////////////////////////////////