Thể dục Khí công Hoàng Hạc

Vài Suy Nghĩ Về Thể dục Khí Công Hoàng Hạc

 

Nói về Hoàng Hạc Khí Công mà không nói về Bs Phạm Gia Cổn, quả thật là một điều thiếu sót. Người viết có hân hạnh cùng học cùng trường Petrus Trương Vĩnh Ký với bạn Cổn từ những năm 50 của thế kỷ trước. Một nửa thế kỷ có thể đã là dài cho một đời người, nhưng chưa hẳn là dài cho một tình bạn, vừa là bạn học chung trường mà cũng vừa là một người bạn "chiến đấu" khi ra hải ngoại.

Hôm qua chủ nhựt 17-4-2011 là ngày lễ Lá của đạo công giáo (Palm Sunday), bạn Cổn và tôi gặp nhau ở một cà phê restaurant quen thuộc chúng tôi thường hẹn nhau sau khi đi làm việc về hàng mười mấy năm nay.

Chúng tôi bàn về cách trình bày powerpoint cho chuyến đi nói chuyện ở Houston sắp tới đây. Trong câu chuyện chúng tôi tình cờ nói đến Hoàng Hạc và những suy nghĩ ngộ nghĩnh chia xẻ cùng nhau sẽ được lần lượt trình bày trong bài viết nầy.

Sau khi chia tay, trên đường về, tôi suy nghĩ miên man, nghĩ về một quảng thời gian dài dưới mái trường xưa và những ngày cùng nhau ….nhìn về Việt Nam ở hải ngoại.

Trở về quá khứ, không hiểu vì lý do gì mà ông bạn của tôi, một Bắc kỳ "rặt" Thái Bình mà lại đi vào học một trường Nam kỳ cũng "rặt" là Petrus Ký thay vì học bên Chu Văn An. Vào những năm đầu tiên sau cuộc di cư năm 1954, giữa Bắc kỳ và Nam kỳ vẫn còn là một hàng rào ngăn cách không nhỏ, nhưng đối với cái tuổi học sinh của chúng tôi lúc ấy, sự hiện diện của bạn Cổn trong lớp học là một niềm vui, một sự nghịch ngợm thú vị chứ không là một kỳ thị!

Chúng tôi, thường chọc phá bạn Cổn là Bắc kỳ "dzốn", chọc phá, gọi tên như vậy cũng như tất cả các tên của mỗi bạn cùng lớp đặt cho nhau, như Lộc tục, Chó Quang, Mai khỉ già, Trí đinh, Trí già, Trí hút, Tuấn Phan Nghệ (vì bạn nầy ở Nghệ An)…Các bạn kể trên sau nầy người làm bác sĩ, người sĩ quan quân đội VNCH, người làm thầy giáo…Còn tên tôi, được các bạn gán cho tên rất yểu điệu là "Truyết con gái", vì tôi nhỏ nhít (so với các bạn), và quá trắng trẻo, nhứt là khi đến giờ tập thể thao khoe bộ ngực cách trí ra…

Bẳng đi một thời gian bạn Cổn vào Y khoa, rồi Nhảy dù, rồi di tãn năm 1975. Qua bao thăng trầm của vận nước, tôi cũng không khác gì bạn, đi Pháp, về Việt Nam, sau cùng cũng vượt biên qua Hoa Kỳ..

Chúng tôi gặp lại nhau vào khoảng năm 1995 nhân một buổi hợp mặt cựu học sinh Petrus Kỳ tại Orange sau khi tôi đổi về làm việc ở vùng nầy. Như vậy là anh em tụi tôi tay bắt mặt mừng và tiếp tục sau đó con đường song hành chung với nhau.

Bạn làm ở Los Angeles, còn tôi West Covina. Hầu như ít nhứt là mỗi tuần một lần chúng tôi ngồi chia xẻ những buồn vui trong cuộc sống ở quán cà phê kể trên với thức ăn nhẹ của buổi xế trưa. Trong nhiều buổi tiệc đám cưới của con bè bạn chung, rất nhiều lần bạn và tôi cùng chụp chung với cô dâu và chú rể, vì "quý phu nhân" của chúng tôi ít khi đi cùng.

Bạn có ban nhạc Star Band đi hát từ thiện cho các hội đoàn cựu học sinh và đồng hương trong vùng; còn tôi sinh hoạt trong khía cạnh khoa học môi trường. Trong hơn 15 năm gặp lại, có lẽ bạn Cổn và tôi trao đổi nhau rất nhiều về nhân sinh quan của con người, về cuộc sống gia đình và nhứt những suy nghĩ về vấn đề Việt Nam. Đóng góp như thế nào? Hành xử như thế nào trong một cộng đồng quá phức tạp, nhập nhằng giữa hai lằn ranh quốc cộng?

Ngoài ra, bạn Cổn của tôi còn là một võ sư và bạn dùng võ đường của mình để, ngoài việc luyện tập võ nghệ, bạn còn tổ chức lớp tập luyện Khí công Hoàng hạc…cho những người có tuổi. Trong lúc đó, tôi dong ruổi trên con đường tranh đấu cho một môi trường tốt đẹp cho Việt Nam…

Chúng tôi cùng vác thánh giá và cùng rao giảng những ý thức, khái niệm cho cuộc sống lành mạnh của một con người trong một thế giới văn minh. Một thế giới mở với một tinh thần minh mẫn trong một thể xác tráng kiện và với một tâm lành hướng về tha nhân. Tôi rất tâm đắc với bạn về lớp Thể dục Khí công Hoàng Hạc nầy.

Trở lại lớp Khí công Hoàng Hạc, mặc dù tôi chỉ tham dự vài buổi học ban đầu, nhưng tôi cũng tự trãi nghiệm được một số bài học trong việc luyện tập Hoàng Hạc khí công nầy. Bài học đầu tiên phải nói đến là bài học thư giãn (tôi tạm dịch từ chữ relaxation) và bài học kế tiếp là tĩnh tâm (tôi dịch từ chữ peacefulness chứ không dùng danh từ meditation (thiền định) trong trường hợp nầy).

Sở dĩ tôi hấp thụ được hai điều căn bản trên đây vì theo kinh nghiệm của tôi, mấy động tác tay chân nhè nhẹ, lâu lâu bấm ngón chân và rướn mình lên cao cùng một lúc với việc nhón gót chân theo tiếng nhạc cổ điển êm dịu…làm cho tôi buông xả trong giây phút. Trong suốt thời gian tập luyện, dường như tôi không còn để ý đến hơi thở, để hai buồng phổi tự nhiên điều chỉnh nhu cầu hít vô và thở ra của cơ thể. Tôi không cần cố gắng để "vươn cao" tay chân, hay ráng làm một động tác nào có khả năng làm co giãn các bắp thịt.

Phải chăng đó là một trạng thái thư giãn hoàn toàn, một trạng thái "vô ngã" và "vô trụ" trong buổi tập. Và phải chăng thân-tâm-ý đã hòa nhập thành một trong chủ thể của tôi, để rồi điều hướng một cách tự nhiên con người của tôi vào một trạng thái mà tôi tạm gọi là tĩnh tâm.

Bước qua lãnh vực khác như thiền định chẳng hạn, suy nghĩ chủ quan của tôi cho thấy rằng động tác bất động trong giai đoạn ngồi thiền có nguy cơ tác hại đến sức khỏe nhiều hơn là hướng tìm đến một sự an nhiên tự tại và một sự buông xả cho thân-tâm-ý.

Vì sao? Đứng về phương diện y học,  một khi cơ thể bất động trong một thời gian dài, một giờ, hai giờ hay hơn nữa, hệ thống tuần hoàn sẽ di chuyển chậm lại và lượng  hồng huyết cầu mang oxy lên óc sẽ giảm thiểu…từ đó có thể đưa ta đến trạng thái bán hôn mê (semi-coma). Tình trạng trên có thể làm cho trí não của chúng ta soi rọi lại được  những hình ảnh đến từ vô thức (inconscience) hay tiềm thức (subconscience) từ trong quá khứ. Và như thế chúng ta  tưởng là "thấy", là đã lên được "nhiều từng tu tập" đồng biến theo thời gian hành thiền…Nhưng rốt cuộc, trong nhiều trường hợp, họ có biết đâu là đã bị "tầu hỏa nhập ma". Thêm nữa, ngồi bất động lâu có thể bị embolism tức hiện tượng những hạt máu đông (blood clot) chạy lên phổi làm tắt nghẽn các mạch máu. Chúng ta đã kinh nghiệm qua các vụ chết người trên các chuyến máy bay đường dài rồi.

Trong Phật giáo, có bài Chú Đại bi và Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh là hai bài kinh nhựt tụng trong các buổi lễ. Nguyên gốc là bài viết bằng tiếng Phạn. Hiện nay, có nhiều chùa dịch ra thành tiếng Việt nhằm mục đích cho Phật tử đễ tụng và cũng dễ thuộc bài Kinh và Chú. Cá nhân tôi thấy việc làm nầy nảy sinh ra  nhiều rũi ro trong việc tu tập vì nhiều lý do sau:

  • Thứ nhứt, Phật tử một khi đã thuộc làu bài Kinh và Chú sẽ không còn tập trung tư tưởng để trì tụng nữa.
  • Việc trì tụng trong trường hợp nầy chỉ là phản xạ của trí óc, một hàng động "trả bài" trong vô thức, do đó, tư tưởng (tâm-ý) được tự do vì không cần phải tập trung cho nên thoải mái rong chơi trong những sinh hoạt/suy nghĩ hàng ngày của thân. Tâm-ý có thể nghĩ về một chiếc áo đẹp, một món ăn ngon…do đó, khó mà đạt được trạng thái vô trụ - vô ngã được.

Vì vậy, người viết thiết nghĩ trong khi trì tụng hai bài Chú và Kinh nầy không cần phải học thuộc lòng, không cần phải chuyển đổi qua tiếng Việt, mà phải đọc bằng tiếng Phạn. Vì sao?

  • Đọc kinh bằng tiếng Phạn sẽ khiến cho ta tập trung nhiều vào từng chữ, vì không hiểu nghĩa cho nên sẽ phải cố gắng  nhiều hơn để khỏi đọc trật.
  • Ta xử dụng miệng để đọc, tai chú ý tiếng mõ, mắt dán vào tờ kinh. Từng ấy cơ quan của thân thể đều chú trọng vào việc trì tụng, còn thì giờ đâu nữa mà thân-tâm-ý "đi lang thang". Ta quên "mình" trong lúc nầy cũng như không còn chấp kiến thế giới chung quanh nữa trong trạng thái trên.

Thưa Quý bạn,

Tôi có lạc đề không?

Xin thưa là không. Tất cả do suy diễn từ hai bài học về Khí công Hoàng hạc mà tôi đã "ngộ" được (theo nhản quan của tôi).

Đọc đến đây chắc có nhiều bạn không đồng ý với những suy nghĩ trên. Nhưng mà, dù bạn đồng ý hay không đồng ý, bạn đã trụ vào và đã có một biên kiến cho vấn đề trên, bạn đã chấp nê một sự việc, một suy nghĩ mà chỉ chính bạn mới tự điều hướng thân-tâm-ý của bạn trong con đường luyện tập, nhứt là những bạn bước vào tuổi "hạc".

Có được suy nghĩ như thế, có thể nói Hoàng hạc khí công là một pháp môn tu tập trong 84 ngàn pháp môn do đức Phật đề ra. Nếu bạn không đồng ý sẽ còn 39.999 pháp một còn lại cho bạn mặc sức mà trì tụng.

Nói cho cùng có gì là trụ, có gì là vô trụ!

Có gì là ngã, có gì là vô ngã!

Có chăng là khi bạn xuôi tay, tim ngừng đập, phổi ngừng thở….lúc đó bạn mới thực sự là Vô Trụ và Vô Ngã.

Thân chúc bạn vẫn là bạn sau khi đọc bài viết về Thể dục Khí công Hoàng hạc nầy.

 

Mai Thanh Truyết

Một ngày sau ngay lễ Lá 2011

 

 

 

//////////////////////////////////////////////////