Chút ý kiến…
Trần Việt Hải
Lê Văn Duyệt Foundation
Thực là một vinh dự cho tôi được đọc bản thảo của sách mới của Tiến sĩ kiêm Giáo sư Mai Thanh Truyết. Tôi biết ông qua các tổ chức Tây Ninh Đồng Hương Hội và Hội Cựu Học Sinh Petrus Trương Vĩnh Ký Nam California. Trước năm 1975, ông nguyên là Giảng sư trưởng Ban Hóa Học Đại Học Sư Phạm Saigon, và là Giám Đốc Học vụ Viện Đại Học Cao Đài Tây Ninh. Tiến sĩ Truyết vốn hiếu học và yêu nước. Tốt nghiệp tiến sĩ tại Pháp khi nước nhà chìm đắm trong khói lửa chiến chinh, ông quyết định trở về với xứ sở. Tôi mến ý nguyện của ông từ đó.
Trước đây tôi được đọc quyển sách "Câu Chuyện Da Cam/Dioxin Việt Nam" của Giáo sư Mai Thanh Truyết, tác phẩm ra đời được ủng hộ nồng nhiệt từ nhiều nơi ông đi diễn thuyết. "Câu Chuyện Da Cam" kể về chuyện xưa và nay, nguyên ủy của vấn đề xuất phát từ thời chiến tranh quốc cộng tại xứ ta, về chất độc da cam, mà từ ngữ trong Anh ngữ là agent orange hay dioxin, sự thực không ai nghi ngờ về hậu quả của nó. Tuy nhiên, người cộng sản Việt Nam, phe đối phương với Hoa Kỳ bằng những xảo thuật tuyên truyền, thổi phồng sự kiện, qua nhiều lập luận ngụy biện đổ lỗi cho chính sách Mỹ tại Việt Nam ngỏ hầu moi hầu bao của nước cựu thù. Với những trăn trở và cân nhắc theo cái nhìn trên các khía cạnh khoa học, chính trị, xã hội và nhân bản khi trình bày vấn đề qua sách vở, tác giả cho thấy rằng vì bản thể của vấn đề dioxin trong chiến tranh Việt Nam vốn là một câu chuyện rất nhiêu khê, lắm phức tạp và tế nhị. Nên quan điểm của ông qua nhiều dẫn dụ chứng minh và lý luận là nhằm vào việc đem lại sự thật về chất độc màu da cam để cho đồng hương các nơi hiểu rõ hơn về vấn đề và mục tiêu của quyển sách ra sao.
Trong chiều hướng tương tự, Giáo sư Mai Thanh Truyết cho ra quyển sách mới mang tên "Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam", nội dung của nó bao quát hơn tác phẩm trước, sách mới xét đến những sai lầm nghiêm trọng khi nhà cầm quyền cộng sản hiện tại vi phạm những nguyên tắc quản trị môi trường, y tế, canh nông, thủy lợi, giáo dục quần chúng, cũng như quản trị xã hội là những hệ quả băng hoại cơ cấu đất nước, phá sản tài nguyên quốc gia, như những vấn đề môi trường về dòng sông Cửu Long với nỗi nghẹn ngào của vùng đồng bằng hạ lưu, ngậm ngùi với vấn nạn ô nhiễm chất arsenic (hóa chất dùng trị sâu rầy), vấn nạn những dòng sông Việt Nam bị ô nhiễm trầm trọng, thực tế của nạn ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm ở Việt Nam, cũng như thực chất của vấn đề ô nhiễm mặt đất, ô nhiễm không khí, và chất phế thải rắn ở Việt Nam; Tình trạng rác rưởi, cống rãnh tại Sài Gòn, những quy tắc giải quyết các chất phế thải kỹ nghệ, phế thải y tế, và tác giả cũng nêu lên điểm tệ hại khi chính sách quốc gia cho phép nhập cảng bừa bãi phế liệu độc hại vào Việt Nam. Sách còn đề cập đến những vấn nạn nhức nhối của xã hội như công nghệ tái biến chế (recycle), tái tạo phế thải điện tử, vấn đề nguy hiểm biến chế thực phẩm tại Việt Nam, công cuộc vệ sinh an toàn thực phẩm bảo vệ sức khỏe người dân ở Việt Nam, câu chuyện dioxin xưa nay như trong cuốn sách trước, vấn đề được cô đọng cho đầy đủ chủ đề, rồi việc khai thác quặng bauxite ở vùng Tây nguyên, và việc bảo tồn văn hóa và đồng bào sắc tộc người thiểu số vùng cao nguyên trung phần.
Bằng đấy tiêu đề, bằng đấy chữ nghĩa, thiết tưởng người đọc sẽ đọc thêm những lập luận, những dẫn dụ chi tiết trong những trang sách này, hầu thu tóm hiện tình xứ sở Việt Nam về khía cạnh môi trường nguy hại ra sao, tương lai đất Việt Nam sẽ đi về đâu, và thế hệ con cháu chúng ta ở quê nhà sẽ chịu những thiệt thòi như thế nào. Những nguy cơ này cần được gióng lên như những oan khiên của người dân oan cần được giải tỏa, những sai lầm của các cấp lãnh đạo tắc trách trong vấn đề quản trị đất nước phải được vạch trần khi họ xô đẩy cả một dân tộc vào tử lộ.
Phần đầu của sách trình bày chủ đề dẫn nhập, chương một đến chương 24, những vấn đề môi trường vốn bị hư hại do quản trị tồi, song song tác giả cũng cho lời đề nghị phương cách sửa đổi, cải cách vấn đề.
Phần sau cùng của sách quan trọng không kém, tác giả đề cập đến Việt Nam qua những năm hội nhập toàn cầu và hướng đến tương lai. Chương kết luận qua đôi lời nhắn gởi, tác giả quay về với chân lý duy tâm, niềm tin tôn giáo trong cuộc sống, khi cái "Tâm" của con người bị ô nhiễm sẽ đưa đến vấn nạn ô nhiễm môi trường, ô nhiễm xã hội. Luật Nhân Quả của triết thuyết nhà Phật đề cập khi có nguyên nhân thì sẽ có hậu quả. Chung cuộc, theo ý kiến của tác giả thì để giải quyết vấn đề ô nhiễm một cách hiệu quả không gì khác hơn là thanh lọc cái Tâm của con người, tức thanh Tâm, loại bỏ lòng tham ô và lòng ích kỷ.
Vã lại, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường là trách nhiệm chung của mọi người chúng ta, chứ không phải là trách nhiệm riêng tư của những nhà khoa học, của những nhà lãnh đạo tôn giáo, hay của một đảng phái nào đó lãnh đạo. Mọi người hãy chung tay, chung sức, đồng tâm hiệp lực để biến cải thực chất không tâm ra chân tâm cho những vấn đề của Việt Nam. Tôi đồng ý với tác giả trong chiều sâu của tư tưởng này, thực vậy.
Mời độc giả duyệt qua các phần chi tiết của sách.
Xin kính mời...
Trần Việt Hải
Lê Văn Duyệt Foundation