Sách mới báo động 'Những vấn đề môi trường Việt Nam'
Friday, January 14, 2011
Tác giả T.S. Mai Thanh Truyết
Nguyên Huy/Người Việt
Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết vừa cho phổ biến một cuốn sách về "Những Vấn Ðề Môi Trường Việt Nam". Sách do Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam (Vietnamese American Science and Technology Society - VAST) phát hành nhân kỷ niệm 20 năm hội được thành lập.
Sách mới của tác giả Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
"Những Vấn Ðề Môi Trường Việt Nam" dày gần 500 trang đề cập đến nhiều phạm vi về môi trường Việt Nam và như một lời cảnh báo cấp thiết đến mọi người Việt Nam còn quan tâm đến đời sống của dân tộc.
Với 25 chương đề cập đến sự ô nhiễm Arsenic, chất cứng phế thải, rác sinh hoạt, những chất lỏng phế thải, phế thải y tế, chuyện Dioxin... cho đến việc khai thác quặng Bô-xít ở Việt Nam, tất cả đã ảnh hưởng đến môi trường sinh sống qua những nguồn nước mặt và nước ngầm, qua ô nhiễm mặt đất, ô nhiễm không khí...
Trên con đường chạy đua làm "con rồng kinh tế" với "giấc mơ ra biển lớn" nhà cầm quyền CSVN đã cho nhập cảng phế thải độc hại vào Việt Nam, mở những khu kỹ nghệ như công nghệ tái tạo điện tử mà chất thải không được qua "xử lý" có quy trình khoa học, an toàn đã dẫn đến những nguy cơ về sự an toàn thực phẩm cho người dân đang sống ở trong nước và cho cả người tiêu thụ ở ngoài nước.
Mặt khác, trong nhiều công nghệ khai thác, hậu quả không chỉ thuần trong vấn đề môi sinh mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến việc bảo tồn văn hóa và sắc tộc người thiểu số nữa.
Với bất cứ một vấn đề nào tác giả Mai Thanh Truyết đề cập đến, đều được nghiên cứu trên thực tế và dựa trên khoa học hiện tại về môi trường, một lãnh vực mà tác giả có đủ khả năng để phân định.
Trong phần viết về Ðồng Bằng Sông Cửu Long, miền đất trù phú lúa gạo và thủy sản, tác giả đã thấy những nguyên nhân gây hậu quả tai hại cho miền đất này. Ðó là những đập nước lớn mà Trung Cộng đang xây dựng trên đầu nguồn, tệ nạn phá rừng bừa bãi của những cấp chức đương quyền khai thác lâm sản vì quyền lợi riêng. Hậu quả là những cơn lũ bất thường gây ngập lụt tàn phá mùa màng, đồng thời cũng làm cạn nguồn lợi thủy sản của người dân thuộc Ðồng Bằng Sông Cửu Long.
Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết. (Hình: Mai Thanh Truyết cung cấp)
Về vấn đề Arsenic (thạch tín) tác giả cho biết nguồn gốc nồng độ Arsenic ở Việt Nam khá cao do từ các phế phẩm kỹ nghệ đã nhiễm vào nguồn nước cũng như việc xâm nhập từ các thuốc diệt cỏ dại và thuốc diệt trừ sâu rầy đã được dùng vô tội vạ. Cộng thêm vào đó là do từ những trầm tích lâu năm ở đầu nguồn nước đã hòa tan vào nước những hợp chất của Arsenic khiến nguồn nước ngầm cung cấp cho trên 300 ngàn giếng đóng (do LHQ qua UNESCO yểm trợ) trong vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long trở nên độc hại. Tác giả cảnh báo: "Qua các cuộc thăm dò, điều tra từ hơn 5 năm, chúng tôi chắc chắn rằng nạn ô nhiễm Arsenic trong nguồn nước, đặc biệt ở vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long là một thực tế, một sự thật không cần phải chứng minh thêm nữa."
Về ô nhiễm mặt đất, tác giả sau những nghiên cứu đã ghi nhận được rằng: "Việc sử dụng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật đã quá tải và bừa bãi và việc thải hồi chất lỏng và cứng phế thải từ các nhà máy sản xuất đã là những nguồn chính gây ra ô nhiễm mặt đất ở Việt Nam."
Cũng trong sách này, tác giả Mai Thanh Truyết đã dành nhiều trang đề cập đến những "núi" rác tại các thành phố lớn, nhất là Saigon, mà nhà cầm quyền hầu như không giải quyết. Ðiều nghịch thường là trong khi đó, nhà cầm quyền lại cho phép các nhập cảng rác phế thải độc hại, cho phép các công nghệ tái tạo phế thải điện tử được hoạt động không theo một quy trình an toàn nào cho môi sinh.
Ðến như việc khai thác quặng Bô-Xít mà gần đây trong cũng như ngoài nước nhiều người, nhiều tổ chức đã lên tiếng, nhưng nhà cầm quyền CSVN vẫn để cho Trung Cộng tiến hành. Việc khai thác Bô Xit ở Dak Nong, Việt Nam theo tác giả "đây chỉ là Diện để che mắt thế giới, và Ðiểm chính là việc tìm kiếm, khai thác, ly trích và tinh luyện chất phóng xạ Uranium 235 để làm tăng lợi khí cường quốc của Hán tộc."
Trên đây chỉ là một vài phần trong "Những Vấn Ðề Môi Trường Việt Nam" của Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết với rất nhiều chi tiết, tài liệu cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ và hình ảnh. Quả là một cuốn sách rất có ích cho mọi người dân Việt cho dù không phải là người nghiên cứu môi trường Việt Nam.
Tác giả, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, đối với cộng đồng người Việt hải ngoại không xa lạ. Ông đã là người tích cực trong rất nhiều sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là ở Nam California. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách giá trị về khoa học như "Câu chuyện Da Cam/Dioxin Việt Nam", "Từ Bauxite đến Uranium" (viết chung với Trần Minh Xuân và Phan Văn Song), v.v.
Nói về tác giả Mai Thanh Truyết, nguyên tổng trưởng giáo dục VNCH và nguyên giảng sư đại học sư phạm Huế và Saigon, Nguyễn Văn Trường cho rằng: "Ông là một tiến sĩ hóa học, chuyên viên về xử lý vật liệu phế thải... Ông có kiến thức sâu rộng, hội thoại với nhiều lãnh vực khác biệt như giáo dục, văn hóa, chính trị, kinh tế, kỹ thuật. Ông viết và đối đáp trên những đề tài đa dạng với những dữ kiện và tài liệu được chọn lọc một cách khoa học. Ông viết nghiêm túc, nói nghiêm túc có cân nhắc và nghiên cứu nghiêm túc."
Quý độc giả muốn có sách xin liên lạc điện thoại số (562) 896-8035, hay email: EnviroVN@gmail.com.