20 năm Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam Phát Triển Việt Nam
Quốc Hương/Viễn Đông
Chủ tịch hội đồng quản trị Mai Thanh Truyết đứng thuyết trình - ảnh: Quốc Huơng/Viễn Đông.
WESTMINSTER - Hội Thảo Về Phát Triển Việt Nam và Kỷ Niệm 20 Năm Hội Khoa Học & Kỹ Thuật Việt Nam, đã được tổ chức từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều ngày 10-10-2010, tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng, trong khuôn viên Tòa Thị Chính Westminster, với nghi thức khai mạc bởi MC phó hội trưởng Phạm Ngọc Lân và chào mừng quan khách bởi chủ tịch hội đồng quản trị Mai Thanh Truyết, nhất là trong đó có các tên tuổi khoa học kỹ thuật gia với tâm huyết phát triển Việt Nam.
Trong số quan khách có các vị dân cử Việt Mỹ như dân biểu Cali Trần Thái Văn, ủy viên giáo dục Quận Cam Phạm Kim Long và quý đồng hương, các nhân sĩ cộng đồng…
Các tổ chức bảo trợ gồm có Đại Việt Quốc Dân Đảng, Tân Đại Việt, Đại Gia Đình Nguyễn Ngọc Huy, Cơ Quan Nghiên Cứu Y Khoa Việt Mỹ, Tổ Chức Quốc Tế Phát Triển Việt Nam Hòa Lan, Diễn Đàn Điện Tử Khoahoc.net Đức Quốc, Nhóm Phục Việt Âu Châu Paris Pháp Quốc, Tổng Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh, Bán Nguyệt San Thế Giới và Nguyệt San Sống Houston, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California, Tập Thể Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại, Trung Tâm Tây Nam Hoa Kỳ, Diễn Đàn Việt Thức-VTO Washington DC, Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Thụy Sĩ, Tổng Hội Nghiên Cứu Thế Giới Và Phát Triển Võ Thuật Việt Nam.
Theo hội trưởng Nguyễn Bá Lộc và chủ tịch hội đồng quản trị Mai Thanh Truyết: "Chủ trương của hội là tạo cơ hội cho một số chuyên gia Việt Nam đang sống tại Hoa Kỳ có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn cần thiết cho mình, cũng như cho sự hướng dẫn thế hệ tiếp nối.
Thứ hai là đóng góp sự hiểu biết và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, cho sự tiến bộ cộng đồng cũng như cho các tổ chức thêm ý kiến chuyên môn cần thiết, cho sự tranh đấu vì chánh nghĩa quốc gia dân tộc.
Thứ ba là cùng các đoàn thể, tổ chức trong cũng như ngoài Việt Nam, tranh đấu chống lại nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, đã và đang gây ra tác hại cho đất nước; đồng thời hội cung cấp một số dữ kiện khoa học về tình trạng tệ hại và sai trái ở Việt Nam cho các tổ chức quốc tế (như WTO, UNESCO, Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Á Châu, Human Right… và một số nước có viện trợ hay giao thương với Việt Nam như Nhựt, Hoa Kỳ, Pháp, Úc…). Chúng ta mong có những hiểu biết đứng đắn, và sự tiếp tay tranh đấu của những tổ chức quốc tế".
Cựu chủ tịch hội đồng quản trị Trần Cảnh Xuân, tóm tắt hoạt động của hội trong 20 năm qua, kể từ ngày thành lập 26-8-1990 tại Quận Cam, với "mục tiêu chính yếu vẫn là áp dụng mọi phương tiện hiện hữu nhằm đẩy mạnh sự phát triển và tái thiết Việt Nam, để tiến đến một quốc gia tự do dân chủ và thịnh vượng", và "trong 20 năm qua hội đã tích cực dấn thân nghiên cứu tình hình đất nước liên quan đến những vấn nạn về môi trường, hậu quả của bệnh khuyết tật do việc sử dụng bừa bãi các loại hóa chất… Ngoài ra các kỳ hội thảo hàng năm về các vấn đề giáo dục, y tế, kinh tế, xã hội, tổ chức hành chánh… cũng được đặt ra".
Hội thảo với 6 bài thuyết trình:
Diễn giả Mai Thanh Truyết với "Những Vấn Đề Môi Trường Việt Nam": "đất nước ngày hôm nay đang đi thụt lùi, là do sự quản trị và phát triển đất nước không ứng hợp với chiều hướng toàn cầu hóa, không bảo vệ môi trường, và phát triển không có kế hoạch và chính sách dài hạn cũng như tính khả thi của mỗi dự án… Để hiểu tường tận tình trạng môi trường Việt Nam, thiết nghĩ không gì thâm thúy và chính xác cho bằng câu nói của Lê Thị Công Nhân, trong cuộc phỏng vấn của đối thoại về quan hệ tay ba Việt-Hoa Kỳ-Trung Cộng, vào cuối tháng 8-2010: 'Mọi cái trong đời sống dân sinh, cơ bản nhất đều quá tải: giao thông quá tải, bịnh viện quá tải, trường học quá tải, môi trường quá tải, chỉ có pháp luật dân chủ và văn hóa dân chủ là cực kỳ thiếu thốn, thậm chí gần như không có'".
Diễn giả Nguyễn Thanh Liêm với "Tóm Lược Vấn Đề Văn Hóa Giáo Dục Việt Nam": "Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 có nhiều cải tiến đáng kể về tổ chức, về thi cử, về chương trình, về đào tạo giáo chức. Vẫn chưa hoàn hảo. Còn một số khó khăn chưa vượt qua được. Giáo dục cộng sản nhiều khuyết điểm, phẩm chất kém so với giáo dục ở các quốc gia tân tiến, thua hẳn giáo dục Việt Nam Cộng Hòa".
Diễn giả Nguyễn Bá Lộc với "Tóm Lược Bộ Máy Hành Chánh Công Quyền Cộng Sản Việt Nam Trong Lãnh Vực Kinh Tế": "Phân tích bộ máy hành chánh công quyền cộng sản Việt Nam, một số trường hợp điển hình với các mô thức quản trị kinh tế như giai đoạn kinh tế xã hội chủ nghĩa thuần túy (1975-85), thời kỳ đầu 'đổi mới kinh tế' (1986-2000), thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu (2001-bây giờ), và cải cách hành chánh của cộng sản Việt Nam, tổng quan hành chánh công quyền với mô hình hành chánh công quyền của cộng sản Việt Nam không giống mô thức bình thường".
Diễn giả Nguyễn Xuân Nghĩa với "Kinh Tế Việt Nam: Đổi Mới Để Đi Tới Đâu?": "Bối cảnh về lý luận và thực tế chiến tranh của Việt Nam từ khi cộng sản nắm quyền : với người cộng sản-việc quản trị một quốc gia cộng sản hay xã hội chủ nghĩa là chuyện đơn giản. Năm xưa, Lenin đã chỉ ra rằng nó cũng đơn giản như dịch vụ phát thư. Tình hình kinh tế Việt Nam từ 1975 đến nay qua một lần khủng hoảng và ba nhịp đổi mới. Câu hỏi cho tương lai: đổi mới chỉ là một huyền thoại dẫn tới hậu quả tai hại và tồn tại, nhờ nghịch lý là nền kinh tế ấy vẫn sống nhờ tiền ở hải ngoại gửi về!".
Diễn giả Đỗ Hải Minh với "Các Sắc Tộc Thiểu Số Trong Phát Triển": "Một lối thoát tích cực có thể được chọn lưạ thích hợp, theo thiển ý, là nên dứt khoát gọi là 'dân tộc' khi đề cập riêng rẽ từng nhóm dân. Nhưng nếu xác định mục tiêu tối hậu của một cộng đồng quốc gia Việt Nam nói chung, khi nhắc đến người dân tộc thiểu số thì cần đặt trong vị thế là thành phần của dân tộc Việt Nam, được chánh thức gọi chung là 'các sắc tộc thiểu số'. Đồng thời, ngược lại, trong người dân Việt nói chung, thái độ hiểu biết và tương kính cần luôn luôn được phát huy giữa 'thiểu số' và 'đa số', để mới có thể kết hợp hình thành một nỗ lực chung đóng góp hài hòa cần thiết vào công cuộc phát triển đất nước được. Người sắc tộc thiểu số, đồng thời, cũng không để bị hấp dẫn lôi cuốn mù quáng vào các chủ trương kêu vang hoang tưởng, do vài cá nhân ôm mộng làm lãnh tụ chánh trị mị dân thao túng sai lạc dư luận. Chúng tôi xin kết thúc bài phát biểu bằng cách một lần nữa, lặp lại câu danh ngôn được nghe từ cố tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương: 'Chỉ có những người đồng đẳng mới bình đẳng'".
Diễn giả Lê Ngọc Điệp với "Công Nghệ Thông Tin & Công Nghệ Điện Tử 'Xanh'": "Theo suy nghĩ thông thường, có thể nói ngành kỹ thuật thông tin điện tử xanh là ngành nghiên cứu về phương cách sản xuất và ứng dụng các dụng cụ điện tử một cách hữu hiệu và tiêu thụ năng lượng tối thiểu, trong khi dùng và tạo ra lượng phế thải tối thiểu. Những quan niệm mới phóng khoáng hơn hơn và chính xác hơn, về định nghĩa của ngành kỹ thuật xanh này như: ngành thông tin và điện tử xanh, nhằm mục đích nghiên cứu và ứng dụng những kiểu mẫu, sản xuất, sử dụng, và phế thải… như các bộ phận monitor, máy in, bộ phận 'cứng', 'mềm', cần phải đạt hiệu năng tối đa, cũng như tạo ra ảnh hưởng tối thiểu hoặc không ảnh hưởng lên môi trường. Sử dụng xanh, phế thải xanh, kiểu mẫu xanh, và sản xuất xanh. Một khái niệm khác về kỹ thuật điện tử xanh nữa là khái niệm về 'sự ảo hóa điện toán'. Đây là một tiến trình sử dụng nhiều hệ thống máy điện toán cùng một lúc, nhưng chỉ cần một hệ thống 'mềm' mà thôi."
Tiếp theo là phần thảo luận với cử tọa gồm "quý đồng hương và các hội đoàn tham dự, đóng góp ý kiến về những vấn đề lớn của đất nước, hầu xây dựng một Việt Nam Dân chủ, Tự do và Phú cường", mà theo phó hội trưởng Phạm Ngọc Lân, "20 Năm Qua Đường Đi Vẫn Chưa Tới": " Trong hơn 20 năm qua, hội đã cố gắng không ngừng nghỉ, nói lên Sự Thật về các vấn đề liên quan đến 'khoa học & kỹ thuật' của đất nước Việt Nam, để gióng lên tiếng chuông hầu cảnh tỉnh giai cấp lãnh đạo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam".
Cuối cùng, hội trưởng Nguyễn Bá Lộc đúc kết những nét chánh của hội trong tương lai: "Trước hết xin xác nhận lần nữa mục tiêu hoạt động của hội, là đóng góp kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn về khoa học và kỹ thuật, trước hết và trên hết là phục vụ dân tộc. Chúng tôi mong được hợp tác và ủng hộ của các cá nhân, đoàn thể trong cộng đồng ở khắp mọi nơi. Chúng tôi cũng mong thế hệ trẻ Việt Nam trong ngành khoa học và kỹ thuật, cùng lưu tâm đến những vấn đề của Đất và Nước, cùng phối hợp với thế hệ đi trước, ngõ hầu tranh đấu cho một Việt Nam thoát đại họa hiện tại, và đem lại tương lai tươi sáng trong mai sau. Thứ nữa, chúng tôi nghĩ những vấn đề lớn của Việt Nam hiện nay, trước tiến trình toàn cầu hóa, và trong hoàn cảnh thế giới hiện tại, nên quốc tế hóa chiến lược, chiến thuật đấu tranh, để Việt Nam có thể có được sự hỗ trợ quốc tế, ngõ hầu ngăn chặn được sự bành trướng của phương Bắc".