Công nghệ Tái tạo Phế thải Điện tử
Đứng trước sự phát triển toàn cầu, hầu hết mọi dụng cụ điện tử như điện thoại di động, máy điện toán và các bộ phận liên kết, truyền hình v.v… đều tăng vọt phi mã. Từ đó số lượng những máy trên đã bị thải hồi do sự bất khiển dụng hay do nhu cầu "thay đổi mode" đã và đang là một đề tài lớn cho các nhà môi trường.
Theo môt nghiên cứu công bố vào tháng 2/2004 của Đại học Florida, tất cả máy điện tử từ điện thoại di động đến máy điện toán đều có đủ dư lượng chất chì (lead) vượt qua mức cho phép của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ.
Khám phá mới nhất nầy đã được đệ nạp lên Cơ quan trên, có thể làm thay đổi luật lệ quy định việc phế thải các thiết bị điện tử trên. Cũng theo ước tính năm 2007, toàn ththế giới thải hồi hàng năm khoảng 40 triệu tấn máy điện toán cá nhân, truyền hình máy điện thư (fax machine), các loại trò chơi điện tử, điện thoại di động, trong đó 20% nằm trong danh sách độc hại cần phải xử lý hay tái tạo đúng đắn. Cho đến nay, khái niệm về phế thải điện tử hoàn toàn được nhìn dưới nhản quan khác, chính xác hơn và hợp lý hơn sau khi nhận được kết quả nghiên cứu của TS Tim Townsend của Đại học Florida trên. Khám phá cho thấy ngoài Chì ra, còn có thêm sự hiện diện của Thuỷ ngân (Mercury), Arsenic, Cadmium, Barium, Bạc (Silver) Selenium, và Chromium trong tất cả "guts" của máy điện toán cá nhân từ con chuột (mice) cho đến CPU v.v…
Bắt đầu từ ngày 1/4/2007, tất cả các loại điện thoại di động đều được xếp loại phế thải độc hại, do đó cần phải được xử lý trước khi thải hồi vào các bãi rác (landfill). Tuy nhiên, ước tính trước đó đã có trên 700 triệu điện thoại đã đi vào bãi rác không qua xử lý trong đó có trên 130 triệu thải hồi thẳng vào bãi rác trong năm 2005. Ngoài Chì ra, còn có Đồng (Copper) Nickel, Antimony, Kẽm (Zinc) hiện diện trong máy sau khi đã được.
Đứng trước một khối lượng khổng lồ trên, câu hỏi cần đặt ra là làm thế nào để xử lý các máy trên khi không còn dùng được nữa? Hoặc một phương cách khác để giải quyết vấn đề là tái tạo những máy móc phế thải trên? Và sau cùng một gợi ý thứ ba là người dân cần hạn chế mức sử dụng các loại máy kể trên hay không?
Ba suy nghĩ trên đây hiện đang là một đề tài tranh cãi lớn giữa những nhà môi trường học, kinh tế gia, và nhà hoá học. Dĩ nhiên là lập luận của mỗi trường phái đều có những lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình.
Trường phái thứ nhất căn cứ vào việc đốt (incineration) các thiết bị hay máy móc điện tử cũ để làm giảm thiểu sự phát thải khí methane, nguyên nhân chính của sự hâm nóng toàn cầu và giảm bới diện tích của bãi rác. Trường phái thứ hai là tái sử dụng hay tái tạo (recycling) những thiết bị có thể dùng lại được để bảo toàn năng lượng và hạn chế mức sử dụng nguyên liệu thiên nhiên. Và trường phái thứ ba thiên về tâm lý quần chúng là hạn chế mức sử dụng của con người tức là tránh được công việc làm của hai trường phái trên và vẫn bảo vệ được môi trường chung.
Bài viết nầy tập trung vào khái niệm tái tạo những gì có thể dùng lại được trong công nghệ điện tử cũng như một vài gợi ý về tâm lý quần chúng trong việc sử dụng các máy móc điện tử.
Ngành điện tử xanh (green computing)
Theo suy nghĩ thông thường, có thể nói ngành điện tử xanh là ngành nghiên cứu về phương cách sản xuất và ứng dụng các dụng cụ điện tử một cách hữu hiệu và tiêu thụ năng lượng tối thiểu trong khi dùng. Nói một cách khác, công nghệ điện tử xanh căn cứ vào các yếu tố chính giải quyết ba vấn đề cốt lỏi sau đây. Đó là: 1- Mức khả dụng về giá cả trong yếu tố kinh tế chung; 2- Trách nhiệm xã hội trong việc sử dụng máy móc điện tử; 3- Và khía cạnh ô nhiễm môi trường.
Từ đó chúng ta nhận định được sự khác biệt giữa cung cách làm thương mãi cũ và mới. Trước đây, nhà làm thương mãi chỉ nghĩ đến yếu tố thứ nhất là kinh tế và lợi nhuận. Quan điểm đúng đắn hiện tại phải bao gồm cả ba yếu tố kể trên để giải quyết vấn nạn phế thải độc hại, đạt được hiệu năng tối đa về năng lượng khi sử dụng máy, tái sử dụng và tái tạo những thiết bị cũ, và nguyên vật liệu lần lần sẽ tự sinh huỷ (bio-degradable) hầu tạo dựng một môi trường thân hữu (friendly environment) cho thế giới.
Từ năm 1992, US EPA đã phát khởi chương trình Năng lượng Tinh tú (Energy Star); đây là một chương trình tự nguyện cổ suý việc sản xuất các thiết bị điện tử
ít hao năng lượng. Từ đó ngành điện tử xanh bắt đầu nảy sinh sau nầy kéo theo nhiều yếu tố kinh tế, môi trường và tái tạo v.v…
Vào tháng 10 năm 2006, Chương trình Năng lượng Tinh tú được nhuận sắc lại và quy định một số luật lệ áp dụng hàm lượng giới hạn cho các nguyên tố độc hại dùng để sản xuất các máy điện tử như Chì, Thuỷ ngân, và đặc biệt hai hoá chất chống và làm cháy chậm (flame retardants) như PBB và PBDE.
Chương trình trên đã được các công ty sản xuất tham gia nhiệt thành và hiện đang đi vào nghiên cứu ứng dụng. Công ty IBM vào tháng 5/2007 đã đưa ra chương trình Đại Xanh (Big Green) với chi phí 1 tỷ Mỹ kim/năm trong cố gắng cổ suý việc giảm thiểu năng lượng tiêu thụ trong các máy điện toán lớn của các đại công ty.
Tiếp theo, vào tháng 6, 2007, công ty Google, Inc. và Intel Corp. chính thức phát động chương trình Climate Savers Computing Initiative nhằm mục đích giảm thiểu năng lượng tiêu thụ của các máy điện toán cá nhân trong trạng thái đang sử dụng (active) hay không sử dụng (inactive).
Tháng 8, 2007, 4 công ty điện toán cá nhân Everex, Linutop, Systemax va Zonbu đã bắt đầu lắp đặt hệ thống sử dụng ít năng lượng trong các máy điện tóan tung ra thị trường như cung cấp điện thế thấp (low voltage) cho phần cứng (hardware), thay thế hệ thống đèn của phần LCD monitor bằng đèn phát quang âm cực nguội (cold-cathode fluorescent), và một số bộ phận giảm điện khác. Từ đó, mức giảm thiều có thể đạt đến 70 – 75% năng lượng dùng cho máy điện toán cố định (desktop).
Các chuyển dịch trên của một số đại công ty điện toán cho chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghệ xanh trước tiến trình toàn cầu hoá và nguy cơ ô nhiễm thế giới cũng như hạn chế được phần nào sự hâm nóng của toàn cầu.
Công nghệ tái tạo phế thải điện tử
Đây là một dịch vụ tuy hoàn toàn mới mẻ nhưng đã đem lại nhiều hứa hẹn qua nhận thức đúng đắn của người tiêu dùng, những nhà làm luật, và các nhà đầu tư trong ngành điện toán trước những vấn nạn môi trường xảy ra trên thế giới hiện tại.
Thế giới ngày nay hiện có khoảng 40 triệu tấn phế thải hàng năm bao gồm máy điện toán cá nhân, máy truyền hình, máy fax, máy chơi game, điện thoại di động, và một số dụng cụ điện tử khác. Trên thực tế, chỉ độ 20% trong số phế thải độc hại trên được xử lý hoặc tái tạo để sử dụng lại mà thôi. Một số phế thải trên còn chứa vài kim loại quý có thể thu hồi lại, nhưng đã bị đem vào các bãi rác làm ô nhiễm nguồn đất và nguồn nước ngầm.
Để có một khái niệm chính xác về việc tái tạo máy móc điện tử, chi phí tái tạo cho một máy điện toán cá nhân ở Hoa Kỳ hay Ân Châu là khoảng $30:00, trong lúc đó ở Trung Quốc chỉ tốn $2:00 mà thôi. Mục tiêu tối hậu của công cuộc tái tạo nầy là 100% thu hồi lại tất cả vật chất cấu tạo thành để không còn phế thải thải hồi vào bãi rác (Điều nầy không xảy ra cho Trung Quốc hay Việt Nam). Do đó, cần phải có một trình độ cao, và một công nghệ tiên tiến. Thành phần cấu tạo một máy điện toán cá nhân điển hình gồm: 23% plastic, 32% kim loại sắt dưới dạng ferrous (nối đôi), 18% sắt dưới nhiều dạng nối khác nhau, và 12% các board điện tử gồm kim loại vàng (gold), palladium, bạc (silver) và platinum.
Một cơ xưởng tái tạo đúng nghĩa gồm nhiều loại máy tách rời từng bộ phận của máy điện tử được táo tạo. Tiếp theo đó, các phương pháp vật lý, hoá học, từ học v.v…dùng để tách kim loại và plastic. Đây là một ngành tăng trưởng nhanh nhất. Tại Hoa Kỳ hiện có ba đại công ty tái tạo phế thải điễn tử; đó là Sims, GEEP, và ARC với doanh nghiệp lên đến hàng chục tỷ Mỹ kim, với mức tăng trưởng từ 30 đến 40% hàng năm.
Kỹ nghệ tái tạo phế thải điện tử của Trung Quốc
Đứng về mặt quốc tế, chính vì chưa có luật lệ về sự chuyển vận phế thải điện tử qua các quốc gia như luật về chuyển vận phế thải nguyên tử, cho nên một số quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Pakistan, và Việt Nam, vì muốn thu hồi phế liệu, đã phải gánh thêm một số lượng không nhỏ cho dịch vụ phế thải điện tử nầy (ước tính 60 triệu đầu máy cho năm 2005).
Có thể nói, Trung Quốc là địa điểm cuối cùng tiếp nhận 70% phế thải điện tử trên toàn thế giới. Chính nhờ thế, quốc gia nầy đã khai triển một kỹ nghệ tái tạo vĩ đại, nhưng kế quả sau cùng ngày càng đi vào chỗ bế tắc và bi thảm. Thành phố Guiyu, gần Hong Kong, được biết đến như thủ đô thế giới về phế thải điện tử, hiện nay đã trở thành một vùng trong đó hệ thống sinh thái hoàn toàn bi hủy diệt.
Một vài thí dụ điển hình như:
- Công nhân đốt các printed circuit board trong than đá để lấy chips còn sử dụng được.
- Nhúng các board vào acid để lấy vàng (gold). Công nhân được trả 2 Mỹ kim/ngày để làm công việc trên.
- Và sau cùng đổ tất cả phế thải rắn và lỏng còn lại vào sông Lianjiang và biến con sông nầy thành bất khả dụng. Nước sông dùng để tưới tiêu hoa màu, do đó hầu hết các hoa màu nơi đây đều có chứa nhiều kim loại độc hại nhất là Chì (lead) và Thủy ngân (Mercury), Cadmium.
- Khoa học gia Trung Quốc mới vừa tuyên bố đã thành công trong việc tách và sử dụng lại hoá chất PCB (Dioxin tương đương) trong các circuit board. Chất nầy là một lớp mõng cách điện đã được tráng lên trên các board.
Kết quả là gần 80% trẻ em sống ở vùng nầy đều bị nhiễm độc chì! Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Africa (trực tiếp tiếp nhận phế thải điện tử như một bãi rác) cũng mang cùng một số phận như Trung Quốc. Việt Nam tuy chưa được đưa lên danh sách, nhưng qua các số liệu về nhập cảng phế thải của cục thống kê và hải quan, tình trạng trên sẽ không loại trừ cho Việt Nam trong một tương lai không xa.
Một khám phá mới nhất của một nhà khoa học Trung Quốc, TS Ming H. Wong đã đi đến kết luận công cuộc tái tạo phế thải điện tử ở Trung Quốc làm cho lượng Dioxin trong sữa của các bà mẹ sống trong những thành phố phát triển ngành tái tạo trên tăng lên; từ đó trẻ sơ sinh có thêm nguy cơ nhiễm độc Dioxin gấp nhiều lần hơn trẻ em sống ngoài vùng ảnh hưởng. Khám phá cũng cho thấy tỷ lệ ung thư, dị hình dị dạng nơi trẻ con cũng tăng cao.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giới hạn chấp nhận (tolerable daily limit) tiếp nhiễm hàng ngày đối với hai hoá chất Dioxin và PCB ở thành phố trên cao gấp 25 lần hơn bình thường.
Từ các kết quả nghiên cứu trên, vấn đề tái sử dụng phế liệu điện tử cần phải được lưu tâm nghiêm chỉnh hơn nữa đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần thu hồi một số nguyên vật liệu từ các loại phế thải hơn. Đây là một việc làm đúng đắn vừa giải quyết được nguồn nguyên liệu hiếm quý, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân. Nhưng với phương cách ly tách nguyên liệu cổ điển như kể trên, vấn đề an toàn sức khoẻ cho người lao động và người dân sống trong vùng phải là một việc làm ưu tiên. Mức báo động cùa Cơ quan y tế Thế giới đã nói lên tính cách nghiêm trọng của vần đề.
Tâm lý quần chúng trong việc sử dụng máy móc điện tử
Mức tái tạo các máy điện tử ngày càng tăng, tuy nhiên cũng vẫn không hạn chế được vấn nạn phế thải vào môi trường. Vấn đề ngày càng bế tắc vì tâm lý chọn "đồ mới" và khả năng tiêu thụ của người tiêu dùng ngày càng cao. Một thí dụ về điện thoại di động chẳng hạn, trung bình một người Anh có 3,7 điện thoại di động, trong lúc đó mỗi người chỉ cần một mà thôi!.. Do đó tâm lý thay đổi và thói quen mua sắm là hai yếu tố quyết định khiến cho người dân phí phạm qua kết quả nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Xã hội và Kinh tế Anh (Economic and Social Research Council).
Để chuyển đổi một thói quen không lành mạnh trên, hàng năm nhiều Hội thảo được tổ chức dưới nhiều chủ đề khác nhau như: Giảm thiểu Tiêu thụ: Giảm thiểu tiêu dùng, Tiêu dùng lại, v.v… xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở các quốc gia đã phát triển. Các hội thảo nầy nhằm mục đích giúp người tiêu dùng ý thức được vấn đề và thay đổi cung cách cùng nếp suy nghĩ trong nhu cầu máy móc điện tử của mình.
Đối với người tiêu thụ ở các quốc gia đang phát triển, nhu cầu "có mới nới cũ" càng phổ quát hơn, do đó nảy sinh ra tình trạng phí phạm trong lãnh vực điện tử nầy, nhất là đối với một số người bổng chốc từ "nghèo hèn" biến thành "đại gia" lại càng có nhiều trò phí phạm lố bịch hơn nữa. Thiết nghĩ, đây là một căn bịnh không kém tầm quan trọng của các quốc gia nầy như Việt Nam chẳng hạn.
Thay lời kết
Qua phần trình bày trên đây, chúng ta thấy rằng mọi vấn đề đều gồm cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Trong lãnh vực khoa học và văn minh, một tiến bộ khoa học giúp cho con người thăng hoa đến một đời sống thoải mái hơn, tạo dựng nhiều cơ hội cho con người thoả mãn được nhu cầu trong đời sống hàng ngày của chính mình.
Nhưng ngược lại, một khi đạt được nhu cầu của đời sống hiện tại, con người lại muốn đi xa hơn nữa, cố gắng tạo thêm những nhu cầu mới…Từ tâm lý đó, làm cho khoa học phát triển; nhưng cũng từ đó làm cho con người bị tha hoá và chạy theo những nhu cầu không cần thiết. Thế giới đang bất ổn cũng chính vì tâm lý trên. Thêm một điều nghịch lý nữa là chính nhờ tâm lý đua đòi, ưa chuộng mới của người tiêu thụ kích thích các nhà làm khoa học sáng tạo thêm để tạo ra sản phẩm mới, đôi khi không cần thiết cho nhu cầu hàng ngày của con người. Điều nầy sẽ mang đến nhiều tác hại cho môi trường và thiên nhiên cũng bị tổn thương mặc dù kinh tế có tăng trưởngthêm qua dịch vụ nầy.
Bước qua lãnh vực tái tạo máy móc điện tử, một điều không thế chối cãi được là các quốc gia đã phát triển lợi dụng nhu cầu phát triển của các quốc gia đang phát triển để chuyển dịch phế thải độc hại vào các xứ nầy tạo ra một tình trạng bất ổn định về môi trường cũng như nguy cơ ảnh hưởng lên sức khoẻ của người dân. Tình trạng nầy phải được chấm dứt dưới một hình thức nào đó.
Muốn được như thế, các quốc gia tiên tiến cần phải thay đổi não trạng và tâm lý tiêu dùng những máy móc điện tử cho hợp lý, chấm dứt việc sử dụng các quốc gia đang phát triển như một bãi rác cho phế thải điện tử nữa.
Đối với các quốc gia đang phát triển, cần chấm dứt việc sử dụng tù nhân để làm "lao động không công" cho công cuộc tái tạo máy móc điện tử, chấm dứt việc thải hồi vô tội vạ vàa nguồn đất và nước của chính quê hương mình.
Có làm được như thế, thế giới ngày mai mới hy vọng quân bình lại được mức cung và cầu cũng như hạn chế phần nào nguy cơ ô nhiễm toàn cầu.
Mai Thanh Truyết
California 2/2008