Giỗ GS Nguyễn Ngọc Huy

Xin được thắp cây nhang nhớ Chú Ba.

 Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

 

Đọc nhân ngày lễ giổ GS Nguyễn Ngọc Huy tại Sacramento 25/7/2009

 

Phan Văn Song

Thưa Quý vị,

 

Hàng năm cứ cuối tháng 7, anh em bạn bè điện thoại cho nhau, gọi nhau, rũ rê nhau làm sao ráng gặp nhau, ráng đi Giỗ Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Tuổi mỗi ngày một cao, mỗi năm mỗi kiểm điểm lại mất vài tên, hoặc yếu quá đi không nổi hoặc đã vội vã bỏ anh em đi tìm thăm Thẩy Ba. Vì vậy từ nay, mỗi buổi giỗ phải đọc thêm tên mấy bạn, nhóm đệ tử Thầy,  học trò Thầy, gọi là nhớ nhau, và nhánh nhang từ nay sẽ là bó nhang.

 

Mười chín năm rồi, anh  em, hoc trò, đồng chí, chiến hữu, vẫn, kẻ ít, người nhiều, ráng bước theo những bước Giáo sư chỉ dẫn.

 

Người Á đông chúng ta để vị thầy đứng trên cha mẹ : « Quân Sư Phụ ». Ngày nay, thế giới Dân chủ, không còn  « Quân » nữa, các vị Vua của thời đại mới do Dân tạo thành, do Dân dựng lên. Chỉ còn  « Sư » và « Phụ ». Cha thì không làm sao tránh khỏi trừ phi mẹ đi xin thụ thai nhơn tạo để xin một tinh trùng vô danh ở Ngân hàng tinh trùng. Nhưng Sư thì cũng bắt buộc phải có, có  vị thầy khai tâm mở đạo, từ lúc biết đánh vần abc đến lúc thành người. Nhưng có những vị Thầy chúng ta không học, chúng ta chỉ lấy nhơn cách và việc  làm của những vị ấy làm gương làm bài học.Tất cả do cơ duyên.. Thành bại tốt xấu, là xin chờ đến ngày cáo chung cuộc đời.

 

Năm 1961, tú tài xong, tôi  thi đậu học bổng đại học  của Pháp,  để đi học Sciences Politiques ở Pháp. Cha mẹ tôi chấp nhận cho tôi đi Pháp dễ dàng,  là nhờ lúc cha tôi  bị thương,  mù mắt, ông xin được đi học ngành mù tại Pháp. Ở đấy ông bắt liên lạc lại với các đồng chí Đại Việt tỵ nạn tại Pháp, từ năm 1955. Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Ngọc Huy và Mười Minh. Nên khi  nghe tôi đến  nói Viện Khoa Học Chánh trị Paris tuyển sanh viên, ông bèn  cho phép tôi đi thi ngay. « Con ráng theo đường của chú Ba Huy nghe con ».

 

 Ôi duyên nợ !  tôi đi Pháp với học bổng Pháp, quần áo may sắm cũng do các bạn hữu đồng chí Đại Việt « tặng » cho. Một đồng chí thợ may tặng cho một bộ đồ và vài cái áo. Một đồng chí khác tặng cho cái nón nỉ, hiệu Borsalino,  bảo rằng đât Pháp lạnh lắm muà đông phải đội nón. Và nhờ vậy cũng có một cái valise khá đầy đủ  như các du học sanh khác. Có cái là qua Pháp mặc quần áo « sao mà kiểu ông già quá vậy ! », vì thời trang kiểu năm 60/61 là kiểu quần áo theo mốt (mode)  i-ta-lô (Ý đại lợi) áo ngắn, vai to, quần túm, còn quần áo tôi mặc kiểu thời công tử Bặc liêu.  Qua Paris gặp chú Ba, được chú tặng thêm cho một bộ croisé 6 nút mầu gạch cua, mặc vào khi đi vào trường ai cũng tưởng là tài tử ciné Lino Ventura đóng vai Le Gorille (con khỉ đột).

 

Đảng Đại Việt là người Thầy đầu tiên của đời tôi    lý do như vậy.

 

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Chú Ba Huy của tôi, nhà thơ Đằng Phương, đồng chí Ba Hạnh, Anh Ba là thầy dạy tôi đánh vần. Thầy dạy tôi tập tểnh vào đời đảng viên, thầy dạy tôi vào nghề Chánh trị học. Ôi làm sao quên được những ngày cuối tuần ở Paris cùng nhau chạy bàn ở quán Sông Hương (La Rivière des parfums) đường Montagne Saint Geneviève quận 5 Paris, nơi tỵ nạn của Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, cựu Bô trưởng Bô Thanh Niên, người lãnh tụ lúc bấy giờ của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Khi quán vắng khách hay sau khi khách về, vừa rửa chén, lau bàn, vừa đấu chánh trị với nhau. Ông Tư (Bác sĩ Hoàn) ít nói, chỉ có hai người nói  nhiều với nhau là hai anh  sanh viên Chánh trị học (Trường Sciences Politiques, đường Saint Guillaume Paris quận 7), ông đàn anh, Cao học, thằng đàn  em, năm thứ nhứt. Anh Ba nói say sưa đủ cả đế tài, thằng em thắc mắc đến đâu, ông giảng tới đó, nào là nhận định thời sự Pháp, quốc tế, nào chiến thuật Mỹ đối với chiến tranh lạnh. Thời gian ấy là thời gian đầu  của Tổng thống Kennedy, nhà chánh trị đẹp trai, nhà giàu, học giỏi, trẻ tuổi tài cao .. vân vân .. Nào là Kennedy đụng độ với Kroutchev, nào là vụ Vịnh Con Heo, tình hình Việt nam…chuyện  Nhà Ngô,  .. chuyện  Đảng Cần Lao, thuyết Nhân Vị, ..phân tích  những khó khăn của những sanh viên gốc Quốc gia trước sức ép của Mật Vụ Cần Lao của Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng hòa, …và  cộng với những khó khăn đó, anh em sanh viên gốc Quốc gia lại phải đương đầu với cái giọng ngọt bùi tình dân tộc của nhóm Việt cộng…. Thời điểm ấy, tựa tựa giống như không khí chánh trị của  Việt nam, những ngày hôm nay : ở Việt nam lúc ấy đã bắt đầu có những rạn nứt của một chế độ độc tài, của một nhà cầm quyền càng ngày càng xa lánh dân,  với một chủ thuyết ngoại nhập không bắt rễ được trong sanh hoạt văn hóa cổ truyền Việt nam,  với những mưu toan kiểm soát các Tôn giáo, tạo dựng những nhà thờ quốc doanh, những Giáo hội gia nô..với một Quốc hội, bù nhìn, gia nô, với những Tổng bộ trưởng Nghị sĩ Dân biểu gật...  Và anh Ba, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy phân tích phải làm sao để lật đổ, để trả lại dân chủ cho Việt nam Cộng hòa.  Quan niệm « ba mủi giáp công » cũng thành hình từ đấy :

 

- ngoại quốc vận với bạn bè quốc tế ( lúc bấy giờ lẫn lộn giữa Quốc cộng - thế người quốc gia rất khó khăn - chủ thuyết Trung lập các đệ tam Quốc gia với trường phái Hội nghị Bandung do ba nhơn vật điển hình quốc tế là Nehru, Soekarno và Sihanouk )

 

-đấu tranh hải ngoại do du học sanh biểu tình và vận động bạn bè (càng khó khăn vì đàn áp kinh tế của Mật vụ các Tòa Đại sứ VNCH), và sanh viên thân cộng.

 

-đấu tranh trong nước  (Đảng Đại Việt – lực lượng Phật giáo, quân đội, giáo phái bất mản   ..).

 

Rồi ngày mồng 1 tháng 11năm 1964, rồi Chú Ba, Bác Tư về nước. Lịch sử Việt nam, chiến sự Việt nam  vẫn hằng ngày diển trên những trang nhứt cửa những nhựt trình phương Tây. Năm mươi năm rồi, những lời thầy dạy vẫn vẳng vẳng hằng ngày ngày  bên tai.

 

Rồi năm 1971, tôi ra trường, trình luận án xong, tôi về nước. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy giao cho tôi hai công tác:

 

1/ Tô chức Trí thức Vận, cùng với anh bạn đồng tuổi, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết quen nhau ở Pháp, đã từng hoạt động với nhau. Khi Giáo sư qua Pháp,  trong vai trò Cố vấn Hòa đàm Paris, năm 1969, đã được  Mai Thanh Truyết chở đi vận động vùng Miền Đông nước Pháp từ Dijon qua Besancon, Belfort, Mulhouse, Colmar, Strasbourg, về lại Nancy và Paris. Về nước cùng thời gian với nhau, sau khi bắt liên lạc với nhau, thừa lệnh Giáo sư, tôi đã giới thiệu Truyết vào Đảng và Truyết bí mật « Tê Đơ » Tân Đại Việt tại nhà Ông Cụ tôi, là anh Ba Xướng, đường Nguyễn Duy Dương, sau lưng trường Nam Sinh Mù chợ An Đông. Hôm ấy có mặt Giáo sư do ông cậu tôi là Thiếu tá Nguyễn Trọng Đệ chở đến. Hệ thống Trí thức Vận, Truyết và tôi, bị cạnh tranh rất mạnh bởi ảnh hưởng của ông cố vấn về sau Tổng trưởng Bộ Dân Vận là anh Hoàng Đức Nhã, cũng là anh bạn đồng môn trung học Lycée Yersin với tôi.

 

Hôm nay, vì bạn Mai Thanh Truyết đã chấp nhận ra ánh sáng cùng với tôi điều hành Đại Việt Quốc Dân Đảng nên tôi mới kể chuyện ầy với quý bạn, trước là để cám ơn Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã dành cho tôi những ưu ái đặc biệt, sau cũng đễ giới thiệu bạn Mai Thanh Truyết với quý vị, mặc dù bạn Truyết cũng không không phải xa lạ gì với quý bạn.

 

2/ Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy  cũng giao cho tôi và anh Trần Minh Xuân làm công tác dựng lên một  Viện Đại Học thương mãi, « Trường Cao đẳng Thương mãi Minh Trí ». Công tác là phải tạo một lớp cán bộ cán sự và chủ sự  trong những ngành công thương nghiệp tư doanh của mạng lưới kinh tế tương lai của Việt nam. Bạn Mai Thanh Truyết không cùng tôi trong công tác ấy. Truyết bận phải lo tổ chức Đại học Cao Đài. 

 

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Giáo sư Nguyễn Văn Bông đã gieo rắc cán bộ hành chánh của nền Cộng hòa Việt nam với những ý niệm, quan niệm, tư tưởng cho một nền chánh trị, hành chánh công minh, sáng sủa,  với những quan niệm rõ ràng về dân chủ hiến định thực sự, với một  đối lập xây dựng, kiểm soát (Nguyễn Văn Bông), với nhũng chu kỳ thay phiên cầm quyền (Nguyễn Ngọc Huy) Quan niệm Check and balances biến thành tập tục chánh trị dân chủ.. . Cùng với hai Giáo sư, cũng nhắc và tưởng niệm Ký giả Phạm Thái Nguyễn Ngọc Tân, anh Bảy Bớp đi reo những hạt giống dân chủ ....

Đến phiên chúng tôi, anh Xuân và tôi, chúng tôi lãnh sứ mạng gieo rắc và tổ chức mạng lưới cán bộ dân sự tương lai đóng góp cho mạng lưới  quản lý các công thương nghiệp tư doanh cho Việt nam thời hậu chiến tranh. Phải, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã nghĩ đến thời hậu chiến rồi.

 

Viện Đại học Trường Cao đẳng thương mại Minh Trí khai giảng mùa nhập trường năm 1974.

 

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy ngoài tài đức của một nhà mô phạm, ông lại là một lãnh đạo chánh trị biểu hiện được đức tín của người xưa.

 

Chính cái đạo đức, tư cách, tấm lòng, nếp sống của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã tạo cho người lãnh đạo này một tấm gương sáng, để trông vào gương là cấp dưới tuân thủ mà không cần đến nghiêm lịnh.

 

Ngoài cái đức theo nghĩa đạo lý kia. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy còn hội đủ những đức tánh theo quan niệm đạo lý chánh trị cỗ thời : lập Đức, lập Ngôn, lập Công.

 

Thưa Quý vị,

 

Ở đây tôi chỉ xin nhấn mạnh vài nét chánh về con người của GS Nguyễn Ngọc Huy:

 

Về lập Đức, có lẽ không một ai hoài nghi về đức độ và lòng bao dung của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đối với chiến hữu, với bạn bè và cả với mọi người anh  em quen biết xa gần.

 

Về lập Ngôn, hay lập Thuyết phải nói đến nền tảng của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là Dân chủ. Mà Dân chủ nào ? Ông không bao giờ nói đến Dân chủ đa nguyên. Dân chủ đương nhiên là đa nguyên rồi. Dân Chủ mà ông khai triển để lập chánh thuyết cho đoàn thể của ông từ trước năm 1975 ở Việt Nam là Dân chủ Pháp trị và Dân chủ dân bản.

 

Về lập Công. nếu ngày trước, Đại Việt Quốc Dân Đảng đã tin tưởng và giao cho ông những chức vụ then chốt để cuối cùng ông trở thành vị lãnh đạo, thì sau ngày ra hải ngoại, ông ráo riết xây dựng một dư luận chánh trị Việt Nam cho cuộc đấu tranh giải phóng quê hương. Ông có cái nhìn tổng hợp, theo định hướng thực hiện ba yếu tố, mà người ta gọi đó là công án hay phương trình Nguyễn Ngọc Huy : hải ngoại - quốc tế - quốc nội.

 

Phương trình nầy ngày nay trong tình hình mới, trong mặt trận mới vẫn luôn luôn thời đại. :

 

 - Hải ngoại hỗ trợ trong nước, cờ vàng tung bay ngạo nghễ trên mọi đường phố Huê kỳ.

 - Quốc tế ủng hộ đấu tranh bên nhà, Nghị quyết Liên Hiệp Âu châu tố cáo tình hình xâm phạm Nhơn quyền ở Việt Nam. Nhà trắng Huê kỳ lo lắng theo dõi tất cả mỗi xâm phạm vào quyền Tự do Dân chủ ở Việt Nam

 - Tại Quốc nôi tình hình đấu tranh cao. Cuộc biểu tình đòi bồi thường đất đai của dân oan khiếu kiện ở Sài gòn, ở Hà nội có thể hôm nay đã bị đàn áp và dẹp đi. Nhưng ngày nào dân oan chưa được giãi quyết thỏa đáng thì ngày đó vẫn có thể bùng nỗ. Và hôm nay hiểm họa Bô Xít, ngày mai hiểm họa Hán hóa, Bắc thuộc....

 

Đưa lại cái nhìn tổng kết việc lập Đức, lập Ngôn, lập Công của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, chúng ta có thể quả quyết ông đã thành công thu phục được dư luận thuận lợi cho cuộc đấu tranh cho Việt Nam .

 

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy trong thế hệ những nhà tranh đấu trưởng thành vào thời điểm Đệ nhị Thế chiến là một  trong những nhà tranh đấu lúc bấy giờ chủ trương đấu tranh dựa trên cơ sở sanh hoạt hiến định. Ông là người đầu tiên mạnh dạn thực hành Dân chủ Pháp trị trong sanh hoạt chánh trị quốc gia. Trong cái không khí « cách mạng » của những nhà tranh đấu chống Pháp, rồi chống Cộng sản, «  chỉ mong lật đỗ chánh quyền bằng bạo lực », có thể nói ông là người duy nhứt sớm hơn hết có can đảm nối tiếp truyền thống một Nguyễn An Ninh, một Tạ Thu Thâu để cổ xúy việc thực hành thuyết Dân chủ Pháp trị theo tinh thần hiến định. Trong sanh hoạt chánh trị quốc gia, khối dân biểu Dân quyền tại Quốc hội ( thuộc Phong trào Quốc gia Cấp tiến) nắm giữ vai trò đối lập để ngăn chận sự lạm quyền của hành pháp, sự « nâng bi » của một số dân biểu  «  thân chánh » ngỏ hầu bảo vệ nền dân chủ non nớt trước áp lực ồ ạt của Cộng sản. Điều ông bảo vệ là tánh « hiến định » của chế độ Sài gòn. Đó là cái biên giới cuối cùng để xác định thể chế tất yếu tranh đấu chống lại chủ trương thôn tính của Cộng sản Hà nội.  

 

Thưa Quý vị,

 

Nếu ta có giữ một hình ảnh trong mọi khía cạnh con người Nguyễn Ngọc Huy, có lẽ, đối với tôi, người đã được ông giao phó nhiệm vụ « trồng người », một Viện Đại Học, để đào tạo những con em của đất nước  Đại Việt, đó là hình ảnh nhà làm chánh trị Dân chủ Pháp trị. Khi cầm quyền ta làm bổn phận công dân, khi không cầm quyền ta cũng làm bổn phận công dân. Ông vẫn mơ ước cho Việt Nam một chế độ lưỡng đảng và Tổng thống chế (không phải vì ông muốn bắt chước Huê Kỳ) qua hình ảnh « chân mặt bước trước, chân trái bước theo) theo hình ảnh chánh phủ luân phiên thay đẩi theo kết quả bầu cử định kỳ (alternative). Thay phiên cầm quyền thay phiên đối lập. Đối lập trong xây dựng, đối lập trong cùng trách nhiệm tổ chức.

 

Lấy Dân  chủ làm trọng tâm lập thuyết, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đặt rõ vấn đề Việt Nam là vấn đề chánh trị. Giáo sư là nhà chánh trị Việt Nam duy nhứt thời bấy giờ đặt rõ vai trò Dân chủ Pháp trị và Hiến định trong hoạt động chánh trị. Với vai trò ấy, với những bài thuyết Giáo sư đã viết và để lại, chúng ta, những đồng chí, những người học trò, những đàn  em, đàn cháu, chúng ta đã thừa hưởng một gia tài tư tưởng chánh trị hiếm có, chúng ta phải quyết giữ lấy gia tài, và vốn liếng quý báu mà Giáo sư đã trao lại cho chúng ta.

 

Tôi xin mượn lời thơ của đồng chí quá cố Diệp Thanh, người đàn  em của Giáo sư trong nghề thơ, để tưởng nhớ về con người Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy :

 

Ngưởng vọng Anh, một vị Thầy ưu tú

Lý thuyết gia, cách mạng từ tuổi thanh

Đường Sanh Tồn Dân Tộc, mãi vận hành

Không tư lợi, lẫn cầu danh xã hội.

 

 

 

 

 Cuối tháng bảy 2009

Phan Văn Song

 

 

 

//////////////////////////////////////////////////