Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt
GARDEN GROVE, California (NV)- Một cuộc hội thảo khá quy mô vừa được đài truyền hình SBTN (Saigon Broadcasting Television Netwok) tổ chức tại phòng thu hình lớn của đài vào tối hôm Thứ Tư 29 tháng 4. Buổi hội thảo này được thu hình và chiếu trực tiếp suốt 3 tiếng đồng hồ trên làn sóng SBTN, đưa tin tức và hình ảnh hội thảo đến các khán thính giả trên khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và Canada. Cuộc hội thảo cũng nhận những góp ý của khán thính giả khắp nơi qua điện thoại và điện thư đến đài trong giờ phút hội thảo.
Ðài với sự phối hợp của ông Võ Long Triều, cựu Tổng Trưởng Thanh Niên (Tổng Ủy Viên Thanh Niên) trong nội các chiến tranh của Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã mời một số các nhân vật quân sự và hành chánh cao cấp trong chính phủ VNCH trước đây. Theo dự trù có tới 7 nhân sĩ nhưng vào phút chót chỉ có cựu đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ, ông Bùi Diễm, cựu Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết và ông Võ Long Triều. Những nhân vật trên là những vị xuất hiện trên bàn chủ tọa, còn một số các vị khác được mời tới tham dự ngồi phía dưới gồm cựu Thứ Trưởng Giáo Dục Nguyễn Thanh Liêm, cựu Thẩm Phán Ðặng Ðình Long và cựu Thẩm Phán Phạm Ðình Hưng và các phóng viên báo chí truyền thông tại Nam California.
Chủ đề của cuộc hội thảo là "Việt Nam trước hiểm họa Trung Cộng".
Sau khi ông Võ Long Triều giới thiệu chủ tọa đoàn, cựu Ðại Sứ Bùi Diễm phát biểu sơ lược về tình hình Việt Nam hiện nay trước một hiểm họa mà cả người trong nước lẫn ngoài nước đều rất ưu tư. Cựu Ðại Sứ Bùi Diễm ghi nhận rằng cuộc tổ chức hội thảo như thế này của Ðài SBTN là một công việc hữu ích. Ông nói: "Chúng ta kỷ niệm ngày 30 Tháng Tư từ bao nhiêu năm nay không phải là để hận thù chứa chất như cộng sản thường nói mà là để nhắc nhở nhau những đau thương mất mát mà cả dân tộc chúng ta phải chịu đựng khi cộng sản nắm quyền hành. Hiểm họa nước lớn Trung Cộng đã diễn ra nhiều lần trong lịch sử VN. Và hẳn người cộng sản VN vẫn chưa quên được cuộc chiến tranh Việt Trung vào năm 1979 do Ðặng Tiểu Bình muốn 'cho Việt Nam một bài học' để đến năm 1999 CSVN phải thỏa thuận một biên giới mới và những thỏa hiệp về lãnh hải, tiếp theo là việc Trung Cộng ngang nhiên tiến chiếm Hoàng Sa, Trường Sa. Nay thì Trung Cộng lại được nhà nước CSVN thuận cho Trung Cộng đưa hàng chục ngàn chuyên viên, nhân công vào khai thác quặng Bô Xít".
Cựu đại sứ nhấn mạnh: "Là người Việt Nam thì chúng ta dù ở đâu cũng phải ý thức đến hiểm họa đó. Buổi hội thảo hôm nay nhằm để chúng ta khẩn cấp nói lên âm mưu nước lớn của Trung Cộng hầu cùng nhau tìm ra được phương thức cho thế giới và dân trong nước biết đến lòng tham của Trung Cộng đã bằng nhiều hình thức mà xâm chiếm đất nước chúng ta".
Cựu Ðại Sứ Bùi Diễm cũng còn nhắc đến âm mưu xâm lấn của Trung Cộng qua những sự kiện cuộc chiến Ðiện Biên Phủ mà nhiều tài liệu đã bạch hóa là do Trung Cộng chỉ huy và hiệp định chia đôi đất nước là do quyết định của Chu Ân Lai, thủ tướng Trung Cộng, lúc bấy giờ. Cũng như các cuộc tiến chiếm Hoàng Sa vào năm 1974, lập nhiều công trường ở Nam Lào và thuê mướn đến 99 năm một vùng đất chiến lược ở Cambodia cùng CSVN hoàn tất xa lộ Trường Sơn, tất cả là nằm trong âm mưu xâm chiếm Ðông Dương một cách êm thấm trong những năm vừa qua. Nay với việc khai thác Bô Xít ở cao nguyên trung phần VN với hàng chục ngàn chuyên viên, nhân lực Trung Cộng lại đã hoàn tất chiếm được cái mái nhà Ðông Dương để khống chế toàn vùng Ðông Nam Á.
Tiếp lời cựu Ðại Sứ Bùi Diễm, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết đã tóm tắt việc khai thác nhôm ở Ðắc Nông đã diễn ra từ tháng 6 năm 2008. Với dự án này của Trung Cộng và CSVN (dự án 2011) theo Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh thái toàn miền trung vì phải cung cấp cho dự án đến 15 triệu mét khối nước, 58 tỉ kilowatt điện thì VN làm sao cung cấp đủ, phải nhờ đến Trung Cộng nữa. Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết cũng đưa ra những con số thuyết phục rằng việc khai thác nhôm ở Ðắc Nông không có lợi gì về mặt kinh tế nếu so sánh thành quả với việc khai thác cao su, cà phê... mà dân chúng toàn vùng đang thực hiện. Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết kết thúc phần nói chuyện của mình rằng: "Âm mưu của Trung Cộng thì đã có từ lâu và nay được CSVN tiếp tay nên chúng ta cần phải lên án cộng sản VN trước hết".
Ðến đây thì một bạn trẻ, cô Lữ Anh Thư, đưa ra một tin tức là trong việc khai thác nhôm ở VN, hãng Alcoa của Hoa Kỳ cũng đang dự kiến ở Gia Nghĩa và công việc đang được thương thuyết với nhà cầm quyền Hà Nội thì liệu việc này sẽ thế nào đối với công việc tranh đấu của chúng ta. Chủ tọa đoàn xác nhận có việc đó nhưng nay Alcoa đã xin rút lui rồi.
Tiếp đó cuộc hội thảo đã diễn ra với những đóng góp ý kiến của những người có mặt trong cuộc hội thảo và khán thính giả bên ngoài gọi vào đài hay email cho đài. Nhiều ý kiến cho rằng sự việc Trung Cộng lấn chiếm, âm mưu xâm lược của Trung Cộng đã rõ, không còn phải hội luận bàn thảo gì nữa mà hãy qui trách nhiệm chính vào nhà cầm quyền CSVN, kêu gọi toàn dân hãy phản ứng trước nguy cơ mất nước này, đòi nhà cầm quyền CSVN phải dứt khoát, cụ thể là phải nộp lên Liên Hiệp Quốc hồ sơ lãnh hải của mình trước hạn 13 tháng 5. Một số ý kiến khác kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước hãy hưởng ứng lời kêu gọi của Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ hãy "biểu tình tại gia" suốt trong tháng 5 để bầy tỏ thái độ với nhà cầm quyền Hà Nội về nguy cơ mất nước. Với người Việt hải ngoại thì hãy không về VN, không gửi tiền về VN thêm một tháng nữa để hưởng ứng lời kêu gọi này đồng thời rủ nhau tẩy chay hàng hóa "Made in China" vì vừa lý do an toàn sức khỏe vừa bầy tỏ thái độ chống sự xâm lăng của Trung Cộng. Một bạn trẻ đưa lên một câu hỏi "ba vị" trên bàn chủ tọa về trách nhiệm đã làm mất nước nay các ông nghĩ sao (!)thì cựu Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo và ông Võ Long Triều đã nhũn nhặn trả lời rằng trách nhiệm về việc mất nước là toàn dân VN chứ không riêng cho một ai. Vả lại thế chiến lược quốc tế an bài cho những đất nước nhược tiểu thì khó mà cưỡng lại được. Nhiều tài liệu nay đã cho biết như vậy, như cố Tổng Thống Nixon đã viết trong hồi ký "No More Vietnam" rằng "chúng ta đã thất bại và chúng ta đã phản bội đồng minh". Nếu chịu học hỏi một chút thì sơ đẳng nhất cũng hiểu được. Riêng Tướng Lê Minh Ðảo, một chỉ huy trưởng điều quân tham chiến đến giờ phút cuối cùng, thì trả lời bằng những xúc cảm thương cho một bạn trẻ không hiểu biết đến nơi và ông cũng nêu ra rằng thời gian này, trước nguy cơ này tuổi trẻ các anh sẽ làm gì đây và đã làm chưa.
Câu chất vấn của bạn trẻ này cũng làm khán thính giả bên ngoài không đồng ý và gọi vào đài phản ứng nhưng đài thấy không cần thiết cho cuộc hội thảo nên đã không tiếp tục loan báo.
Sau gần ba tiếng, cuộc hội thảo đã được cựu Ðại Sứ Bùi Diễm đúc kết lại rằng mọi ý kiến đều cho rằng "Việt Cộng đã bán nước rõ ràng, người Việt hải ngoại cần phải lên tiếng thông báo rộng rãi cho người trong nước được biết. Kêu gọi người trong nước hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình tại gia của Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ. Kêu gọi cộng đồng người Việt hải ngoại không về nước, không gửi tiền về trong tháng năm. Những hình thức tranh đấu trên cho dù có đạt hiệu quả ít nhưng cũng đã đánh động lương tâm của mọi con dân Việt. Ðây là một cơ hội để sự phẫn nộ của người dân sẽ nổ bùng".
Trước khi kết thúc, cựu Ðại Sứ Bùi Diễm nhận xét rằng: "Ðây chỉ là bước đầu, không chỉ cho đài truyền hình SBTN mà là cho tất cả chúng ta." (N.H.)