Tản Mạn về Nhà Máy Giấy Hậu Giang

Tãn Mạn Về Nhà Máy Giấy Hậu Giang

 

 

Theo tin báo chí trong nước , một nhà máy giấy ở Hậu Giang đã được khởi công ngày 6/8/2007 tại khu công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Dự án nầy với 100% nguồn vốn ngoại quốc với mức đầu tư 1,2 tỹ Mỹ kim, phỏng theo dây chuyền sản xuất của Cty Giấy Lee&Man Paper và có công suất 570 ngàn tấn giấy/năm. Diện tích đất đầu tư khoảng 200 hecta.

 

Dự án nằm trong trung tâm nông nghiệp của ĐBSCL, và diện tích rừng bao phủ (trên bản đồ không kể hàng trăm ngàn hecta rừng tràm đã biến mất do công cuộc bùng nổ nuôi tôm từ thập niên 1990) theo ước tính chỉ "hy vọng" có cơ may đáp ứng 20% công suất của nhà máy khi hoàn thành. Trong kế hoạch của dự án, việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu hoạt động của dự án là 120.000 hecta trồng cây làm nguyên liệu cho nhà máy.

 

Qua quy mô "vĩ đại" của dự án, cũng như dự án đã được chấp thuận từ trung ương đến địa phưong qua liên Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương, cũng như được thông qua quốc hội và các Uỷ ban tỉnh, huyện tỉnh Hậu Giang. Đặc biệt Dư án đã được sự yểm trợ của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, sau khi đi tham quan nhà máy giấy Lee&Man Paper đặt trụ sở tại Hong Kong.

 

Đôi hàng "lý lịch trích ngang" của GS TS Nguyễn Ngọc Trân

 

Ông vốn là một sinh viên du học ở Pháp do học bổng của Việt Nam Cộng Hoà cấp vào đầu thập niện 1960. Trong thời gian học tập và làm việc tại Pháp, ông được móc nối (?) và cùng với Nguyễn Ngọc Giao (hiện còn ở Pháp) lãnh đạo Hội Liên Hiệp Sinh viên tại Pháp vào giữa thập niên 60. Chúng tôi có dịp gặp gỡ (?) hay chạm trán (?) ông vài lần ở hí viện Maubert bên Pháp.

 

Về nước sau 1975, ông trực tiếp tham gia vào guồng máy lãnh đạo của đảng Cộng sản. Từ vai trò quản lý "người Việt ở nước ngoài" đến các dịch vụ trong quốc hội sau khi ông được chỉ định làm đại biểu quốc hội.

 

Chúng tôi không còn nhớ rõ ông tranh cử ở đơn vị nào vì điều đó không cần thiết, vì ông có thể được chỉ định ứng cử bất cứ nơi đâu đảng cần, dù biết rằng ông không phải là người địa phương nơi ông ứng cử. Và kết cuộc ông vẫn đắc cử với số phiếu 99,..%.

 

Sau nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc Hội CS Việt Nam, ông được "điều" về làm công việc quản lý phát triển vùng ĐBSCL cho đến ngày hôm nay.

 

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân và Dự án nhà máy giấy Hậu Giang.

 

Do chức vụ và nhiều liên hệ với các cấp lãnh đạo , dự án trên được chấp thuận dễ dàng không cần thông qua những thủ tục hành chánh trước khi bắt đầu xây dựng nhà máy.

Khi TS Phạm Mạnh Tài, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường, thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Mội trường Việt Nam cho rắng :"Danh mục các dự án phải lập báo cáo tác động môi trường ban hành…". GSTS Nguyễn Ngọc Trân trả lời rằng:"Tôi lập tức gặp TS Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường nói đang giúp Hậu Giang làm báo cáo tác động môi trường. Và việc nầy là làm thêm cho chắc chứ pháp luật không bắt buộc ," (trích báo Thanh Niên Online ngày 20/9/2007)

 

Nhận thấy đây là một dự án lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn vùng ĐBSCL, chúng tôi thấy có bổn phận nói lên một vài quyết định tuỳ tiện vượt qua mọi thủ tục pháp lý và không cần lưu tâm đến việc bảo vệ môi trường. Hai điều "bức xúc" qua phát biểu của GS TS Nguyễn Ngọc Trân phản ảnh lề lối làm việc hết sức "xã hội chủ nghĩa". Đó là:

 

1-    Bộ trưởng nói sẽ làm báo cáo tác động môi trường của nhà máy trong khi nhà máy đang được xây cất. Như vậy mục đích của việc nghiên cứu tác động môi trường là gì nếu không là xét đến tính khả thi của nhà máy đối với môi trường chung quanh trước khi được cấp giấy phép xây dựng?

 

2-    Còn Giáo sư Tiến sĩ nói làm là làm thêm chứ luật Mội trường không bắt buộc. Chúng tôi xin trích ra đây Chương I Điều 2/11 của Luật môi trường Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh phê chuẩn ngày 8/1/1994 :"Đánh giá tác động mội trường là quá trình phân tích, đánh giá, dự báo ảnh hưởng đến môi trường của các dự án, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình kinh tế, khoa học, kỹ thuật, y tế, văn hoá, xã hội , an ninh, quốc phòng và các công trình khác, đề xuất  các giải pháp thích hợp về bảo vệ môi trường."

 

Thưa Giáo sư Tiến sĩ, cơ sở văn hoá (không tạo ra phế thải rắn, lỏng và khí!) nhưng theo luật Môi trường cũng cần phải có đánh giá tác động môi trường trước khi chấp thuận dự án huống chi một dự án lớn như dự án nhà máy giấy Hậu Giang hàng năm có trên 30 ngàn tấn xút caustic thải vào môi trường cùng với hàng trăm triệu m3 nước trong quá trình làm bột giấy?

 

Sau đó Giáo sư Tiến sĩ lại phán tiếp :"Dây chuyền sản xuất của các nhà máy giấy Lee&Man (tên đúng là Lee&Man Paper) đều đạt chuẩn ISO 9000, ISO 14000. Tôi không ăn một xu nào của nhà đầu tư, tôi nói trên cơ sở kiểm chứng kỹ của một nhà khoa học." (báo đã dẫn ở phần trên).

 

Thưa Giáo sư, chúng tôi lại có thêm "bức xúc" về phát biểu trên của một giáo sư tiến sĩ toán:

 

1- Cty Lee&Man Paper là một Cty có đăng ký tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 14001. Hai nhóm tiêu chuẩn nầy khác và cao hơn tiêu chuẩn mà GS tuyên bố không đúng sự thật.

 

2 - Giáo sư nói thêm là "tôi không ăn một xu nào của nhà đầu tư", điều nầy làm cho người viết tự đặt dấu hỏi là như vậy trong những lần chấp thuận các dự án trước kia, có lẽ GS có ăn "vài đồng xu" chăng?

 

3 – Giáo sư nói trên cơ sở kiểm chứng "kỹ của một nhà khoa học". Xin thưa, Giáo sư là một tiến sĩ toán, và sinh hoạt "chính trị" từ trước năm 1975 đến nay, Giáo sư bận biết bao công việc bên trong và ngoài nước; vã lại chuyên môn của giáo sư là Toán học…Như vậy làm thế nào Giáo sư kiểm chứng "kỹ" được vì không nằm trong chuyên môn của mình. Khi đi tham quan nhà máy giấy Lee&Man Paper ở Hong Kong,  giáo sư có thu thập được quy trình chế tạo bột giấy cùng những phương pháp tái tạo lại xút caustic cùng quy trình xử lý nước thải…để có thể áp dụng cho nhà máy giấy ở Hậu Giang hay không?

 

Qua một số bức xúc trên đây, chúng tôi nhận thấy dù sao Giáo sư đã từng là một Chủ nhiệm Uỷ ban ở Quốc hội, cơ quan tạo dựng luật pháp cho Việt Nam, Giáo sư phải là người cần hiểu "tường tận" các luật lệ liên hệ đến các chuyên môn nhất là trong lãnh vực khoa học và môi trường  để hướng dẫn "nhân dân" làm đúng trong công cuộc phát triển Đất và Nước.

 

Hy vọng trong những quyết định cho các dự án trong tương lai ở ĐBSCL, Giáo sư cần thận trọng hơn trong việc phát biểu những lời vàng ngọc để cho bà con vùng ĐBSCL có cơ may hưởng được một phần phúc lợi do Tiến sĩ ban bố.

 

Khoa học cần phải "trong sáng" và chính xác.

 

Kính chúc Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân được nhiều sức khoẻ và giữ vững lương tâm chức nghiệp trong sáng của một nhà khoa học gốc chuyên toán nhất là trong trách nhiệm đối với sự sống còn của ngườ8i dân vùng Hậu Giang.

 

Mai Thanh Truyết

West Covina 10/2007

 

 

 

 

 

//////////////////////////////////////////////////