Tản Mạn Về Thuyết Tiến Hóa


Hiện nay, trên thế giới vẫn còn rất nhiều nhà khoa học đặt vấn đề nghiên cứu về thuyết tiến hóa. Họ cố truy tìm về nguồn gốc con người, về thuyết Big Bang, về thời tiền sử v.v…Dĩ nhiên, kết luận của những tim óc toàn cầu  thường thường không giống nhau, đôi khi  đối kháng nhau, tạo ra nhiều tranh cãi mà người viết thiết nghĩ chỉ làm phí thì giờ và tiền bạc về những cuộc tranh luận không có lối thoát trên.


Thậm chí, nhiều nhà khoa học còn có tham vọng sẽ có một ngày có một nhà "vẽ kiểu" thật thông minh, superior designer để đưa ra một kiểu mẩu duy nhứt cho thuyết tiến hóa mà không cần kiểm chứng sau đó sẽ như thế nào! Tổng thống Obama cũng cổ súy việc truy tìm chứng tích của thuyết tiến hóa và có đề ra một số ngân khoản cho vấn đề nầy.

1-    Thuyết Tiến hóa và

​Thuyết ​
Sáng tạo (Evolution and Creationism)

 

Năm 1987, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết trong trường hợp Edwards v. Aguillard rằng yêu cầu giảng dạy "khoa học sáng tạo" (creation science) cùng với thuyết tiến hóa đã vi phạm Tu chính án I, vì việc giảng dạy như trên sẽ nhằm mục đích quảng bá tôn giáo.


Chủ thuyết sáng tạo là tin rằng Thiên Chúa đã tạo ra vũ trụ và mọi thứ trong đó, như được mô tả trong Sáng thế ký (Genesis). Một biến thể của thuyết sáng tạo là thuyết thiết kế thông minh (intelligent design), trên nguyên tắc chấp nhận sự tiến hóa, nhưng lý luận rằng lý thuyết lựa chọn tự nhiên (theory of natural selection) của Charles Darwin không thể giải thích đầy đủ nguồn gốc của cuộc sống hoặc sự xuất hiện của các thực thể sống phức tạp (highly complex life forms). Có vẻ như là một "một thực thể quyền lực" thông minh không tên (unnamed intelligent force) là người sáng tạo và người hướng dẫn cuộc sống trên trái đất nầy.

Hầu như tất cả các nhà khoa học đều phản đối thuyết sáng tạo và thuyết thiết kế thông minh vì hai thuyết nầy không có luận cứ khoa học chứng minh.

Cả TNS McCain lẫn TT Obama đều tin vào thuyết tiến hóa, và cả hai đều không muốn nhìn thấy thuyết thiết kế thông minh như là một khoa học và cần được giảng dạy ở học đường.

McCain đã không tuyên bố rõ ràng vị trí của mình về việc giảng dạy thuyết thiết kế thông minh trong trường học. "Tôi tin tưởng vào thuyết tiến hóa," ông nói. "Tôi tôn trọng những người nghĩ thế giới đã được tạo ra trong bảy ngày. Nhưng nếu nó được dạy trong một lớp khoa học, chắc là không nên".

2-    Suy nghĩ của người viết

Những suy nghĩ tản mạn dưới đây đưa ra một số nhận định chủ quan về vấn đề trên và xin được chia xẻ với người đọc.

Khoa học là một cuộc truy tìm sự thật hiện hữu trong thế giới thiên nhiên (trời đất) một cách có tổ chức. Chính tự khoa học không có điểm bắt đầu và điểm đến sau cùng.

·       Khoa học cũng không phải là chân lý;

·       Khoa học chỉ chứng thực số điều kiện, hiện tượng mà đa số chấp nhận trong thời điểm điều kiện hay hiện tượng được khám phá và chứng minh;

·       Điều khoa học chấp nhận là đúng trong hiện tại chỉ là tương đối. Những khám phá mới sau đó (đã được chứng minh) trong tương lai có thể "chứng minh" …cái sai của cái đúng trong quá khứ!

Nếu một hiện tượng hay điều kiện trên có tính cách hằng hữu và bất biến trong một thời gian dài, chúng có thể trở thành định luật. Nhưng, trong một chừng mực nào đó, nhưng những điều trên có bất biến mãi mãi với thời gian hay không đó mà một chuyện khác.


Trong quá trình lịch sử của khoa học, có biết bao định đề, định lý (postulate, theorem), một số hiện tượng khoa học đã từng ngự trị hàng thế kỷ, nhưng rốt ráo rồi cũng bị "đả phá'" bằng những chứng minh ngược lại hay bổ túc.

Thiết nghĩ, đây không phải là vấn đề Đúng - Sai, mà chính là do sự tiến hóa, sự tiến hóa của con người và vạn vật.

Chúng ta hãy trở lại ngay từ quan điểm của Darwin, nhà tiến hóa đầu tiên khơi mở ra thuyết tiến hóa. Trong cuốn "On the Origin of Species" của ông, ngay từ những trang đầu tiên, chúng ta mê mang, cảm khoái trước sự khám phá kỳ thú về sự khác biệt gene của loài vịt nuôi trong nhà và vịt hoang dã.

Rồi từ đó,ông đưa đến kết luận về sự khác biệt về môi trường sống của vịt ở các trại chăn nuôi ở Anh và ở Đức. Tiếp theo, sự khám phá về trực giác của con chó đưa đến những điều kiện làm cho chúng sống chung với nhau v.v…

Như vậy kết luận cho hôm nay là:"Khoa học, tự chính nó, đã là một sự tiến hóa rồi và sẽ tiến hóa mãi cho đến khi con người chấm dứt sự hiện hữu trên hành tinh nầy".

Và biết đâu một giống người nào khác con người hôm nay sẽ tiếp tục sự tiến hóa tiếp nối trong một tương lai chưa định được, trong hiện tại!

Từ những suy nghĩ trên, có thể nói rằng, sự tiến hóa là một khái niệm về sự thay đổi của vạn vật, trong đó khoa học, qua sự phát triển của con người, lần lần khám phá ra…một vài điều trong sự tiến hóa.


Do đó, sự tiến hóa là vô cùng, mà khoa học chỉ khám phá, hệ thống hóa, chứng minh một phần giới hạn của sự tiến hóa trong một giới hạn của "trí thông minh" hiện nay của con người.

Như vậy, làm thế nào khoa học qua con người (siêu nhân) có thể "chứng minh" được, tạo thành một hệ thống những luật lệ của sự tiến hóa?

3-    Sự thay đổi khí hậu (Climate change)

Trở qua thí dụ về sự hâm nóng toàn cầu, hiện tượng nầy đã làm hao tổn bao nhiêu công sức của thế giới về trí tuệ, tiền bạc và thời gian. Kể từ khi có Thượng đỉnh Rio de Janerio, Ba Tây năm 1992, rồi Nghị định thư Kyoto (Kyoto Proticol) năm 1997, để rồi trở thành luật năm 2004, quy định các quốc gia trên thế giới phải hạn chế định mức phát thái khí carbonic (CO2) ở định mức năm 1990 áp dụng cho mỗi quốc gia vào năm 2012.


Nhưng tất cả đã thất bại, nghĩa là không có quốc gia nào tuân thủ quy định trên mặc dù đã ký. Trung Cộng mặc dù được miễn trừ luật định nầy, nhưng hiện nay là một nước phát thải khí carbonic đứng đầu trên thế giới với 10 tỷ tấn năm 2016, cao hơn Hoa Kỳ (8 tỷ).

Rồi thế giới lại vừa chấm dứt COP23 (17/11/2017) tại Bonn, Đức Quốc, cũng như thay đổi tên gọi từ "sự hâm nóng toàn cầu" ra "sự thay đổi khí hậu" kể từ COP1 ra đời năm 2004. Và một "khúc quanh" quan trong ở COP21 tại Paris năm 2015, nói lên "kết ước" của 195 quốc gia tham dự … là sẽ "cố gắng" giảm sự tăng nhiệt độ bầu khí quyển xuống dưới 20C vào năm 2100. Cũng như có những "hạ quyết tâm" của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Cộng là giảm thiểu việc xử dụng năng lượng hóa thạch (than đá) và tăng cường năng lượng thay thế (gió, mặt trời…) cho đến năm 2025. Nói thì nói, TC vẫn xài năng lượng bằng than nhiệt điện và mức tiêu dùng ngày càng tăng thêm!

Toàn là những lời hứa …cuội mà thôi!

4-    Thay lời kết

Con người qua khoa học, cố truy tìm nguyên nhân của sự hâm nóng toàn cầu trên qua nhiều suy nghĩ khác nhau từ sự phát triển qua sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, qua việc tạo dựng ra nhu cầu phục vụ cho phúc lợi của con người (cần thiết và không cần thiết nếu không nói là lạm dụng và do sự ích kỷ của một thiểu số) v.v…

Tất cả những nguyên nhân trên đều do "sự tiến hóa" của con người. Và trong một chừng mực nào đó, phải chăng vấn đề thay đổi khí hậu (hay sự hâm nóng toàn cầu) chỉ là một giai đoạn khác (mới) của sự tiến hóa?

"Trời chợt mưa chợt nắng có nghĩa gì đâu", lời thơ lãng mạn của Nguyên Sa có thể diễn tả được tiến trình thay đổi của "Trời Đất".

·       Đây có phải là chu kỳ của kỷ nguyên Âm-Dương của vạn vật?

·       Có phải đây là một quy luật tiến hóa của Trời Đất chăng?

Còn nhớ, từ thời Vikings ở miền Bắc Cực và Bắc Âu vẫn có sinh hoạt, vẫn có những cánh đồng cỏ để nuôi ngựa và làm canh nông, có phải giai đoạn nầy là một chu kỳ nóng của trái đất?

Sang thời người Vikings di cư về miền Ái Nhĩ Lan, miền Bắc Cực trở thành giá băng? Phải chăng giai đoạn nầy là chu kỳ lạnh của trái đất?

Và bây giờ, trái đất bắt đầu nóng lên, phải chăng chu kỳ nóng lại sắp sửa bắt đầu?

Tất cả "chặng đường của Trời Đất" trong suốt hơn 20 thế kỷ qua, có phải chăng đó là những hiện tượng của sự tiến hóa?

Vì vậy, từ những suy nghĩ tản mạn trên, chúng ta nghiệm ra rằng với nghiên cứu khoa học, chúng ta có thể hiểu được, xác nhận một số  hiện tượng của vạn vật một phần nào, có thể điều chỉnh và dự phóng một số diễn biến của vạn vật trong tương lai (trong một giới hạn thời gian nào đó).

Tất cả là do sự tiến hóa và sẽ không có một phi nhân (superman) nào có thể hình dung hay xác định được một quy luật cố định về thuyết tiến hóa cả.

Chúng ta cứ tiếp tục nghiên cứu những dự phóng cho sự tiến hóa, nhưng chúng ta cũng không chấp nhận khái niệm với định kiến là phải theo một quy luật tiến hóa nào đó dựa theo mẩu mực của cuộc nghiên cứu của những khoa học gia có "uy tín".

Vì sao?

Vì làm như thế, mặc nhiên chúng ta phủ nhận sự hiện diện tự nhiên của sự tiến hóa, vốn dĩ luôn luôn chuyển dịch (moving evolution). Đây là một suy nghĩ hết sức riêng tư của người viết!

·       Làm một nhà hóa học, chúng ta cần nên khách quan hơn nữa, không thể căn cứ vào một hiện tượng nào đó, một chứng minh nào đó để lý giải cho sự tiến hóa rồi từ đó cố gắng tạo nên một lý thuyết cho sự tiến hóa và và áp đặt mọi người phải chấp nhận như là một chân lý;

·       Làm một nhà chính trị, cũng vẫn không thể áp đặt một mô hình chính trị "mẩu mực" cho một quốc gia và…áp đặt cho những quốc gia khác phải…noi theo!

Làm như thế tức là phản khoa học, phản tiến hóa vậy!

Nhìn lại Việt Nam, phải chăng thuyết "Dân tộc sinh tồn" của Ông Trương Tử Anh, người sáng lập ra Đảng Đại Việt, cũng như thuyết "Biến cải" của TS Nguyễn Ngọc Huy, người sáng lập ra Đảng Tân Đại Việt, cũng chỉ là một hình thái của…Thuyết Tiến hóa  áp dụng cho Việt Nam mà thôi!!

Mai Thanh Truyết

Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPS)

Houston - 12-03-2017

 

________________________________________

Mai Thanh Truyết

https://maithanhtruyet1.blogspot.com/

https://www.facebook.com/envirovn

"Energy can neither created or destroyed, 

 it only transforms from one form to another" - Anonymous


                                                         

 

//////////////////////////////////////////////////