Môi Trường – Hóa Chất – Ung Thư
Hàng ngày, con người hấp thụ hóa chất vào cơ thể qua nhiều cách khác nhau do tiếp xúc trực tiếp qua xúc giác, do hít thở không khí, do ăn uống, thậm chí qua con đường yêu đương nữa.
Có thể nói, 99,9% hóa chất hấp thụ đó đến từ thiên nhiên và chỉ một phần rất nhỏ là do các hóa chất tổng hợp dưới danh nghĩa hóa chất bảo quản thực phẩm. Theo nhiều kết luận của các nhà chuyên môn về hóa chất độc hại, chúng ta tiêu thụ nhiều hóa chất trừ nấm mốc, trừ sâu rầy do thiên nhiên nhiều hơn hóa chất tổng hợp.
Lý do là chúng ta ăn rau đậu hay trái cây đã có sẳn các hóa chất trên do cây sản xuất để tự tạo ra sức đề kháng với nấm mốc, hay côn trùng cùng một vài thú vật…Các hóa chất diệt côn trùng thiên nhiên nầy có nhiều dạng khác nhau tùy theo mỗi loại cây cỏ.
Theo Tiến sĩ Bruce Ames, một trong những nhà khoa học nói lên từ giữa thập niên 1970 về những mối liên quan giữa hóa chất và ung thư, rằng con người trung bình sống tại Hoa Kỳ hấp thụ từ 5 đến 10 ngàn hóa chất trừ côn trùng thiên nhiên trong suốt cuộc đời. Và hàng ngày, con người hấp thụ khoảng 1,5 gram hóa chất trừ côn trùng thiên nhiên (natural pesticides), trong lúc đó chỉ hấp thụ 0,09 mg hóa chất diệt côn trùng tổng hợp mà thôi.
Một người Mỹ trung bình, hàng ngày hấp thụ khoảng 2 gram thức ăn đã cháy (burnt material) qua các giai đoạn chuẩn bị và nấu ăn v.v…Một trong những thành phần cháy nầy gồm khoảng 200 hóa chất khác nhau tổng hợp thành 0,09 mg kể trên. Các hóa chất nầy có tên gọi chung là hóa chất "cháy" có nguy cơ tạo ra ung thư (rodent carcinogen).
Số lượng hóa chất tạo ra trong quá trình rang cà phê chúng ta uống hàng ngày cao gấp nhiều lần hơn số lượng 0,09 mg hóa chất "cháy'' trong quá trình chế biến thực phẩm…
Phần dẫn nhập trên đây sẽ cho chúng ta có một tầm nhìn khác biệt về các tính chất ung thư của thực phẩm chúng ta hấp thụ hàng ngày.
Ngày 5 tháng 5, năm 2010, Nhóm Nghiên cứu Ung thư của Tổng thống (President's Cancer Panel) đã công bố một báo cáo trong đó yêu cầu các cơ quan chính phủ và tư nhân cần phải đầu tư nhiều hơn trong việc nghiên cứu khả năng và nguy cơ nhiễm độc của các hóa chất vừa kể trên. Các nghiên cứu hoàn chỉnh trên cần phải công bố trước khi hóa chất được đem ra áp dụng chứ không đợi cho đến khí ảnh hưởng tập thể đến người tiêu dùng.
Mục tiêu của báo cáo trên, theo lời của Bs LaSalle D. Leffafall là cần phải tăng thêm sự chú ỳ của người tiêu dùng.
Báo cáo trên đã gây ra nhiều quan điểm bất đồng vì, theo thống kê số lượng người mắc bịnh ung thư do môi trường ngày càng thấp dần và sự giảm thiểu nầy là do chính sách hạn chế tệ trạng hút thuốc lá.
Sự liên quan giữa môi trường, hóa chất, và ung thư
Báo cáo thường niên 2008 – 2009 của Nhóm trên với tựa đề "Giảm thiểu Nguy cơ Ung thư trong Môi trường: Chúng ta phải làm gì bây giờ?" cho biết những trường hợp ung thu do môi trường từ khoảng 40 năm qua và đưa ra nhiều trường hợp điển hình chứng minh cho nguy cơ trên. Nhiều trường hợp nhiễm độc do môi trường đã có từ trong bụng mẹ, hay nói đúng ra là trẻ sơ sinh đã bị "tiền ô nhiễm" (pre-polluted).
Kết luận và đề nghị của báo cáo nhấn mạnh về trách nhiệm của những nhà hóa học rằng:"Nhiều nhà hóa học còn khiếm khuyết trong nhận thức về môi trường độc hại cũng như làm thế nào để khai triển những hướng an toàn hơn trong nghiên cứu, hoặc bị hạn chế trong việc thay đổi phương hướng vì các rào cản trong kỹ nghệ".
Tuy nhiên, cho đến nay nhiều nhà khoa học không đồng ý với những khuyến cáo "tiêu cực" trên vì …nguyên nhân của bịnh ung thư đa số là do con người trực tiếp hay gián tiếp tạo chứng bịnh riêng cho mình như việc hút thuốc lá chẳng hạn. TS Elizabeth M. Whelan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Sức khỏe Hoa Kỳ (American Council on Science and Health), một người sát cánh và hiểu nhiều vấn đề kỹ nghệ, đã phát biểu rằng:"Mặc dầu việc tiếp nhiễm hóa chất trong môi trường ngày càng tăng, nhưng số tử vong cho con người vì ung thư môi trường giảm". Bà kế luận:"Hóa chất trong môi trường không dự phần vào các chứng ung thư".
Tuy nhiên, Julia G. Brody, Giám đốc điều hành Silent Spring Institue, đã mất 15 năm nghiên cứu về mối liên quan giữa môi trường và ung thư vú. Kết luận của Bà là:"Sự giảm thiểu số nạn nhân ung thư ngày hôm nay là do việc tiết chế hút thuốc. Mức ung thư vú vẫn không thay đổi, trong lúc đó số lượng ung thư về hormone, ung thư dịch hoàng (testicular cancer), ung thư ở dạng tuổi nhỏ, và ung thư não có chiều hướng tăng lên". Hay nói một cách khác đi, theo diễn dịch của Bà Julia thì môi trường có ảnh hưởng lên chứng ung thư của con người.
Qua hai khuynh hướng khác biệt trên, chúng ta tuy chưa thể rút ra kết luận, nhưng quá khứ đã chứng minh rằng:
- Cho đến nay chưa có dịch ung thư (cancer epidemic) nào khác hơn ung thư do hút thuốc.
- Liều lượng hóa chất ảnh hưởng lên mức độ nhiễm độc. Gần ½ hóa chất thử nghiệm (trên 500 hóa chất), dù là hóa chất có trong thiên nhiên hay tổng hợp, đều là tác nhân của ung thư khi bị tiếp nhiễm ở nồng độ cao.
- Hầu hết nguyên nhân của bịnh ung thư khác hơn do hút thuốc, đều do sự bất quân bình trong sự ăn uống hàng ngày, do yếu tố hormone, do bị nhiễm trùng, hay do yếu tố di truyền. Sự khiếm khuyết về sinh tố hay muối khoáng cho cơ thể cũng có thể tạo ra những biến đổi DNA tương tự như ảnh hưởng của phóng xạ lên cơ thể con người.
Qua những thông tin nêu trên, dù có đồng thuận hay không, chúng ta vẫn nhận định rằng dù sao đi nữa cũng có một chuổi liên quan dù gần hay xa giữa Hóa chất – Môi trường – Ung thư với nhau. Vụ nổ nhà máy hóa chất Bhopal, Ấn Độ năm 1984 đến nay vẫn còn gây di hại cho người dân sống tại nơi nầy do hóa chất methyl isocyanate (MIC) còn nằm trong môi trường. Vụ nổ nhà máy điện nguyên tử ở Nga cách đây trên 20 năm vẫn là nguyên nhân làm chuyển đổi di truyền (mutation) của người dân trong vùng do các tia phóng xạ.
Một nghiên cứu khác của TS Harrison, Đại học Leicester, Anh, cho biết một số hóa chất cả thiên nhiên và tổng hợp trong môi trường, có khả năng xáo trôn hệ thống nội tiết (endocrine system). Các hóa chất anthropogenic như hormone tổng hợp, organotin, organochlorine pesticides, PCBs, dioxins, Phthalates và bisphenol-A và các hóa chất steroid hormone như phyto- và myco-estrogens. Các ảnh hưởng nầy đã được quan sát sự bất bình thường trong sự sinh sản, vài trường hợp vô sinh (fertility) xảy ra trên một số loài có vú và vài loại chim và cá biển ở Florida.
Đặc biệt hơn nữa, Mary Wolff, Mount Sinai School of Medicine, New York, đã chứng minh là các hóa chất thuộc loại bền vững (persistent) trong môi trường là căn nguyên của nhiều chứng ung thư như PCBs (dùng làm bộ phận cách điện), DDT làm thuốc sát trùng và diệt muỗi… TS Mary cũng chứng minh rằng phụ nữ sống ở thành phố New York có nguy cơ bị ung thư vú do hóa chất môi trường DDE, một chuyển hóa chất trong quá trình sin hủy (bio-degradation) của DDT.
Theo thống kê mới nhứt của WHO, tỷ lệ người dân Trung Hoa bị chứng ung thư ngày càng cao vì môi trường không khí, nước, và đất bị ô nhiễm bởi hàng trăm ngàn công ty hóa chất phóng thích chất thải từ năm 1979 trở đi… Trường hợp nầy cũng không là một ngoại lệ cho Việt Nam.
Do đó, để kết luận, chúng ta có thể nói rằng, ung thư là một nguy cơ hàng đầu, và yếu tố môi trường trong đó có hóa chất vẫn giữ một vai trò trong nhiều trường hợp gây ra chứng ung thư. Do vậy, chính phủ và các trung tâm nghiên cứu vẫn tiếp tục nghiên cứu để tình hiểu thêm đặc tính gây ra ung thư của từng yếu tố một.
Nhận thức được suy nghĩ như trên, chúng ta mới có thể cảnh giác và kiểm soát được hành động của chúng ta trong khi ứng xử với thiên nhiên qua việc phát thải vào môi trường có chủ đích hay không có chủ đích. Và nếu, mỗi người trong chúng ta có cùng một tâm khảm như trên, chắc chắn trái đất sẽ được tẩy sạch hay giảm bớt đi những chất thải trong tương lai do con người tạo ra.
Mai Thanh Truyết
Môi trường 8/2010